Tổ phụ tôi là người Quảng Nam, cha mẹ tôi là người Quảng Nam, sinh ra tôi trên đất Quảng Nam. Với một nguồn gốc Quảng Nam rặt ròng như rứa mà tôi không học được kỹ năng nói láo theo kiểu Quảng Nam thì cũng uổng một đời trai!
Nói láo Quảng Nam chủ yếu đem lại niềm vui, chọc cười cho nhau chứ không nhằm phỉnh gạt, lừa dối ai cả. Không học và thể hiện được kỹ năng đó, con người nó ngứa ngáy, khó chịu làm sao ấy. Cho nên tôi phải học, học rất kỹ; trình độ chưa tới tiến sĩ nhưng cao học nói láo thì có dư. Ngày trước, người ta có câu “Nhà báo nói láo ăn tiền”. Ngày nay, người ta lại có câu rùng rợn hơn “Nhà báo nói sai, nhà đài nói… thách”. Thật sự, hai câu đó chỉ có thể đúng một phần trong cách làm báo buông thả. Văn chương báo chí là một thứ văn chương quy phạm; mang tính hiện thực, tính khách quan cao. Nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật quốc gia. Ai không bảo đảm nguyên tắc tác nghiệp, nói thêm, nói thừa, xuyên tạc sự thật - nghĩa là nói dối, sẽ bị chế tài ngay; nhẹ thì rút thẻ nhà báo hay phạt tiền, nặng thì vác… mặt ra tòa.
Con đường nói láo của tôi rồng rắn lắm. Năm 1975, tôi từ miền Tây về lại TP.Hồ Chí Minh, vẫn đi dạy học nhưng cái máu làm báo đã nổi lên hung lắm rồi. Báo chí ngày ấy rất ít, mỗi tuần chỉ ra một tờ; đất chật người đông. Tôi khởi đầu tham gia viết báo qua con đường hư đốn nhất là… làm thơ. Bạn biết đấy, thơ thì có quyền nói láo tổ mẹ.
Năm 1979, quân bành trướng Trung Quốc gây ra cuộc chiến tranh biên giới ở sáu tỉnh biên giới phía Bắc của đất nước ta. Các anh báo Tuổi Trẻ lục trong mớ… đồ cũ, kiếm ra tôi là tay có khả năng viết truyện Tàu và viết các thể cáo, phú, văn tế đúng điệu đồ nho. Báo cho mời tôi qua, đưa cho một lô “Thông tin phổ biến hạn chế” và đặt hàng cho tôi viết một truyện Tàu về Hồng vệ binh. Bài Trung Quốc Hồng vệ binh diễn nghĩa ra đời trên báo Tuổi Trẻ, có mùi vị truyện Tàu đặc sệt như kiểu Tín Đức thư xã, được bạn đọc hoan hô. Cuối năm ấy, ta chiến thắng quân xâm lược; các anh lại mời đến viết bài Phá Bành đại cáo. Tôi học văn phong Nguyễn Trãi trong Cáo bình Ngô, viết y chang kiểu người xưa, được bạn đọc tán thưởng. Cái bút danh Đồ Bì có từ đó.
Đồ là anh thầy giáo. Bì là… da. Tôi ốm nhom ốm nhách nên có bút danh là Đồ Bì. Tôi đi vào cuộc đời làm báo bằng con đường viết văn trào phúng, châm biếm; kỹ năng… nói láo theo kiểu Quảng Nam được phát huy triệt để. Tôi đọc lại tác phẩm trào phúng của Molière, Lỗ Tấn, Kim Dung, Azit Neshin, Mrojetz… để tìm riêng cho mình một cách viết. Năm 1984, báo Tuổi Trẻ Cười ra đời, tôi được tham gia ngay số đầu tiên, sau đó làm một chút công việc biên tập cho báo. Ba mươi mốt năm qua, tôi vẫn tác chiến đều đặn trên tờ báo này.
Năm 1988, tôi làm ở báo Công an thành phố; năm 1993, tôi làm Thư ký tòa soạn báo Thanh Niên; năm 1997, tôi làm biên tập báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh. Công việc biên tập, làm tòa soạn trên các tờ báo chính quy đòi hỏi tôi phải rất tỉnh táo, rất nghiêm túc. Thế nhưng, cái tính hài hước, tính trào phúng “nói láo” theo kiểu Quảng Nam thì vẫn còn đậm đặc, mà thậm chí là còn lậm hơn nữa. Vì vậy, tôi được giao viết những trang phiếm luận, hài hước trên các tờ báo này.
Những bài báo của tôi cơ bản đều được NXB Trẻ cho biên tập lại và in thành sách; từ những bài khảo cứu về văn minh Trung Hoa đến biên khảo về tiểu thuyết Kim Dung; từ những bài phóng sự về các hoạt động chống tội phạm đến các chuyện đời thường của bà con các dân tộc thiểu số.
Trường Đại học KHXH&NV cho phép tôi đem chút kinh nghiệm nhỏ nhoi này ra dạy môn Tiểu phẩm và tạp văn cho sinh viên Khoa Báo chí - truyền thông. Nói theo kiểu Lỗ Tấn “Xưa kia không có đường, người ta đi lại nhiều mà thành đường”, tôi khái quát kinh nghiệm, đúc kết thành giáo án có hệ thống lý thuyết hoàn chỉnh để làm người đầu tiên giảng dạy môn học này.
Tôi nghỉ hưu năm 2010. Nghỉ là nghỉ công việc ở cơ quan báo chí chứ nhà báo đúng nghĩa là không bao giờ cho phép cái đầu mình nghỉ hưu cả. Báo Thanh Niên mời tôi viết chuyên mục Tiếu luận hàng tuần trên Thanh Niên tuần san. Tôi lại vẫn đảm bảo chuyên mục Cười cái sự đời đều đặn trên báo Tuổi Trẻ Cười mỗi tháng hai kỳ. Mỗi tháng, tôi viết 7 bài, chưa kể những bài bình luận trên báo ngày Thanh Niên, cộng với nghĩa vụ với báo Quảng Nam và các bài thuyết trình, nói chuyện… thành khoảng 30.000 từ. Hai lần đột quỵ vì tai biến làm tôi… vui hơn một chút, viết khỏe hơn một chút.
Bạn đọc báo Quảng Nam thường nghe tôi nói láo về cái mùi dầu phụng khử với nén “thơm bảy xã cũng nghe” hoặc chuyện “Thằng bé bú sữa mẹ mà vẫn ớn mùi thuốc rê và rượu gạo”. Chuyện có thật cả đó - nghĩa là vẫn mang tính báo chí nhưng chỉ bị tôi… nói láo lên một chút thôi. Suy cho cùng, tôi là một anh nhà văn nghịch ngợm làm báo chứ không đơn thuần là một nhà báo chuyên viết văn nghịch ngợm. Người Quảng Nam hay nói “Ông già ổng rớt dưới mương/ Ổng nghe con gái ổng trườn ổng lên” cũng là chuyện có thật, chẳng qua là bị thêm mắm dặm muối nên thành chuyện tức cười mà thôi! Không ráng trườn lên thì người ta cười mình chết.
Tóm lại, tôi đã có 40 năm nói láo và xúi giục (hoặc giảng dạy) các em nhà báo trẻ cùng… tham gia nói láo. Bạn đọc có thể vào mạng, nghe chương trình sách nói Thâm sơn kỳ cục án hoặc Án lạ phương Nam để nghe tôi nói láo thế nào. Những chương trình này phục vụ công ích, tôi không đòi hỏi tác quyền. Về chuyện này thì tôi nói thật chứ không dám nói láo.
ĐỒ BÌ