2016, sự kiện và dấu ấn

T.S (tổng hợp) 01/01/2017 06:12

Năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Quảng Nam đã làm nên những bước phát triển đột phá, tạo ra sự khởi sắc của bức tranh kinh tế - xã hội, tạo động lực mạnh mẽ, là tiền đề quan trọng để toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển cho cả giai đoạn. Chào năm mới 2017, Báo Quảng Nam điểm lại một số sự kiện, dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực đã góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh trong năm 2016.

Ngày hội Bầu cử

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh tham gia bầu cử. Ảnh: Thành Công
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh tham gia bầu cử. Ảnh: Thành Công

Ngày 22.5, cùng với cả nước, 1.136.322 cử tri Quảng Nam (chiếm 99,97% số cử tri toàn tỉnh; xếp thứ 4 cả nước) sôi nổi tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong cuộc bầu cử lần này, 14 địa phương có 100% số cử tri đi bỏ phiếu, gồm: Đông Giang, Bắc Trà My, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Điện Bàn, Phú Ninh, Phước Sơn, Đại Lộc, Tây Giang, Quế Sơn, Nông Sơn, Thăng Bình, Nam Trà My, Tiên Phước. Cuộc bầu cử ở Quảng Nam diễn ra thành công tốt đẹp, đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, đã lựa chọn được những người tiêu biểu về tài đức, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính quyền các cấp. Cử tri Quảng Nam đã bầu đủ số lượng 8 đại biểu Quốc hội khóa XIV theo phân bổ của Trung ương, bầu đủ 60 đại biểu HĐND tỉnh khóa IX theo số lượng được ấn định. Cử tri của tỉnh cũng đã bầu ra 583 đại biểu HĐND cấp huyện và 6.125 đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Kỷ niệm 140 năm Ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng

Ngày 1.10, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (TP.Tam Kỳ), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1.10.1876 - 1.10.2016).

Tuổi trẻ Quảng Nam viếng hương mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng tại núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi).Ảnh: MỸ LINH
Tuổi trẻ Quảng Nam viếng hương mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng tại núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi).Ảnh: MỸ LINH

Diễn văn kỷ niệm do Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc đã ôn lại quá trình hoạt động cách mạng của cụ Huỳnh Thúc Kháng và nhấn mạnh: Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng - người con ưu tú của quê hương Quảng Nam, là tấm gương sáng, đức cao vọng trọng, suốt một đời vì nước, vì dân, mãi mãi để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đúng vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phát huy tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của cụ Huỳnh Thúc Kháng và các bậc tiền bối cách mạng, cả nước nỗ lực phấn đấu, nắm bắt thời cơ, tranh thủ vận hội, vượt lên mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước.

Khởi công, khánh thành nhiều công trình, dự án, tạo đòn bẩy phát triển

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An.Ảnh: MTG
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An.Ảnh: MTG

Năm 2016, Quảng Nam khởi công, khánh thành và đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình, dự án quy mô lớn, tạo đòn bẩy cho sự phát triển. Cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển 127 nối từ Hội An đến Tam Kỳ hoàn thành (khánh thành ngày 27.3), khai phóng tiềm năng cả vùng trọng điểm phía đông của tỉnh. Trong khi đó, cầu Giao Thủy, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được tập trung đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2017, hình thành mạng giao thông kết nối chiến lược liên vùng nội tỉnh và khu vực… Đại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD chính thức khởi công (ngày 24.4) sau nhiều năm chuẩn bị. Dự án có diện tích 985,6ha, được chia thành 7 giai đoạn; giai đoạn 1 sẽ được phát triển khoảng 163ha với mức đầu tư 500 triệu USD. Khi đưa vào khai thác từng phần kể từ đầu năm 2019, Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An sẽ tạo ra hơn 2.000 việc làm với cam kết đào tạo chuyên môn khách sạn, dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế cho người lao động địa phương, đóng góp thuế đáng kể vào ngân sách Quảng Nam. Ở vùng đông nam, Khu công nghiệp Tam Thăng tất bật với nhiều nhà máy khẩn trương xây dựng và đưa vào hoạt động. Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải tiếp tục nâng cấp quy mô với lễ khởi công đầu tư xây dựng Khu công nghiệp cơ khí ô tô mở rộng và 2 tuyến đường nối từ cảng Tam Hiệp đến đường cao tốc và khu công nghiệp vào ngày 24.4…

110 năm phủ lỵ Tam Kỳ và công nhận đô thị loại II

Tối 24.8, tại Quảng trường 24.3, TP.Tam Kỳ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm phủ lỵ Tam Kỳ, 10 năm thành lập thành phố, đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và công bố quyết định công nhận đô thị loại II của Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố Tam Kỳ hôm nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Thành phố Tam Kỳ hôm nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Năm 1906, huyện Hà Đông được thành lập, sau đó nâng lên thành phủ Hà Đông và đổi tên thành phủ Tam Kỳ. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Tam Kỳ là một trong những địa phương đi đầu trong việc đứng lên đấu tranh giành độc lập. Năm 1997, với sự kiện tái lập tỉnh Quảng Nam, thị xã Tam Kỳ trở thành tỉnh lỵ. Do yêu cầu phát triển, tháng 1.2005, thị xã Tam Kỳ chia tách thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh là thị xã Tam Kỳ và huyện Phú Ninh. Sau gần 2 năm nỗ lực đầu tư xây dựng và phát triển, tháng 9.2006, thị xã Tam Kỳ được nâng cấp lên thành thành phố trực thuộc tỉnh. Tròn 10 năm thành lập thành phố, ngày 5.2.2016, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận Tam Kỳ là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Niềm vui nối tiếp niềm vui, ngày 9.5.2016, TP.Tam Kỳ vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Kỷ lục thu ngân sách

Năm 2016, Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải đóng góp hơn 60% vào nguồn thu nội địa của tỉnh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Năm 2016, Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải đóng góp hơn 60% vào nguồn thu nội địa của tỉnh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Năm 2016 kinh tế Quảng Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn và bước vào thời kỳ ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tính theo phương pháp mới là 14,73% (theo phương pháp cũ là 14,50%), vượt xa so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra (11,5%); trong đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 15,5%, đã góp phần quan trọng giảm giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong tổng cơ cấu kinh tế chỉ còn 11,9% (năm 2015 là 13,4%). Thu ngân sách trên địa bàn đạt con số kỷ lục, khoảng 19.450 tỷ đồng, đưa Quảng Nam chính thức bước vào câu lạc bộ  15 tỉnh, thành phố điều tiết ngân sách về Trung ương kể từ năm 2017.

Định danh “chiếc nôi” chữ Quốc ngữ

Ngày 24.8, tại thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh tổ chức hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ”. Với gần 70 tham luận của các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành nghiên cứu, hội thảo đã hé lộ những thông tin quý giá về vai trò của Dinh trấn Thanh Chiêm trong tiến trình lịch sử dân tộc và sự ra đời của chữ Quốc ngữ.

Hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ”. Ảnh: MTG
Hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ”. Ảnh: MTG

Dinh trấn Thanh Chiêm (nay thuộc thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) ra đời gắn với việc chúa Tiên Nguyễn Hoàng sai con trai là Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ dinh Quảng Nam năm 1602 và cắt vùng đất nam Hải Vân (vốn thuộc Điện Bàn xưa) nhập vào dinh Quảng Nam năm 1604. Không chỉ quán xuyến mọi hoạt động kinh tế ở vùng đất Quảng Nam, Dinh Thanh Chiêm còn là nơi điều hành mọi hoạt động của Tuần ty và quan thủ ngự cai trị vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, một trung tâm kinh tế chính trị mới hình thành trên vùng đất phương Nam vừa kết nối vào lãnh thổ Đại Việt dưới thời các chúa Nguyễn.

Đối với sự ra đời của chữ Quốc ngữ, đa số tham luận khẳng định, cùng với Hội An, Thanh Chiêm là nơi đầu tiên ở Đàng Trong tiếp nhận các giáo sĩ phương Tây đến truyền giáo, tạo điều kiện cho họ tìm hiểu, sống chung và hội nhập với vùng đất và con người Đàng Trong. Đây chính là tiền đề và cội nguồn sâu xa cho việc ra đời chữ Quốc ngữ  vào đầu thế kỷ XVII. Tuy nhiên, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Việc giáo sĩ Francisco de Pina hay Alexandre de Rhodes “sáng chế” ra chữ Quốc ngữ trước hay sau không quan trọng, vì mỗi người đều có đóng góp một phần nhất định. Đặc biệt, lịch sử không thể đóng đinh mà phải có sự thay đổi theo thời đại, nhưng nhận thức đó là cả một quá trình, nên chúng ta có thể khẳng định chữ Quốc ngữ nói cho cùng là sản phẩm của nhân dân Việt Nam”.

Khai trương tuyến hàng hải quốc tế

Ngày 5.8, tại Khu công nghiệp cảng - hậu cần cảng Chu Lai - Trường Hải, UBND tỉnh và Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) tổ chức lễ khai trương tuyến hàng hải (container) Hàn Quốc - Chu Lai và khởi công mở rộng cảng Chu Lai - Trường Hải tại bến số 1, Tam Hiệp - Kỳ Hà (Núi Thành).

Lãnh đạo tỉnh chúc mừng đoàn thủy thủ Hàn Quốc đưa tàu cập cảng Chu Lai - Trường Hải ngày 5.8.2016. Ảnh: QUANG VIỆT
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng đoàn thủy thủ Hàn Quốc đưa tàu cập cảng Chu Lai - Trường Hải ngày 5.8.2016. Ảnh: QUANG VIỆT

Với việc khai trương tuyến hàng hải (container) Hàn Quốc - Chu Lai, lần đầu tiên, cảng biển Kỳ Hà đã trực tiếp đón tàu hàng quốc tế có trọng tải hơn 20.000 tấn từ cảng Incheon (Hàn Quốc) cập cảng mà không cần phải thông qua các cảng trung chuyển như TP.Đà Nẵng hay TP.Hồ Chí Minh. Sự kiện chính thức đánh dấu hình thành tuyến hàng hải quốc tế giữa Quảng Nam với các nước trên thế giới. Tại buổi lễ, Thaco đã tổ chức khởi công mở rộng cảng Chu Lai - Trường Hải với 170m cầu cảng về phía thượng lưu, nâng tổng chiều dài của cảng lên 500m. Số vốn đầu tư cho dự án là 200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 2.2017, qua đó nâng tổng số vốn đầu tư tại cảng Chu Lai - Trường Hải lên 800 tỷ đồng.

Trong nhật ký làm hàng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng trưởng từng năm; trong đó đạt 450.000 tấn năm 2014, tăng lên 950.000 tấn năm 2015 và đạt khoảng 1.350.000 tấn năm 2016.

Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số

Biểu diễn cồng chiêng và đồng diễn nghệ thuật tại Lễ khai mạc Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ I năm 2016.Ảnh: XUÂN PHÚ
Biểu diễn cồng chiêng và đồng diễn nghệ thuật tại Lễ khai mạc Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ I năm 2016.Ảnh: XUÂN PHÚ

Từ ngày 13 đến 19.6, tại huyện Nam Trà My, diễn ra Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ I năm 2016, thu hút gần 1.000 vận động viên của 9 huyện miền núi, trung du, tham gia tranh tài tại 7 môn (gồm: bóng đá nam, bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, đẩy gậy, kéo co, bắn ná, việt dã leo núi). Hội thi được tổ chức xuất phát từ tâm tư nguyện vọng của đồng bào cần có một lễ hội thể thao riêng, không chỉ là dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi mà còn ở đồng bằng, qua đó góp phần giữ gìn, phát huy các môn thể thao mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Kết quả, đoàn huyện Nam Trà My xuất sắc giành giải nhất toàn đoàn, xếp thứ nhì là huyện Nam Giang và Tây Giang thứ ba. Huyện Đông Giang sẽ là điểm đến tiếp theo của Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ II năm 2020.

Kiên quyết xử lý các vấn đề về tài nguyên, môi trường

Năm 2016, tỉnh Quảng Nam đã kiên quyết xử lý những vụ việc liên quan đến xâm phạm tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Trong đó, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ liên quan đến vụ phá rừng pơmu ở Nam Giang; nhanh chóng phối hợp khắc phục sự cố vỡ ống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2; yêu cầu Công ty CP Sản xuất  sô đa tạm dừng hoạt động khi tiếp nhận thông tin nhà máy xả nước thải ra môi trường, đồng thời phải khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường… Về khai thác tài nguyên khoáng sản, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ảnh, kiến nghị những tiêu cực trong quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản; hạn chế việc cấp phép mới khai thác khoáng sản; yêu cầu các địa phương tập trung toàn lực cho công tác rà soát, kiểm tra để phục vụ cho việc lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động khoáng sản…

T.S (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
2016, sự kiện và dấu ấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO