415 năm dinh trấn Thanh Chiêm

11/06/2017 06:21

Ngày 24.5.2017 Bộ VH-TT&DL công nhận xếp hạng cấp quốc gia đối với Di tích khảo cổ địa điểm Dinh trấn Thanh Chiêm (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn). Đây không chỉ là niềm vui, vinh dự của vùng đất mà còn tạo điều kiện để Điện Bàn bảo tồn, phát huy tốt hơn các giá trị văn hóa, lịch sử, đưa Thanh Chiêm - Điện Phương trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn trên cung đường di sản Quảng Nam.

HÀNH TRÌNH MỘT VÙNG ĐẤT

Từ một trung tâm chính trị - văn hóa của dinh Quảng Nam xưa, nơi ra đời của chữ Quốc ngữ, trải qua bao thăng trầm thời gian, có lúc gần như chìm vào quên lãng, giờ đây Dinh trấn Thanh Chiêm được xếp hạng di tích quốc gia là sự khẳng định về vai trò lịch sử của vùng đất…

Hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” diễn ra cuối tháng 8.2016 tại thị xã Điện Bàn.Ảnh: QNPT
Hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” diễn ra cuối tháng 8.2016 tại thị xã Điện Bàn.Ảnh: QNPT

Định danh dinh trấn

Dinh trấn Thanh Chiêm ra đời gắn với việc chúa Tiên Nguyễn Hoàng sai con là Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ dinh Quảng Nam năm 1602 và cắt vùng đất nam Hải Vân (vốn thuộc huyện Điện Bàn xưa) nhập vào dinh Quảng Nam (1604). Từ vùng đất trù phú “ngoài biên ải”, Quảng Nam trở thành trung tâm chính trị, kinh tế lớn - kinh đô thứ hai ở Đàng Trong, sau thủ phủ Phú Xuân, và là hậu phương vững chắc cho Thuận Hóa; góp phần cùng với thủ phủ Phú Xuân giữ yên mặt bắc, phòng thủ mặt đông và mở cõi về phương Nam. Đặc biệt, không chỉ quán xuyến hoạt động kinh tế ở vùng đất Quảng Nam, Dinh Chiêm còn là nơi điều hành hoạt động của Tuần ty và quan thủ ngự cai trị vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, một trung tâm kinh tế chính trị mới hình thành trên vùng đất phương Nam vừa kết nối vào lãnh thổ Đại Việt dưới thời các chúa Nguyễn. Trong các thế kỷ 17 - 18, thông qua cảng thị Hội An, Quảng Nam trở thành cửa ngõ trọng yếu trong chính sách kinh tế đối ngoại của các chúa Nguyễn, là đầu cầu trao đổi thương mại, văn hóa với bên ngoài, du nhập Thiên Chúa giáo từ phương Tây vào Đàng Trong, tạo điều kiện cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ.

Tại hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” diễn ra cuối tháng 8.2016, các nhà nghiên cứu đã khẳng định, cùng với Hội An, Thanh Chiêm là nơi đầu tiên ở Đàng Trong tiếp nhận các giáo sĩ phương Tây đến truyền giáo. Đây cũng là tiền đề và cội nguồn sâu xa cho việc ra đời chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ 17. Trong đó, Thanh Chiêm là nơi các giáo sĩ Thiên Chúa giáo Dòng Tên bắt đầu công việc sáng tạo chữ Quốc ngữ của mình. Giáo sĩ Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha) và giáo sĩ Alexandre de Rhodes (người Pháp) là những người có công hoàn thiện chữ Quốc ngữ… Dù có vai trò quan trọng và nhiều thành tựu nổi bật, tuy nhiên do biến đổi thời cuộc, Dinh trấn Thanh Chiêm dần mất đi vị thế chính trị và chìm vào quên lãng.

Về vùng Dinh trấn Thanh Chiêm ngày nay, nhiều địa danh vẫn hiện hữu trong ký ức người dân như dinh thự (hành cung), thành Vệ, chợ củi, kho muối, nhà lao, tàu tượng, mô súng, vọng khuyết, gò Sài, Văn Miếu… Ông Đinh Trọng Tuyên (ở Điện Phương, Điện Bàn), người có nhiều năm nghiên cứu Dinh trấn Thanh Chiêm cho rằng, một số vị trí xưa hiện vẫn có thể xác định được tại nhiều nơi trên đất Điện Phương như hành cung, nay là nền đất Trường THCS Nguyễn Du; kho muối, hiện là nhà thờ Tiền hiền và đình làng Thanh Chiêm; gò Sài đã trở thành gò đất nằm trên trục giao thông đi từ Thanh Chiêm đến Hội An… “Dinh trấn Thanh Chiêm xưa không chỉ nằm trên địa phận của làng Thanh Chiêm mà còn mở rộng sang các làng lân cận như Phước Kiều, An Quán, Đông Khương, An Nhơn, Văn Đông (Cần Húc), Phú Chiêm (Triêm Trung, Triêm Đông, Triêm Tây, Triêm Nam), Điện Bình, Khúc Lũy và Uất Lũy, tức là toàn bộ xã Điện Phương và một phần của xã Điện Minh ngày nay” - ông Tuyên nói. Định danh phận cho Thanh Chiêm không chỉ khẳng định vai trò, vị trí của vùng đất mà còn tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích sau này.

Quy hoạch, bảo tồn không gian di tích

Dinh trấn Thanh Chiêm được xếp hạng di tích quốc gia chính là sự khẳng định về vị trí, vai trò, giá trị lịch sử, văn hóa của Thanh Chiêm gắn với sự ra đời chữ Quốc ngữ. Đồng thời cũng là sự tri ân của thế hệ hôm nay với tiền nhân trong tiến trình mở cõi về phương Nam, nhất là sự tôn vinh giá trị chữ Quốc ngữ - ngôn ngữ chính thống của người Việt. Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, dù hiện nay các di tích trên mặt đất hầu như không còn gì nhưng Dinh trấn Thanh Chiêm vẫn được công nhận di tích quốc gia. Điều đó đã khẳng định giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất này với tư cách là một trung tâm hành chính của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đặc biệt với tư cách là một trong những nơi phát tích ra chữ Quốc ngữ. Kể từ hôm nay, vai trò, vị trí của di tích Dinh trấn Thanh Chiêm đã được nâng lên một tầm mới.

Nhằm phát huy giá trị lịch sử dinh trấn, thị xã Điện Bàn đã xây dựng các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn với lộ trình cụ thể. Riêng hoạt động kỷ niệm 415 năm Dinh trấn Thanh Chiêm và tôn vinh chữ Quốc ngữ diễn ra trong chương trình Festival Di sản Quảng Nam lần VI - 2017, thị xã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến chữ Quốc ngữ như: trưng bày, trình diễn nghệ thuật thư pháp chữ Quốc ngữ; sưu tầm các dạng thư pháp chữ Quốc ngữ trên nhiều chất liệu; tổ chức viết thư pháp các dạng chữ Quốc ngữ từ sơ khai đến các kiểu chữ Quốc ngữ hôm nay trên các chất liệu đá, gốm, chiếu, tre, vải, giấy. Ngoài ra, một số tài liệu, bản đồ, bản vẽ, hình ảnh, sắc phong của những đình trong khu vực dinh trấn (An Nhơn, Thanh Chiêm) liên quan đến chữ Quốc ngữ, các sản phẩm khảo cổ liên quan đến Dinh trấn Thanh Chiêm cũng sẽ được trưng bày, triển lãm dịp này.

Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, về lâu dài thị xã sẽ tiến hành quy hoạch, khoanh vùng không gian Dinh trấn Thanh Chiêm; xây dựng công viên Dinh trấn và chữ Quốc ngữ tại khu đất phía trước trường Nguyễn Du, diện tích khoảng 8.000m2. Trong công viên có các hạng mục như: xây bia chữ Quốc ngữ, biểu trưng chữ Quốc ngữ, bảo tàng chữ Quốc ngữ, phục dựng mô hình Dinh trấn Thanh Chiêm, trưng bày hiện vật liên quan đến dinh trấn… nhằm biến nơi này trở thành điểm đến, nghiên cứu và tham quan của người dân và du khách. “Từ sự khởi đầu này sẽ tạo cơ sở để thị xã thực hiện mục tiêu lớn hơn là đưa Dinh trấn Thanh Chiêm trở thành di tích quốc gia đặc biệt trong những năm tới, góp phần hình thành vệt di sản: Đô thị cổ Hội An - Thanh Chiêm - Mỹ Sơn. Trong đó, Thanh Chiêm sẽ đóng vai trò là điểm dừng chân, nghiên cứu về lịch sử văn hóa vùng đất của du khách khi đến Quảng Nam” - ông Hà nói. (VĨNH LỘC)

TRIÊM TÂY CHỜ ĐÓN KHÁCH

Ngày 13.6 tới đây, Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn) chính thức mở cửa đón khách sau 2 năm xây dựng. Sự kiện này không chỉ đưa làng trở thành điểm đến trên bản đồ du lịch Quảng Nam mà còn mở ra cơ hội phát triển cho cộng đồng địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn kiểm tra thực tế tại Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây trước ngày mở cửa đón khách. Ảnh: QUỐC TUẤN
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn kiểm tra thực tế tại Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây trước ngày mở cửa đón khách. Ảnh: QUỐC TUẤN

Những ngày này về Triêm Tây, cảm nhận không khí rộn ràng khắp xóm. Con đường dẫn vào làng tinh tươm, sạch sẽ với dãy chè tàu được cắt tỉa cẩn thận. Tại nhà văn hóa thôn, các bà các chị đang miệt mài luyện tập những tiết mục văn nghệ chuẩn bị cho ngày hội của làng. Bà Lê Thị Than - Tổ trưởng tổ dịch vụ và văn nghệ cho biết, mấy hôm nay nhân dân toàn thôn đều được huy động ra quân tổng vệ sinh, cắt tỉa cây cối, dọn dẹp cảnh quan, làm lại vườn cộng đồng trong làng. Riêng tổ dịch vụ và văn nghệ tập trung luyện tập các tiết mục biểu diễn, chuẩn bị cho ngày khai trương đón khách. “Mệt mà vui lắm, cả làng như hội. Ai cũng hào hứng tất bật chờ đến ngày ra mắt Làng du lịch cộng đồng” - bà Lê Thị Than phấn khởi. Ông Nguyễn Yên - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp làng Triêm Tây cho hay, mọi công tác chuẩn bị đã xong, sẵn sàng cho ngày hội của làng. “Vui và hồi hộp lắm! Mình khai trương Làng du lịch cộng đồng để công bố với du khách khắp nơi là Triêm Tây đã chính thức làm du lịch, nên người dân trong thôn đều náo nức trông chờ đến ngày ra mắt” - ông Yên chia sẻ.

Dù đến ngày 13.6 Triêm Tây mới chính thức khai trương Làng du lịch cộng đồng, nhưng hơn một năm qua, nơi đây đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách. Hợp tác xã nông nghiệp làng Triêm Tây hiện có 7 tổ dịch vụ gồm: tổ dịch vụ và văn nghệ; tổ làm vườn; tổ ẩm thực; tổ lưu trú; tổ hướng dẫn viên; tổ làng nghề; tổ chèo thuyền. Theo thống kê, dù chưa khai trương, từ đầu năm đến nay Triêm Tây đã đón 20 đoàn với khoảng 500 khách tham quan làng, doanh thu hơn 100 triệu đồng. Bà Phan Thị Thái Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT thị xã Điện Bàn nói, với sự hỗ trợ của các tổ chức UNESCO và ILO trong khuôn khổ dự án “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững miền Trung”, qua một năm hoạt động thử nghiệm các dịch vụ du lịch, người dân Triêm Tây đã dần hoàn thiện bộ sản phẩm dịch vụ, trong đó trọng tâm là việc xác định các chính sách giá cả, quy chuẩn chất lượng dịch vụ và cơ chế tổ chức đảm bảo phân chia lợi ích công bằng cho thành viên cộng đồng tham gia phát triển du lịch. Có thể nói, cùng với mô hình du lịch cộng đồng tại các làng Bhơ Hồông và Đhrôồng (Đông Giang), Triêm Tây là một điểm đến đặc biệt tại Quảng Nam, nơi du lịch được coi là tác nhân thúc đẩy sự phát triển không chỉ về mặt kinh tế thông qua nâng cao thu nhập bổ sung, mà còn góp phần tạo gắn kết xã hội giữa các thành viên trong cộng đồng và nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn tài nguyên sinh thái, môi trường thiên nhiên, hướng tới sự phát triển bền vững.

Cũng theo bà Hoa, sau khi Triêm Tây chính thức khai trương đón khách sẽ tạo điều kiện đưa du lịch lan tỏa đến các vùng khác của Điện Bàn nhất là ngay tại Điện Phương với di tích quốc gia Dinh trấn Thanh Chiêm và các làng nghề truyền thống bản địa. Cụ thể, từ Triêm Tây khách có thể đi theo đường sông lên cụm làng nghề Đông Khương tham quan các làng nghề, di tích nơi đây như gốm Hạ, gỗ Nguyễn Văn Tiếp, đúc đồng Phước Kiều, bê thui cầu Mống, Dinh trấn Thanh Chiêm… và ngược lại. Qua đó, địa phương sẽ có cơ hội kêu gọi đầu tư và thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển. “Từ thành công của Triêm Tây sẽ tạo cơ sở để thị xã đẩy mạnh du lịch vùng Gò Nổi phát triển theo hướng cộng đồng sinh thái. Hiện tại, cũng đã có nhiều nhà đầu tư  đang triển khai, xúc tiến các dự án du lịch vào Gò Nổi. Nổi bật như dự án du lịch nông nghiệp sinh thái của Công ty TNHH Giang Hải tại Điện Quang, diện tích 62ha, kinh phí đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Nên có thể nói, việc khai trương Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây sẽ tạo bước ngoặt cho các điểm còn lại, nhất là Dinh trấn Thanh Chiêm khi nơi đây đã được công nhận là di tích quốc gia” - bà Hoa cho biết thêm. (KHÁNH LINH)

HỘI TỤ TINH HOA NGHỀ

Những cuộc phát triển không ngừng của đời sống, tưởng nhiều lúc làm chìm lấp đi dấu xưa của sinh hoạt cha ông - qua những hình thái biểu hiện sản xuất. Nhưng lạ thay, dù giao thương hay công nghiệp, thậm chí cả du lịch phát triển, thì những làng nghề, ngành nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ trên đất Điện Bàn vẫn có chỗ đứng của mình. Chính những ngôi làng, cùng với hành trình phát triển đã góp phần không nhỏ định danh bản sắc cho vùng đất trù phú.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp vẫn bền bỉ truyền nghề cho các thế hệ người làng Điện Phương. Ảnh: LÊ QUÂN
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp vẫn bền bỉ truyền nghề cho các thế hệ người làng Điện Phương. Ảnh: LÊ QUÂN

Và một lần nữa, những làng nghề ven sông Thu Bồn ở Điện Bàn có cơ hội để được biết đến nhiều hơn, khi không gian của lễ hội 415 năm Dinh trấn Thanh Chiêm dành phần lớn cho những làng nghề, nghề truyền thống…

1. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp (xã Điện Phương) nghe chừng chưa thể dứt mạch cảm xúc, khi hình dung về một khu làng nghề ở địa phương mình. Dẫu đã phác thảo từ mấy năm nay, khu làng nghề nay chỉ có xưởng gỗ của ông và lò “gốm của Hạ”. Chừng nào khu làng nghề chưa thực sự thành hình, ông Tiếp chưa thôi mơ tưởng. Có nơi nào như đất này, khi vẫn cố bền bỉ để hình thành và giữ một không gian của những câu chuyện xưa, của tiếng cưa bào đục đẽo, của những đôi tay thoăn thoắt làm nghề qua nhiều năm tháng. Dù trong vòng xoay kim tiền, những áp lực vô hình của đời sống, người Điện Bàn có lẽ vẫn đang cố gắng từng ngày để cái “phác thảo khu làng nghề thủ công, tiểu thủ công nghiệp Đông Khương” - nằm trên vùng dinh trấn xưa đi vào hiện thực. Vẫn thường nghe người Điện Bàn bảo nhau, ngang qua thị xã mới, dừng ở sâu những con hẻm trên trục lộ chính, sẽ nghe ở đó, hương vị đặc biệt của một vùng đất có số phận đặc biệt. Mùi đất nung từ lò gốm của nghệ nhân Lê Đức Hạ, hay mùi tre trúc đang nổ lách tách trên những bếp than hồng của bà mẹ làng Triêm Tây, hay hít hà hương vị của gánh mỳ Phú Chiêm ở phía này sông… Còn nữa, một “miền thơm mùa gỗ” mà đã có lần người viết hỏi cư dân dinh trấn cũ, vì sao không phải vùng núi non trùng điệp với cây rừng hàng chục năm tuổi, người Điện Bàn vẫn hình thành cho mình nghề mộc mỹ nghệ nức tiếng gần xa. Có lẽ, “trong dặm dài quá khứ đầy thăng trầm cùng cuộc hành tiến của dân tộc, người Quảng đã cần cù sáng tạo biết bao sản phẩm vật chất và tinh thần”. Chính lẽ này, những cư dân ở ngay trung tâm “vùng đất mở về phương Nam” đã tiếp biến và lãnh nhận cho mình những tinh hoa. Hình như cũng không cần dài dòng nữa, về sự sáng tạo không ngừng từ quá khứ đến hiện tại của những lớp người sống trên đất này. Chính những nghệ nhân xuất phát từ đời sống dân gian đã tạo dựng cho Điện Bàn một vóc dáng riêng - một vùng đất nhiều trầm tích văn hóa, nhiều dấu ấn.

Nhưng cũng như số phận của rất nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống khác, các nghệ nhân ở Điện Bàn vẫn không thể tách mình ra khỏi nỗi buồn lo về sự tồn vong của nghề. Nhiều cuộc bể dâu thăng trầm để lại vết dấu nơi các ngôi làng. Người làm nghề truyền thống tản mác khắp nơi. Người ở lại cố duy trì nghề bằng nhiều hình thức khác nhau. Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Tiển kể câu chuyện đời mình, với những bước chân đi khắp vùng Tây Nguyên, để mang âm chiêng của làng mình thức dậy… Hay những bà mẹ làng Phú Chiêm, vẫn chưa bao giờ nghĩ mình thôi gánh gồng cái vị mỳ Quảng riêng có, đi từ làng ra phố. Hình như cái nếp làng đã ăn sâu vào từng thế hệ, để bỗng một ngày khi thế cuộc thay đổi, họ vẫn chưa bao giờ dứt được mình ra khỏi mạch nguồn của làng.
2. May thay, cái tư duy sáng tạo như được tiếp nối từ tinh thần quá khứ, nên những làng nghề vẫn giữ được vai trò của mình trong cuộc phát triển mạnh mẽ của thời hiện tại. Bằng nhiều xoay chuyển để thích nghi, những ngành nghề truyền thống mỗi ngày đang chứng tỏ sức hút của mình. Các lễ hội mở ra, để dành cơ hội cho làng nghề. “Thông qua lễ hội là một hình thức tái hiện cuộc sống quá khứ và hiện tại mang đậm đặc trưng văn hóa làng. Điện Bàn luôn xác định tổ chức lễ hội phải gắn liền với việc tổ chức hội chợ làng nghề để tất cả nghệ nhân, thợ thủ công giới thiệu rộng rãi các sản phẩm làng nghề, là cơ hội để quảng bá phát triển làng nghề trong thời kỳ hội nhập” - ông Phạm Nên, người gắn bó với rất nhiều hoạt động văn hóa của Điện Bàn, chia sẻ. Ông Nên cho biết, năm 2006, lần đầu tiên Điện Bàn tổ chức Hội chợ làng nghề quy tụ gần 2.000 sản phẩm của các làng nghề truyền thống có tên tuổi như làng nghề đúc đồng Phước Kiều, làng bánh tráng, làng mỳ Quảng Phú Chiêm, làng chiếu Triêm Tây, làng bê thui Cầu Mống cùng hàng chục làng nghề khác vốn có thương hiệu như chạm khắc gỗ Âu Lạc, Nguyễn Văn Tiếp, đất nung Lê Đức Hạ… Sự hội tụ này đã làm cho không gian lễ hội thêm đậm đà, thu hút hàng vạn lượt người trong và ngoài địa bàn đến tham quan, mua sắm và vui chơi giải trí.

Và cũng từ nhiều cuộc hội lễ như thế sau này, người ta nhận ra, nếu ở Điện Bàn tổ chức lễ hội mà không có bóng dáng của các làng nghề thì không thể thành công. “Sự tham gia của làng nghề cùng các trò chơi dân gian, những hoạt động cộng đồng, hình thức diễn xướng… khiến lễ hội trở nên thu hút hơn. Cùng với đó, tạo cơ hội để quảng bá rộng rãi các sản phẩm làng nghề, mở rộng giao lưu và cùng nhau trao đổi học hỏi để làm cho từng làng nghề qua các lần lễ hội có bước phát triển mới hơn, sản phẩm tinh xảo hơn và nhất là tạo được thương hiệu để có chỗ đứng trên thị trường” - ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết. Chưa kể, trong cung đường kết nối di sản, những làng nghề ở Điện Bàn được xem như một điểm dừng chân thú vị với những trải nghiệm thu hút du khách. Còn ông Lê Đức Thu - Chủ tịch UBND xã Điện Phương chia sẻ, ở góc độ địa phương được nhìn nhận có nhiều tiềm năng trong câu chuyện thu hút du khách đến với làng nghề, với chuyện làm du lịch, những người dân làng nghề tỏ ra rất hồ hởi. Lần này, trong chuỗi hoạt động của lễ hội 415 năm Dinh trấn Thanh Chiêm, tại khu vực xã Điện Phương sẽ có 8 gian hàng của 8 làng nghề trên địa bàn thị xã tham gia. Ông Thu cho biết thêm, cùng với các gian hàng làng nghề tiểu thủ công nghiệp, các gian hàng ẩm thực dân gian truyền thống cũng sẽ tạo điểm nhấn cho không gian lễ hội.

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận: “Như điều đã hẳn nhiên, festival lần này không thể thiếu sự tham gia của Điện Bàn. Nơi đây có đầy đủ điều kiện về tự nhiên và văn hóa để phát triển mạnh ngành du lịch. Trong Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI, lễ hội 415 năm Dinh trấn Thanh Chiêm tại Điện Bàn sẽ là nơi thu hút nhiều sự tham gia của cư dân cũng như du khách”. Sự kỳ vọng này, có lẽ khởi đầu từ những đặc sắc mà các làng nghề truyền thống của Điện Bàn đang sở hữu… (LÊ QUÂN)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
415 năm dinh trấn Thanh Chiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO