(QNO) - Sáng nay 9/9, tại Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh (xã Tam Lộc, Phú Ninh), UBND huyện Phú Ninh tổ chức lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2023.
Lễ trao thưởng được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 151 năm Ngày sinh Nhà yêu nước Phan Châu Trinh (9/9/1872 - 9/9/2023). Theo đó, có 48 sinh viên, học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập được UBND huyện Phú Ninh trao tặng giải thưởng Phan Châu Trinh lần này.
Trong đó, có 2 học sinh THCS; 2 học sinh THPT đoạt giải nhất kỳ thi cấp tỉnh và 44 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy đạt thành tích xuất sắc, giỏi.
Phát biểu tại lễ trao thưởng, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, nhằm khuyến khích phát triển tài năng trẻ, khơi dậy ý chí học tập cho con em Tam Kỳ - Phú Ninh, năm 2001 giải thưởng mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh được sáng lập,
Đến năm 2010 được sự thống nhất của 2 địa phương giải thưởng Phan Châu Trinh chính thức được chia tách và năm nay là năm thứ 13 giải thưởng được tổ chức tại nơi sinh thành của cụ Phan Châu Trinh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho rằng, sự nỗ lực trong học tập và rèn luyện để đạt thành tích xuất sắc trong học tập của các em không những đem vinh dự cho bản thân, gia đình của các em mà còn là niềm tự hào rất lớn cho quê hương Phú Ninh.
Do đó, các sinh viên, học sinh cần tiếp tục duy trì và phát triển thành tích học tập đã đạt được, góp phần nguồn động viên cho những thế hệ học sinh sau này làm hướng phấn đấu trên con đường học tập và lập thân, lập nghiệp.
“Giải thưởng sẽ được tiếp tục duy trì và huyện xác định đây sẽ là giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng và phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của huyện” – bà Vân nói.
Cụ Phan Châu Trinh đỗ Phó bảng năm Thành Thái thứ 13 (1901), là người không những uyên thâm về Nho học mà còn thông hiểu học vấn phương Tây. Suốt cuộc đời mình cụ luôn giương cao ngọn cờ dân chủ, cải cách xã hội, chủ trương cứu nước bằng việc nâng cao dân trí, dân quyền.
Theo cụ, để bồi dưỡng dân khí nước nhà, giải pháp tốt nhất là phải khai thông dân trí, muốn vậy phải đổi mới nền giáo dục, bởi chỉ có một nền giáo dục tiến bộ mới là chìa khoá “mở trí khôn cho dân”.
Chủ trương lấy việc nâng cao dân trí làm gốc, là nền tảng để cải cách xã hội của Phan Châu Trinh đầu thế kỷ XX, là tư tưởng đổi mới trong con đường cứu nước so với các bậc tiền bối lúc bấy giờ.
Tư tưởng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, đề cao sự học như một lẽ đạo làm người, phát triển xã hội của Phan Châu Trinh là tư tưởng rất đúng đắn và hiện nay vẫn còn nguyên giá trị. Tài năng, khí phách hào hùng, lòng yêu Tổ quốc, quê hương nồng nàn của cụ Phan Châu Trinh mãi mãi chói sáng, vang vọng ngàn đời, để lại tiếng thơm cho muôn đời sau.