(QNO) - Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ vẫn tiếp tục gia tăng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh. Cùng với y học hiện đại, y học cổ truyền có những bài thuốc làm giảm các triệu chứng sưng, đau, đỏ mắt, chảy nước mắt, nhiều ghèn...
1. Đau mắt đỏ theo quan điểm đông y
Theo Y học cổ truyền, cho đến nay vẫn chưa có tên gọi tương ứng với bệnh đau mắt đỏ.
Tuy nhiên, các biểu hiện bệnh được mô tả trong các chứng thiên hành xích nhãn (viêm kết mạc thanh dịch, mi mắt, kết mạc mắt sưng nề nhiều), bao phong cách nhiệt (mắt viêm, kích thích nhiều), bạch mạch sâm tình (mắt viêm có màng giả trắng).
Nguyên nhân gây bệnh do phong thấp nhiệt tà xâm nhập kinh phế, can và đại trường, thấp nhiệt phạm vào can kinh đi lên, can thận âm hư gây ra…
Triệu chứng thường gặp bao gồm mi mắt sưng đau, mắt đỏ, chảy nước mắt, nhiều ghèn, mắt mờ và khô. Do tà khí (phong – thấp – nhiệt) xâm nhập hoặc âm tinh, âm huyết suy kém làm bế tắc kinh mạch gây ra.
2. Bài thuốc giảm triệu chứng đau mắt đỏ
Điều trị bệnh ngoài việc tuân thủ các phương pháp theo hướng dẫn của y học hiện đại thì y học cổ truyền còn chú trọng tổng trạng dưới góc nhìn: Hư – Thực – Hàn – Nhiệt – Âm – Dương – Khí – Huyết, mà biện luận để đưa ra phương thuốc phù hợp:
- Phong nhiệt tà xâm nhập kinh lạc: Mắt cảm thấy có dị vật, nóng, sợ ánh sáng, mắt sưng đỏ, sốt cao, dễ lây lan, lưỡi đỏ, rêu vàng mỏng, mạch phù sác. Khu phong thanh nhiệt với bài thuốc Ngân kiều giải độc thang, Tang cúc ẩm…
+ Ngân kiều giải độc thang: Kim ngân hoa 8 – 12g, liên kiều 8 – 12g, bạc hà 8 – 12g, kinh giới 4 – 6g, đạm đậu xị 8 – 12g, cát cánh 6 – 12g, ngưu bàng tử 8 – 12g, cam thảo 4 – 6g, trúc diệp, lô căn 6 – 10g. Sắc uống ngày 1 thang cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
Phương giải bài thuốc:
Kim ngân hoa, liên kiều: Thanh nhiệt, giải độc, tân lương thấu biểu.
Bạc hà, kinh giới, đạm đậu xị: Bổ trợ tác dụng tân lương thấu biểu.
Cát cánh, ngưu bàng tử, cam thảo: Phế hóa đờm.
Trúc diệp, lô căn: Thanh nhiệt, sinh tân.
+ Tang cúc ẩm: Tang diệp 8 – 12g, cúc hoa 8 – 12g, bạc hà 4 – 6g, hạnh nhân 8g, cát cánh 8g , liên kiều 8 – 12g, lô căn 4-6g, cam thảo 4 – 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Phương giải bài thuốc:
Tang diệp, cúc hoa: Sơ tán phong nhiệt thượng tiêu.
Bạc hà: Để bổ trợ.
Hạnh nhân, cát cánh: Tuyên phế chỉ khái.
Liên kiều: Thanh nhiệt giải độc.
Lô căn: Sinh tân, chỉ khát
Cam thảo: Điều hòa các vị thuốc.
- Thấp nhiệt can kinh: Hai mắt đỏ, ngứa, cảm giác nặng nề mi mắt, sốt nhẹ, lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt, mạch hoạt sác.
+ Bài thuốc - Long đởm tả can thang: Long đởm thảo 12g, hoàng cầm 8g, chi tử 8g , trạch tả 8g, xa tiền tử 6g, đương quy 10g, sinh địa 8g, sài hồ 8g, cam thảo 6g.
Phương giải bài thuốc:
Long đởm thảo: Thanh can đởm thực hỏa, trừ thấp nhiệt hạ tiêu.
Hoàng cầm, chi tử: Hỗ trợ thanh can đởm, tả thực hỏa
Trạch tả, xa tiền tử: Thanh lợi thấp nhiệt.
Đương quy, sinh địa: Dưỡng âm huyết.
Sài hồ: Thông can đởm.
Cam thảo: Điều hòa các vị thuốc.
- Can thận âm hư: Bệnh lâu ngày, điều trị không triệt để, tiếp xúc thường xuyên với yếu tố gây bệnh, mắt đỏ, khô, ngứa, lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác.
Phép trị: Tư âm dưỡng can thận với bài thuốc Kỷ cúc địa hoàng thang.
+ Kỷ cúc địa hoàng thang: Thục địa 12 – 16g, sơn thù 6 – 8g, sơn dược 8 – 12g, trạch tả 10g, bạch linh 10g, đơn bì 10g, câu kỷ 8- 10g, cúc hoa 12 – 16g,
Tác dụng bài thuốc: Bổ can thận, làm sáng mắt, chữa âm hư hỏa vượng sinh hoa mắt, mờ mắt, đau mắt, đau đầu, chóng mặt, suy nhược thần kinh.
Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn bị viêm, đau, chảy nước mắt, ngứa hoặc nhạy cảm với ánh sáng, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để điều trị.
Lưu ý: Đây là 4 bài thuốc ở những thể bệnh khác nhau, việc sử dụng cần có sự tư vấn của bác sĩ.