40 năm "đọc" lịch sử qua những con số

ĐINH VĂN ĐÀO 17/02/2015 11:11

Từ tro tàn chiến tranh đi ra, qua hành trình 40 năm phấn đấu không ngừng, bức tranh kinh tế, diện mạo đời sống xã hội của Quảng Nam đã có nhiều đổi thay, tiến bộ. Bằng một cách cô đọng, có thể “đọc” lịch sử chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển của đất Quảng qua những con số thống kê so sánh đầy ấn tượng…

1. Quy mô nền kinh tế gấp hơn 30 lần; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 83% GRDP

Sau ngày giải phóng (năm 1975), nền kinh tế Quảng Nam kiệt quệ, cơ sở hạ tầng sản xuất gần như không có gì; ruộng đồng 2/3 hoang hóa, hơn 3/4 thôn, xóm bị bom đạn tàn phá nghiêm trọng; với dân số 947,9 nghìn người, 17 người dân mới có 1 người đi học (mù chữ chiếm 22% dân số); cơ sở giáo dục, y tế lèo tèo, èo uột...

Thu hoạch lúa.Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Thu hoạch lúa.Ảnh: NGUYỄN TUẤN


Trong giai đoạn 1975-1985, Quảng Nam tập trung cho mặt trận hàng đầu là nông nghiệp (238 HTX nông nghiệp với gần 93% hộ nông dân); khai hoang, vỡ hóa, làm thủy lợi. Hồ Phú Ninh (hoàn thành năm 1985), phục vụ tưới cho hơn 20 nghìn héc ta lúa phía nam tỉnh. Năm 1985, Quảng Nam đã tự túc được lương thực, với dấu mốc đạt hơn 358 nghìn tấn lương thực có hạt, gấp 3,6 lần 1975.
Tuy nhiên, vào cuối thời kỳ bao cấp, đất nước khủng hoảng trầm trọng, lạm phát “phi mã” với giá - lương - tiền. Với Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI - 1986, công cuộc đổi mới được khởi xướng: Nông nghiệp thực hiện “khoán sản phẩm”; Triển khai 3 chương trình kinh tế lớn, hạch toán kinh tế, sắp xếp lại quốc doanh; Xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ”, giao thương hàng hóa được mở ra… Song từ 1989-1991, kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn; khủng hoảng chính trị ở Liên Xô, Đông Âu gây ra nhiều bất an trong đời sống, tư tưởng.
Vào thời kỳ 1991-1995, Quảng Nam thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi thời vụ (3 vụ lúa sang 2 vụ); phát triển kinh tế tư nhân… Nhờ đó, kinh tế phục hồi và phát triển, khởi sắc. Sau 20 năm giải phóng, quy mô kinh tế gấp 4,8 lần; công nghiệp, dịch vụ chiếm gần 1/2 nền kinh tế; hạ tầng; xã hội có bước cải thiện.
Năm 1997, tái lập tỉnh. Với điểm xuất phát là tỉnh nghèo, kinh tế thuần nông, hạ tầng yếu kém, lại bị thiên tai liên tiếp gây thiệt hại nặng nề, đất Quảng đã  lựa chọn con đường đột phá công nghiệp, tạo động lực bứt phá phát triển. Kinh tế vùng đông là đầu tàu. Vùng tây phát triển thủy điện. Các khu công nghiệp ra đời, tạo động lực mới. Dịch vụ, du lịch bùng nổ, với nhiều khu du lịch cao cấp ven biển (Điện Bàn - Hội An);... Sau hơn 17 năm, tái lập tỉnh (1997-2014), quy mô kinh tế đã mở rộng, gấp hơn 20 lần năm 1996; đột phá và chuyển dịch mạnh mẽ, thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đến năm 2014, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ chiếm 83% GRDP (1996: 19,4%; 1976: 9,7%) và nông nghiệp giảm còn 17% (1976: 90,3%). Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đã tăng lên đáng kể, chiếm 47,4%; lao động nông nghiệp còn 52,6% (1996: 80,6%; năm 1976: 82,4%).

2. Tổng vốn đầu tư phát triển gấp gần 33 lần năm 1996

Quảng Nam tập trung vốn đầu tư lớn cho kết cấu hạ tầng (chiếm 70%).
Doanh nghiệp (DN) phát triển, hiện có trên 3.100 DN đang hoạt động (năm 1976: 64 DN; 1996: 317 DN). Vốn kinh doanh DN hơn 70 nghìn tỷ đồng (1997: 40 tỷ đồng). Lao động trong các DN trên 110 nghìn người (1976: 4.058 người; 1996: 23.600 người).
Năng lực sản xuất nền kinh tế tăng nhanh; kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật; khu kinh tế, công nghiệp, du lịch; xã hội đầu tư trên diện rộng. Phát triển nâng cấp thủy lợi, giao thông rộng khắp, kết nối vùng (Đông - Tây). Mở cảng, sân bay Chu Lai, hoàn thành cầu Cửa Đại, xây dựng khu Tượng đài Mẹ VNAH, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh,… xây dựng nông thôn mới.
Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2014 đạt hơn 16,6 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 32% GRDP, gấp gần 33 lần năm 1996. Đầu tư phát triển đã làm thay đổi lớn về diện mạo xã hội nông thôn, đô thị; giảm nghèo, phát triển càng ngày bền vững hơn.

Một số chỉ tiêu kinh tế
Một số chỉ tiêu kinh tế

3. Giá trị sản xuất công nghiệp gấp 350 lần 1976, gấp 35 lần năm 1996

Sau 10 năm giải phóng (1985), các ngành công nghiệp được xây dựng như: sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông sản, thực phẩm; cơ khí nhỏ nông thôn; sản xuất hàng tiêu dùng...; giá trị công nghiệp gấp hơn 4 lần. Sau 20 năm (1996), giá trị công nghiệp gấp 10 lần so với 1976. Qua 17 năm tái lập tỉnh, từ KCN Điện Nam - Điện Ngọc (năm 2000), các KCN của KTM Chu Lai (2003), sản xuất công nghiệp đã đóng góp lớn. Đến năm 2014, Quảng Nam có 6 KCN tập trung; hơn 40 cụm CN; chiếm gần 70% giá trị công nghiệp; nộp ngân sách chiếm gần 1/2 của thu nội địa; thu hút trên 70 nghìn lao động chiếm hơn 53% lao động công nghiệp toàn tỉnh. Quy mô công nghiệp của tỉnh xếp thứ 3/14 tỉnh trong khu vực, 17/63 tỉnh cả nước; tạo tiền đề cho bước phát triển mới và chuyển sang chiều sâu, tăng năng lực cạnh tranh; thương hiệu sản phẩm chủ lực (ô tô, may, giày, điện tử, thực phẩm, đồ uống, vật liệu xây dựng…), tăng quy mô xuất khẩu.
Tính đến 2014, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt hơn 44 nghìn tỷ đồng, gấp 350 lần 1976, gấp 35 lần 1996.

Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ảnh: PHƯƠNG THẢO

4. Dịch vụ phát triển khá; Giá trị xuất khẩu gấp gần 65 lần năm 1985 và gấp 44 lần năm 1997

Kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt hơn 650 triệu USD (1976: 0,3 triệu USD; 1985: hơn 10 triệu đôla-rúp; 1996: 15 triệu USD).  Sản phẩm xuất khẩu chủ lực hiện nay là may mặc, giày da, điện tử.
Du lịch bắt đầu phát triển; năm 1996 toàn tỉnh có 15 khách sạn, 328 phòng. Dựa vào 2 Di sản Văn hóa thế giới (phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, công nhận năm 1999); Khu sinh quyển thế giới (Cù Lao Chàm, công nhận năm 2009), du lịch dịch vụ phát triển, xây dựng được thương hiệu toàn cầu. Đến nay, Quảng Nam có gần 130 khách sạn với trên 7.000 phòng, gấp 15 lần so với 1997 (19 khách sạn, 483 phòng). Khách du lịch gia tăng nhanh (năm 2014 trên 4,3 triệu lượt khách). Doanh thu du lịch năm 2014 đạt 3.400 tỷ đồng, gấp gần 190 lần so với năm 1997 (1997: doanh thu chỉ 18 tỷ đồng).

5. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản gấp 5 lần so với 1976, gấp 2 lần so với năm 1997

Năm 2014, nông nghiệp chiếm 17% GRDP, giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản gấp 5 lần so với 1976, gấp 2 lần so với 1997. Sản lượng lương thực có hạt thu đạt gần 527 nghìn tấn, gấp hơn 5 lần so với 1976, 1,5 lần so với 1997. Bình quân lương thực đầu người đạt 358kg (1976: 163kg; 1997: 257kg). Cây cao su diện tích tăng nhanh 12,4 nghìn ha (1998: 10ha). Giá trị sản phẩm trồng trọt đạt gần 71 triệu đồng/ha, gấp 5 lần so với 1997. Sản lượng gỗ rừng trồng 461 nghìn m3, gấp 98 lần so với 1976, gấp 9 lần 1997. Sản lượng thủy sản gần 92 nghìn tấn, gấp hơn 8 lần so với 1976 và 3,4 lần  1997.

Được mùa hải sản. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Được mùa hải sản. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

6. Tổng thu ngân sách trên địa bàn gấp gần 67 lần năm 1996

Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2014 gần 8,5 nghìn tỷ đồng, gấp gần 67 lần năm 1996, (khi tái lập tỉnh chỉ có 120 tỷ đồng). Từ một tỉnh có nguồn thu ít ỏi; mất cân đối lớn so mục tiêu phát triển; kết quả phát triển kinh tế, mở rộng quy mô công nghiệp, dịch vụ, xếp hạng tốp đầu về thu ngân sách cả nước (5/14 tỉnh khu vực và 12/63 tỉnh, thành phố). Bảo đảm các mục tiêu chi cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên và an sinh xã hội, giảm nghèo của tỉnh.

7. Số trường học phổ thông gấp hơn 2,1 lần năm 1976

Hiện nay, toàn tỉnh có 535 trường học phổ thông, gấp hơn 2,1 lần năm 1976; phổ cập mầm non (gần 83%); hoàn thành phổ cập tiểu học, trung học cơ sở; trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 45% (2006 là 22%); có 12 trường đào tạo (trung học chuyên nghiệp trở lên); gần 25 nghìn HSSV gấp 21 lần (1976: 1,2 nghìn HSSV).

Sinh viên Trường Đại học Quảng Nam. Ảnh: MINH HẢI
Sinh viên Trường Đại học Quảng Nam. Ảnh: MINH HẢI

Lao động qua đào tạo đạt 41% (1999 là 7%). Cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm trên phạm vi toàn tỉnh; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 14% (1997 là 32%). Gần 98% xã có điện; 99% hộ dùng điện (1997: 74% xã, 71% hộ); đường ô tô đến trung tâm xã đạt trên 98% (1997: 85% xã)…
Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí 2011-2015) còn 12,1% (1996 theo tiêu chí 1991-1995: 27,35% với 79.488 hộ nghèo). Đặc biệt, GRDP/người/năm đạt 35 triệu đồng (1997: 2,1 triệu đồng).

ĐINH VĂN ĐÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
40 năm "đọc" lịch sử qua những con số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO