Tính đến nay, bà Trương Thị Anh (61 tuổi, trú tại thôn Hòa Bình, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) đã gánh nước thuê hơn 40 năm. Cái nghề ấy đã gắn chặt với bà từ tấm bé cho đến bây giờ, cũng là con đường mưu sinh duy nhất để bà chăm sóc cho người cha già năm nay đã 91 tuổi.
Làng biển Bình Minh có nhiều ngư dân đánh bắt thủy hải sản bằng thuyền công suất nhỏ. Những con thuyền với mỗi chuyến đi chỉ tầm đôi ba ngày, có khi chỉ qua đêm và trở về vào khoảng sáng sớm. Thuyền cập bến, công việc phân loại cá, tôm, mực, bán, mua, diễn ra ngay trên bãi biển. Nhu cầu nước làm sạch cá, tôm, mực trở nên cần thiết trước khi tiểu thương thu mua đưa đi các chợ khác để bán. Đây cũng là thời điểm những người đàn bà làm nghề gánh nước biển thuê lật đật với quang gánh ra bãi cát, bắt đầu một ngày làm việc nhọc nhằn.
Ngày nào bà Anh cũng dậy từ 4 giờ sáng, ra biển gánh nước đổ đầy các vật dụng cho các chủ buôn cá trên bãi biển. Ảnh: N.T |
Với chiếc đòn gánh và đôi thùng nước tự chế từ những chiếc vỏ thùng sơn, đôi chân trần đầy những vết nứt nẻ do ngâm nước biển và dẫm trên cát bỏng, bà miệt mài đi về phía con sóng, vục đầy hai thùng nước biển rồi thoăn thoát gánh nước lên bờ. Bà Anh cho biết, xưa sinh ra và lớn lên ở làng biển nghèo, lên 5 tuổi thì mẹ mất, một mình cha gà trống nuôi con. Năm 15 tuổi bà theo chân những người dân trong làng đi làm thuê từ sáng sớm đến tối mịt. Nghĩ và thương cha già không nơi nương tựa, bà quyết định cả đời không lấy chồng ở vậy nuôi cha, mặc cho cha ngày đêm khuyên bảo. “Cả đời tôi đi làm thuê chắt chiu lắm cũng mới sửa lại được căn nhà cấp bốn để hai cha con che nắng che mưa. Cha thì già cả rồi phải nằm một chỗ, đau ốm liên miên, nay thêm căn bệnh hở van tim, cứ một tháng lại phải chạy đi vay mượn khắp nơi để đưa cha đi khám ở bệnh viện tại TP.Tam Kỳ một lần. Bởi thế, chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện chồng con. Giờ không còn trẻ nữa, nên gánh nước cũng khó khăn hơn”- bà Anh cười buồn.
Công việc của bà không có thời gian cố định, hễ có người gọi là vội vàng túm lấy đôi quang gánh chạy ra biển. Có những lúc bà đi gánh vào nửa đêm, có hôm gánh giữa trưa hè nóng nực. Mỗi gánh nước biển chỉ được trả công 4 nghìn đồng. Một ngày lao động cực nhọc bà kiếm được nhiều nhất khoảng 50 - 60 nghìn đồng. Vào những ngày mưa bão, không ai thuê bà gánh nước, cuộc sống của hai cha con bà càng thêm khó khăn. Hơn 40 năm đi gánh nước biển thuê, cứ 4 giờ sáng là bà lại ra biển gánh nước đổ đầy các vật dụng thau chậu cho các chủ buôn cá trên bãi biển này cho tới 10 giờ trưa. Sau đó tranh thủ chạy về nấu cháo cho cha ăn rồi lại tất tả ra biển ngồi chờ xem có ai thuê gánh nước hay không. “Nhiều người thương thì họ cho vài ba con cá đổi bữa, số tiền ít ỏi dành dụm phòng khi có việc đột xuất, nhất là lúc trở trời, cha lại đau ốm. Gánh nước như một cái “nghiệp”, nhờ nó mà cha con sống đến bây giờ. Còn sức thì còn gánh, đến khi vai mỏi, chân run thì thôi” - bà Anh tâm sự.
Khi mặt trời vừa lấp ló ở phía biển, người đàn bà ấy lại quảy đôi quang gánh tất tả trên con đường đầy cát. Gánh nước ấy như đè nặng đôi vai gầy thô ráp, chai sần bởi nó gánh cả một người cha già đang chờ con ở nhà…
NGUYỄN THIỆN