Mmùa hè 2007. Tôi cùng anh em văn nghệ sĩ xứ Quảng đi thực tế và giao lưu văn nghệ với các tỉnh bạn ở vùng Tây Bắc. Khi đến Điện Biên, nhà thơ Chu Thùy Liên bảo tôi: “Hầu như các nhà thơ trong cả nước đều đã tới Điện Biên và viết về Điện Biên”. Tôi biết. Đành rằng, mỗi người có một cách cảm cách nghĩ khác nhau nhưng cùng khai thác một đề tài với mốc son lịch sử “chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu” rất dễ vô tình trùng lặp ý tứ, câu chữ… Thăm Đồi A1, tôi quan sát tất cả và đứng lặng trước cái hố sâu hình phễu được tạo ra bởi “khối bộc phá gần ngàn cân nặng” đã góp phần quyết định kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ bằng chiến thắng lẫy lừng. Tuy nhiên, tôi cứ loay hay mãi vẫn không biết mở đầu bài thơ từ đâu?
Sau chuyến đi Tây Bắc, tôi trăn trở hoài song không làm nổi một câu thơ về cái hố sâu hình phễu trên Đồi A1. Nhiều năm trôi qua. Tôi bất lực buông xuôi. Cái hố sâu hình phễu ấy thỉnh thoảng lại hiện về ám ảnh tôi…
Rồi mùa hè 2011, tôi cùng anh em cựu chiến binh Báo Quảng Nam lên Tây Bắc, đến Điện Biên thăm Đồi A1. Tôi vẫn còn nhớ, hôm ấy khoảng ba giờ chiều, nắng vàng ong đong đầy thung lũng Mường Thanh. Trời đứng gió. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn cái hố sâu hình phễu ấy… Cảm xúc trào dâng. Tứ thơ bất ngờ bật ra. Và tôi “viết nháp” trong đầu. Lúc quay về khách sạn, tôi và nhà thơ Đình Quân ở chung phòng. Anh bảo tôi: “Ông tắm sau, mình tắm trước…”. Tôi gật đầu. Nằm trên giường, tôi tiếp tục “viết nháp” bài bài thơ còn đang dang dở. Chừng nửa tiếng, tôi hoàn thành bài thơ “Trước hố sâu hình phễu Đồi A1” gồm 4 khổ, 16 câu. Tôi lấy bút chép vào sổ tay… Vậy là, sau 4 năm ám ảnh bởi cái hố sâu hình phễu trên Đồi A1, tôi cũng đã làm được bài thơ không “đụng hàng” với ai!
Khi bài thơ “Trước hố sâu hình phễu Đồi A1” được đăng báo, không ít bạn đọc thắc mắc về câu thơ “Ba mươi chín ngày đêm Điện Biên Phủ/ Bom rơi đạn nổ không ngừng”. Tại sao lại là “ba mươi chín ngày đêm” chứ không phải “năm mươi sáu ngày đêm”? “Năm mươi sáu ngày đêm” là thời gian tính từ lúc mở màn cho đến khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ vào chiều 7.5.1954. Còn “ba mươi chín ngày đêm” là thời gian quân ta bao vây đánh lấn Đồi A1 - cứ điểm quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng tuyến phía đông Điện Biên Phủ, nhưng không sao chiếm được. Cuối cùng, bộ đội nghĩ ra cách đào một đường hầm xuyên sâu vào lòng Đồi A1, đưa khối bộc phá nặng 969kg vào đặt ở đấy. Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6.5.1954, ba chiến sĩ Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt và Nguyễn Văn Bạch đã giật nổ khối bộc phá, hất tung một góc Đồi A1, tiêu diệt toàn bộ quân địch cố thủ tại đây. Mất Đồi A1, chiều ngày 7.5.1954, Đờ Ca-xtơ-ri(De Castries) buộc phải giơ cờ trắng đầu hàng vô điều kiện.
Trước hố sâu hình phễu Đồi A1
Trước hố sâu hình phễu Đồi A1
Tôi lại nhớ về năm tháng chưa
xa
Ba chiến sĩ ta
Giật nổ tung khối bộc phá gần ngàn cân nặng
Tiếng súng chợt ngưng. Chiến
trường im ắng
Sóng âm làm mặt đất rung rinh
Đờ Ca-xtơ-ri rùng mình
Cứ điểm cuối cùng có lẽ nào
thất thủ?
Ba mươi chín ngày đêm Điện
Biên Phủ
Bom rơi đạn nổ không ngừng
Và một góc Đồi A1 bị hất tung
Đờ Ca-xtơ-ri thành bại tướng
Trước hố sâu hình phễu ngoài
tưởng tượng
Tôi suy nghĩ miên man
Thời gian trôi qua. Thời gian…
Vang vọng mãi tiếng quân reo
chiến thắng…
Điện Biên, chiều 5.5.2011
NGUYỄN TAM MỸ