Ở xã Trà Linh (Nam Trà My), ông Hồ Văn Du (sinh năm 1962) được xem như linh hồn của cây sâm trúc (sâm Ngọc Linh, sâm K5). Bởi lẽ trong 35 năm qua, con người này đã cùng ăn, cùng ở với cây sâm và hơn hết là đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt để giữ được nguồn giống loại dược liệu thuộc hàng quý hiếm trên thế giới đang sinh trưởng và phát triển tốt ở đỉnh Ngọc Linh.
Gian khổ di thực cây sâm
Những ngày mùa hè này, tranh thủ trời nắng ấm, chúng tôi tổ chức chuyến công tác lên xã Trà Linh. Khi vào nóc Măng Lùng thuộc thôn 2 hỏi nhà ông Hồ Văn Du, người trong làng cho biết, cả gia đình này đang ở trên Trạm dược liệu giữ sâm trúc vì đây đang là mùa sâm ra hoa, kết trái. Vậy là chúng tôi phải leo núi hơn 3 tiếng đồng hồ từ Măng Lùng lên Trạm dược liệu. Tới nơi vào đúng lúc giữa trưa, ông Du cùng một số công nhân trẻ và vợ con đang loay hoay dọn những cành cây khô gãy đè các cây sâm trong cơn mưa tối hôm trước. Vừa nhẹ nhàng nhặt từng cành cây khô để hoa sâm không bị gãy, ông Du tươi cười nhắc khách: “Đi cẩn thận khéo dẫm lên sâm nghe em”. Ngồi mân mê những chùm hoa sâm đang nở rộ dưới ánh nắng ít ỏi xuyên qua tán rừng già rọi xuống, ông Du chia sẻ với chúng tôi về hành trình theo nghiệp giữ sâm.
Mỗi gốc sâm lớn lên đều có bàn tay nâng niu, chăm bón của ông Hồ Văn Du. |
Ấy là vào năm 1980, khi mới 18 tuổi, chàng thanh niên Hồ Văn Du được Ty Y tế Quảng Nam - Đà Nẵng tuyển dụng, cùng với cán bộ trong ngành đi khảo sát thành lập vườn sâm. Nhờ thuộc lòng từng dãy núi, khe suối trên đỉnh Ngọc Linh qua những chuyến săn bắt thú rừng và nhất là biết những khu vực cây sâm trúc tự nhiên còn nhiều nên Hồ Văn Du đã có công rất lớn trong những ngày đầu hình thành Trạm Dược liệu ngày nay. Theo lời kể, vào thời điểm đó, ông Du cùng 3 thanh niên người Xê Đăng khác ở làng Măng Lùng mang gùi vào rừng già để tìm sâm tự nhiên đưa về trồng tập trung tại Trạm dược liệu bây giờ. Ngày đó, núi rừng hoang vu, mỗi chuyến đi, cả nhóm phải ở lại trong rừng già cả tuần, có khi nửa tháng. “Tìm sâm tự nhiên trong rừng già phải chọn vào khoảng tháng 3, vì mùa này sâm rừng ra hoa, dễ phát hiện. Ở trong rừng già ăn cơm với muối và rau rừng là chủ yếu. Có lúc anh em gặp thú dữ bỏ chạy hết hơi. Ban đêm trời lạnh dưới 10 độ. Nhiều lần bị sốt rét, cảm lạnh do mưa rừng nên rất gian khổ” - ông Du nhớ lại. Khi di thực sâm tự nhiên về Trạm dược liệu, ông lại cùng các công nhân làm đất, cuốc thửa để đưa vào trồng theo đúng kỹ thuật tại khu vực có độ cao gần 2.000m. Nhờ vậy, chỉ sau một năm, cây sâm tự nhiên đã bám rễ trổ bông và cho hạt giống. Cứ như vậy sau bao nhiêu gian khổ, cây sâm trúc đã có lối thoát trong bài toán bảo tồn, phát triển nguồn giống.
Hạnh phúc từ vườn sâm
Khi vườn sâm trúc trong Trạm Dược liệu được hình thành, ông Du cùng các công nhân túc trực quanh năm, suốt tháng để chăm sóc, bảo vệ cây trước sự xâm hại của thiên nhiên, thú rừng và con người. Đến năm 1987, do yêu cầu mở rộng diện tích vườn sâm nên số lượng công nhân được tuyển dụng thêm. Cũng từ vườn sâm này, ông Du đã đem lòng yêu Hồ Thị Hai (sinh năm 1970) cũng là công nhân Trạm Dược liệu. Họ đã nên duyên vợ chồng và sinh được 2 người con. Đến nay các con của ông Du cũng theo nghiệp cha mẹ tham gia bảo vệ vườn sâm nhà nước tại Trạm Dược liệu. Do những ngày đầu mới lập gia đình, đồng lương ít ỏi mà nương rẫy không có, nên vào những lúc rảnh rỗi, vợ chồng ông Du lại vào rừng mót sâm tự nhiên đưa về trồng bên cạnh vườn sâm của Trạm dược liệu. Kể từ năm 1998 đến nay, hằng năm ông Du bán hơn 10kg sâm trúc trong vườn của gia đình. Nhờ đó, cuộc sống dần khấm khá, vật dụng, tiện nghi sinh hoạt gia đình được sắm sửa đầy đủ. Hiện nay gia đình ông Du đang có trong tay 10 nghìn gốc sâm trúc hơn 10 năm tuổi. Cứ tính bình quân 2 gốc sâm nặng 1 lạng và có giá khoảng 2,5 triệu đồng thì vườn sâm của gia đình ông trị giá hơn 12 tỷ đồng. Không chỉ là một công nhân có vai trò đáng kể trong việc bảo tồn và phát triển vườn sâm nhà nước, ông Hồ Văn Du còn là một người Xê Đăng giàu nghị lực biết làm giàu một cách chính đáng trên quê hương mình.
Kể từ đầu năm 2014, ông Du được Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam bổ nhiệm làm Trưởng trạm Dược liệu Trà Linh, nơi ông đã gắn bó trong 35 năm qua. “Hạnh phúc nhất của tôi bây giờ là hàng ngày nhìn thấy vườn sâm trong Trạm Dược liệu mọc lên xanh tốt. Mong sao thời gian tới Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển mạnh cho cây sâm trúc và vận động nhân dân ở Trà Linh ai cũng tham gia trồng sâm để nó thực sự trở thành cây làm giàu cho người Xê Đăng nơi đây!”. Sắp tới, ông Du sẽ đảm đương nhiệm vụ mở rộng diện tích trồng sâm lên 44ha (hiện nay là 10ha với 126 nghìn gốc sâm) theo kế hoạch của tỉnh giao. Những kinh nghiệm đúc kết qua quá trình chăm bón, thu hoạch hạt và kỹ thuật gieo ươm hiệu quả nhất đã và đang được ông hướng dẫn tỉ mỉ cho công nhân để tiếp tục gìn giữ nguồn gen của loại dược liệu cực kỳ quý hiếm này.
HOÀNG THỌ