40 năm, vẹn một chữ tình

HÀN GIANG 25/06/2014 09:06

Những tên làng, tên sông, tên suối như Nước Ta, Nước Nghêu, Nước Oa, sông Trà Nô, sông Trường, sông Tranh, nóc Ông Đồi, nóc Ông Đệ, nóc Ông Điếu, nóc Bà Bốn, Hòn Kẽm - Đá Dừng... của đất Quảng vẫn luôn in đậm trong lòng cán bộ chiến trường khu 5 xưa. Để mỗi khi nhắc đến, họ lại bồi hồi xúc động, biết bao kỷ niệm một thời tuổi trẻ hoạt động sôi nổi, hào hùng từ 40 năm trước lần lượt ùa về như chỉ mới hôm qua. Với cán bộ kháng chiến khu 5, Quảng Nam, mảnh đất từng trải qua các cuộc chiến tranh bi hùng, đã che chở, bồi đắp cho họ thêm trưởng thành...

Cán bộ kháng chiến khu 5 nghe đại diện lãnh đạo xã Trà Ka thông tin về tình kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh: HÀN GIANG
Cán bộ kháng chiến khu 5 nghe đại diện lãnh đạo xã Trà Ka thông tin về tình kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh: HÀN GIANG

Ngày trở về

Vào những ngày giữa cuối tháng 6, gần 50 cán bộ kháng chiến ở các tỉnh khác thuộc khu 5 đã có dịp về thăm chiến trường xưa Quảng Nam. Tâm trạng bồi hồi, xúc động xen lẫn với niềm vui khi chứng kiến nhiều đổi thay trên mảnh đất đã từng chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh khiến mọi người cứ thấy nghèn nghẹn, ánh mắt rưng rưng. Trên chuyến xe chạy dọc theo con đường mới thảm nhựa dẫn vào các xã Trà Giáp, Trà Ka (huyện Bắc Trà My), ký ức của các cán bộ kháng chiến khu 5 lần lượt tái hiện những địa danh, tên làng mà họ đã có dịp sống, chiến đấu. Mỗi khi có ai đó trong đoàn kịp định hình và thốt lên tên một địa danh thì mọi người đồng loạt nhớ ngay đến một đơn vị đóng chân và cả những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc sống, công tác, chiến đấu. Ngày ấy, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những chàng trai, cô gái khi tuổi mới vừa đôi mươi đã hăng hái lên đường vào chiến trường B, vào với chiến trường Quảng Nam, chiến trường khu 5, trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Họ tham gia hoạt động trong các lĩnh vực như điện ảnh, văn nghệ, thông tấn xã, đài phát thanh, xưởng dược, bệnh viện, ban dân y... Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, chính người dân vùng núi Nước Nghêu nói riêng (nay là hai xã Trà Ka, Trà Giáp) và Trà My nói chung, đã hết lòng che chở, giúp đỡ để họ hoàn thành tốt  nhiệm vụ được phân công. Vì vậy trong lòng của cán bộ kháng chiến khu 5, người dân Trà My có cái ơn rất lớn. Mỗi khi có dịp về thăm chiến trường Quảng Nam, cán bộ kháng chiến năm xưa đều dành thời gian đến thăm, tự tay chuẩn bị những phần quà nghĩa tình để trao tặng người dân Trà My để thể hiện lòng tri ân. Lần này cũng vậy.

Tặng quà cho người dân hai xã Trà Ka và Trà Giáp.
Tặng quà cho người dân hai xã Trà Ka và Trà Giáp.

Chuyến trở về lần này, được tự tay trao những phần quà nghĩa tình cho người dân hai xã Trà Ka và Trà Giáp, bà Thiều Hạnh Nguyên (hoạt động trong Đoàn ca múa khu 5) thật sự xúc động, mắt đỏ hoe chực khóc khi nghe Phó Chủ tịch UBND xã Trà Ka - ông Hồ Văn Trần thông tin ở địa phương hiện có 3 sinh viên là con em người đồng bào đang theo học đại học tại Đà Nẵng, Quy Nhơn và Nha Trang. Không chút đắn đo, bà Thiều Hạnh Nguyên trao chiếc phong bì 3 triệu đồng cùng số điện thoại cá nhân của mình nhờ ông Hồ Văn Trần chuyển đến cho 3 sinh viên trên. Bà Nguyên bộc bạch: “Ở vùng đất còn quá nhiều khó khăn, trắc trở như thế này mà có được 3 cháu thi đỗ đại học khiến tôi rất cảm phục. Với tôi nó như một câu chuyện cổ tích về tinh thần vượt khó vươn lên của các cháu. Tôi mong số tiền ít ỏi này sẽ góp phần chia sẻ những khó khăn trong học tập, còn số điện thoại, tôi mong sẽ sớm nhận được liên lạc từ các cháu. Ở Hà Nội tôi sẽ cố gắng làm những gì có thể để hỗ trợ các cháu trong học tập”.

Tặng ti vi cho Trường Bán trú cụm xã Trà Giáp.
Tặng ti vi cho Trường Bán trú cụm xã Trà Giáp.

Quê hương thứ hai

Chuyến đi cuối cùng!
Năm nay đã 81 tuổi, mang nhiều chứng bệnh, sức khỏe giảm sút, đi lại khó khăn nhưng GS-TS. Phan Thị Phi Phi (thời kháng chiến hoạt động trong Ban Dân y khu 5) vẫn hăng hái tham gia chuyến về thăm chiến trường xưa Quảng Nam lần này. Bà Phi tự nhủ đây là chuyến về thăm quê hương Quảng Nam lần cuối, nếu lần này không đi sẽ chẳng còn cơ hội nào nữa, bởi bệnh tiểu đường ngày càng biến chứng nặng. “Nhiều năm trước còn khỏe, cứ hai năm tôi lại cùng các y, bác sĩ ở Hà Nội tổ chức về Trà My thăm, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc cho người dân. Năm 2007, thấy sức khỏe yếu đi, tôi cố gắng vận động và tổ chức về lại Trà My để khám bệnh, phát thuốc cho bà con, khi đó, tôi cứ nhủ sẽ là chuyến đi lần cuối của đời mình. Nhưng không ngờ tôi còn có thể đi thêm được chuyến này, có lẽ đích thực là chuyến đi cuối cùng. Có dịp trở về như thế này, tôi thấy trong lòng rất mãn nguyện, bởi mỗi chuyến đi là dịp để tôi ghi nhận từng bước đổi thay của mảnh đất mà một thời tuổi trẻ sôi nổi đã gắn bó, là dịp để tri ân đối với người dân vùng chiến khu xưa” - bà Phi tâm tình.

Sau ba lần nộp đơn xin vào khu 5 chiến đấu, tháng 5.1966, ông Trương Mạnh Trình được điều động vào chiến trường Quảng Nam. Hoạt động tại căn cứ Liên khu ủy khu 5 đóng ở vùng núi Trà My. Ba tháng sau, ông Trình được điều chuyển sang hoạt động ở Tiểu ban văn hóa quần chúng - thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Đà. Đến tháng 5.1967, ông Trình bị địch bắt, đày ra Phú Quốc. Sau hơn 5 năm bị giam, ông được trao trả và chuyển về Hà Nội. Ông tiếp tục xin được vào chiến trường Quảng Nam để chiến đấu, nhưng vì lý do sức khỏe nên nguyện vọng không được chấp nhận. Đây là lần đầu tiên sau chừng ấy năm, ông Trình mới có dịp về thăm chiến trường xưa Quảng Nam. Ông bày tỏ, dù công tác, chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam chỉ trong thời gian ngắn, nhưng mảnh đất này đã là quê hương thứ hai của mình. Ông không thể nào quên được tình cảm yêu thương và niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng trong lòng người dân. “Mới vừa hành quân từ ngoài Bắc vào đến bờ sông Thu Bồn, chúng tôi đã được “thử lửa” ngay bằng những đợt “mưa” rốc két khiến cho chàng trai mới tròn tuổi đôi mươi như tôi bị dao động. Rất may, chính tình yêu thương, che chở của người dân Quảng Nam khi ấy đã tiếp thêm nghị lực cho tôi, giúp tôi vững tin dấn thân vào con đường đã chọn” - ông Trình chia sẻ. Rồi ông kể: “Có đợt đi công tác, tôi hẹn với gia đình người mế đang nuôi giấu tôi rằng một tuần sau sẽ quay trở về.  Nhưng đến 10 ngày sau tôi mới quay về, bộ đồ tôi để lại được mế đem thờ trên bàn thờ, khói hương nghi ngút. Bởi, ở mảnh đất này, nếu sai hẹn ngày trở về thì đồng nghĩa với việc người đi đã chết, chiến tranh khốc liệt là vậy. Rồi có bận, tôi ghé ở nhờ một gia đình cơ sở miền núi, thấy chị chủ nhà cứ nhai bắp mớm cho đứa con thơ. Tôi ái ngại ướm lời, nhà có gạo, có quân lương cách mạng gửi sao chị không lấy một ít nấu cho cháu ăn, cháu bé còn nhỏ quá. Chị cười nói, bộ đội miền Bắc vào đây không ăn được bắp mô, để dành gạo cho bộ đội ăn, có sức mà đánh thắng giặc Mỹ, bọn mình ăn bắp quen cái miệng rồi. “Cái tình của người dân xứ Quảng đối với kháng chiến là thế. Nhờ đó mà sau này tôi luôn vững vàng trước các thủ đoạn tra tấn của địch trong ngục tù” - ông Trình thổ lộ.

Họa sĩ Giang Nguyên Thái - Trưởng ban Liên lạc cán bộ kháng chiến khu 5 chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi đã thực sự trưởng thành từ mảnh đất này và luôn coi đây là quê hương thứ hai của mình. Ở Hà Nội, chúng tôi đã thành lập Ban liên lạc tự nguyện, quy tụ được hơn một trăm anh chị em đã từng tham gia hoạt động ở chiến trường khu 5 hiện sinh sống ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Mỗi năm chúng tôi đều tổ chức gặp mặt vào cuối tháng 4 để kỷ niệm ngày giải phóng Quảng Nam. Đó cũng là cách chúng tôi nhắc nhớ nhau về quê hương thứ hai ân nặng nghĩa tình”.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
40 năm, vẹn một chữ tình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO