Qua 20 năm tổ chức thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân đã nắm được nội dung cơ bản các văn bản pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, góp phần bảo vệ lãnh thổ trong tình hình mới.
Bộ đội biên phòng tuyên truyền biển đảo cho ngư dân. Ảnh: H.A |
Ngày 28.3.1997, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa IX) đã ban hành Pháp lệnh BĐBP, là cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới nói chung và tổ chức, hoạt động của BĐBP nói riêng.
Tuyên truyền pháp luật
Quảng Nam có tuyến bờ biển đảo dài 125km qua 6 huyện, thị, thành phố, 16 xã phường, người dân khu vực biên giới biển chủ yếu làm nghề nghiệp khai thác hải sản, nông nghiệp và thương mại dịch vụ. Tuyến biên giới Quảng Nam - Sê Kông dài 157,422 km, qua 2 huyện, 14 xã với hệ thống 60 cột mốc quốc giới và 7 cọc dấu, có cửa khẩu chính Nam Giang và cửa khẩu phụ Tây Giang. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào biên giới còn nhiều khó khăn, cơ sở y tế, giáo dục còn nhiều thiếu thốn, giao thông cách trở, nhất là vào mùa mưa, phong tục tập quán một số nơi còn lạc hậu. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên phòng diễn biến phức tạp.
Ngay khi triển khai, Pháp lệnh BĐBP được thực thi dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện pháp lệnh và ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch để hướng dẫn chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung pháp lệnh phù hợp với tình hình thực tế ở tỉnh. Với đặc thù là tuyến biên giới của tỉnh có đến hơn 97% là đồng bào người dân tộc thiểu số Cơ Tu, Ve, Tà Riềng sinh sống, nên tổ tuyên truyền pháp luật của các đồn biên phòng và các xã biên giới đã biên soạn những nội dung luật ngắn gọn, trọng tâm, dễ hiểu và đều được phiên thành 3 thứ tiếng: Cơ Tu, Ve, Tà Riềng… để tuyên truyền các văn bản luật mới ban hành đến bà con. Thời gian qua, việc thực hiện Pháp lệnh BĐBP tại xã La Dêê nói riêng và ở khu vực biên giới của Quảng Nam nói chung đạt nhiều hiệu quả. Đáng chú ý, tình trạng vi phạm pháp luật trong nhân dân giảm hẳn, không còn xảy ra tình trạng vượt biên trái phép, xâm canh xâm cư, di cư tự do, hầu hết hủ tục lạc hậu đều bị xóa bỏ, nhân dân tích cực tham gia phong trào bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Ông Chơ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang, cho biết: “Năm nay, tất cả xã biên giới của huyện giảm rõ rệt số vụ việc vi phạm pháp luật. Đặc biệt thời gian qua luôn giữ vững an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, không để xảy ra điểm nóng”.
Sâu sát cơ sở
Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, BĐBP Quảng Nam xác định xây dựng thế trận biên phòng toàn dân là nhiệm vụ trọng tâm trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo. Theo đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP tỉnh đã không quản ngại khó khăn, luôn sát cánh cùng nhân dân khu vực này bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; vận động nhân dân tích cực tham gia chủ trương “Tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản khu vực biên giới”. Hiện trên tuyến biên giới thuộc huyện Nam Giang và Tây Giang, BĐBP tỉnh đã vận động bà con các thôn bản thành lập được 78 tổ tự quản.
Còn với tuyến biển, BĐBP đã tích cực tham mưu, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về Luật Biển, tình hình biển đảo Việt Nam… Các mô hình “Tàu thuyền, bến bãi an toàn”, “Thôn không có người vi phạm pháp luật”, tiếp tục được nhân rộng và phát huy tác dụng ở các địa phương tuyến biển, đảo. Trên cơ sở này, hàng chục tổ đoàn kết đánh bắt trên biển ra đời nhằm giúp đỡ sản xuất, tìm kiếm ngư trường, hỗ trợ khi gặp nạn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Ông Hồ Thanh Hưởng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Minh, huyện Thăng Bình cho biết : “Chúng tôi khi ra khơi đánh bắt, gặp sự cố gì đều thường xuyên liên lạc với BĐBP tỉnh hỗ trợ lai dắt vào bờ. Ngoài ra, Đồn Biên phòng Bình Minh còn tổ chức tập huấn tuyên truyền về biển đảo cho ngư dân chúng tôi để sản xuất đúng ngư trường”.
Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp lệnh liên quan, BĐBP tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quản lý bảo vệ biên giới quốc gia, vùng biển của tỉnh. Vì vậy trong nhiều năm qua, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ở khu vực biên giới, vùng biển. “Với chức năng là cơ quan chuyên trách nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, BĐBP chủ động tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho quần chúng nhân dân trên địa bàn, nhất là địa bàn khu vực biên giới, về chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, trong đó chú trọng nội dung tuyên truyền pháp luật về khu vực biên giới. Phối hợp với địa phương tích cực xây dựng củng cố cơ sở phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh” - Đại tá Nguyễn Hữu Thắng - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho hay.
HỒNG ANH