(QNO) - Hơn 22 giờ tối 22.9, 37 ngư dân trên tàu câu mực QNa 95005TS đã đặt chân xuống sân bay Đà Nẵng, sau hơn 3 tháng bị giới chức Malaysia bắt giữ với lý do vi phạm luật thủy sản 1985 của nước này.
Chờ đón chuyến bay đưa ngư dân trở về ở sân bay Đà Nẵng có nhiều lãnh đạo địa phương cùng người thân của các thuyền viên. Người thân của các ngư dân có mặt từ rất sớm. Chuyến bay bị hoãn gần 3 tiếng đồng hồ so với dự tính, họ càng nóng lòng gặp lại người thân.
Mất thêm một khoảng thời gian khá lâu để chờ làm thủ tục, ngư dân mới được ùa vào vào tay của người thân mình. Nhiều người òa khóc, ôm chầm lấy người thân sau gần 6 tháng ròng xa cách, trong đó có 3 tháng bị phía Malaysia giam giữ.
Thuyền viên Nguyễn Văn Thành (SN 1986, xã Bình Minh, Thăng Bình) ôm lấy vợ và con, sụp xuống. Cha của anh vừa mất vào ngày 2.7. Gia đình giấu tin, đến lúc gặp vợ con, anh mới được biết. Anh gục đầu, ôm chặt lấy con. Vợ và mẹ anh đều khóc.
Dù mệt mỏi sau chuyến bay dài, song bà Trần Thị Tình (38 tuổi) vẫn không giấu được niềm xúc động. Bà đã có một hành trình dài chờ đợi sau khi gửi đơn đến nhiều cơ quan từ địa phương đến Trung ương, xin cứu giúp cho các ngư dân.
Đứng gần vợ, thuyền trưởng Mạnh chia sẻ, hầu hết người trên tàu đều là anh em, họ hàng, đi biển với nhau hơn 10 năm nay. Làm thuyền trưởng rất nhiều năm, nhiều lần đến vùng biển trên đánh bắt hải sản, nhưng ông Mạnh cho biết chưa từng bị đuổi đánh. Đây là lần đầu ra khơi, ông và các thuyền viên bị tấn công và bắt giam, tuyên án phạt tiền.
Ngày 30.8, Toà án Kota Kinabalu Sabah (Malaysia) đưa vụ án liên quan đến các ngư dân tàu cá của thuyền trưởng Mạnh ra xét xử để khép lại sự việc.
Các ngư dân cho biết, theo bản án của toà, thuyền trưởng Mạnh phải nộp tiền phạt, quy đổi gần 900 triệu đồng tiền Việt Nam, mỗi thuyền viên bị phạt gần 160 triệu đồng. Tổng tiền phạt hơn 5 tỷ đồng.
Chị Trần Thị Tình, vợ ngư dân Mạnh cho hay, gia đình phải chi khoản tiền khá lớn cho mỗi lần xét xử, đồng thời chi phí cho mỗi người thân hồi hương hơn 25 triệu đồng.
Anh Mạnh cho hay, sau lần trở về này, tính mạng còn giữ, nhưng tài sản gần như mất trắng sau chuyến ra khơi. Dù vậy, nghề biển gắn bó cả chục năm, nên ông cùng các thuyền viên vẫn muốn bám biển, chỉ mong được hỗ trợ để tiếp tục hành nghề.
“Trải qua hơn 2 tháng lênh đênh trên biển và 3 tháng bị bắt giữ, chúng tôi rất vui mừng khi được trả tự do. Điều lo lắng nhất là tất cả tài sản đều đã cầm cố, người thân phải vay mượn khoản tiền rất lớn để có tiền chi trả cho nhiều chi phí để hôm nay chúng tôi được về quê nhà. Chúng tôi không biết khi nào mới có thể trả nổi những chi phí này, khi toàn bộ tài sản đã mất hết. Nhưng tôi vẫn hi vọng được trở lại làm nghề biển” - ông Mạnh nói.
[VIDEO] - Khoảnh khắc xúc động khi 37 ngư dân tàu QNa 95005TS đặt chân đến sân bay Đà Nẵng
Trong tối cùng ngày, các ngư dân được người thân đón về quê nhà. Anh Trần Công Lụa, người trợ giúp các ngư dân trong hành trình hồi hương cho hay, gia đình các ngư dân đều đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Thời gian qua, chính quyền, các ban ngành địa phương, các cơ quan Trung ương đã giúp đỡ rất nhiều cho 42 ngư dân trên tàu cá QNa 95005TS. Mong rằng sẽ có những hỗ trợ kịp thời để ngư dân ổn định hơn trong cuộc sống sau vụ việc lần này” - anh Lụa nói.