48 năm tìm người trong bài hát

HỒNG VÂN 31/01/2014 22:14

(Xuân Giáp Ngọ) - Nghệ sĩ Ngọc Kỳ (Đoàn Văn công Quân khu 5) không ngờ rằng, 48 năm từ khi ông sáng tác “Tình đồng chí”, bài hát này vẫn “sống” trong trái tim những người lính Sư đoàn 2. Nhờ bài hát, họ đã tìm được đồng đội của mình một thuở.

Chuyến xe chở các cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 2 về thăm đơn vị, khi ngang qua vùng đất Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), bất ngờ ai đó thốt lên: “Ấp Châu Sa, núi Thiên Ấn đây rồi. Nơi chiến sĩ Bùi Ngọc Năng đã cứu Nguyễn Thanh Lùng, câu chuyện nổi tiếng đến mức có bài hát về họ. Anh em mình có còn nhớ không”. “Có, tôi thuộc lòng từ ngày ấy và vẫn có ý đi tìm…”. Người đáp lời là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Đức Chuyển, nguyên Đại đội trưởng Trinh sát. Theo lối dân ca bài chòi khu 5, ông cất giọng ấm áp: “Tình nào sâu bằng tình đồng chí…”. Mấy mươi câu hát tuôn trào. Cả xe lặng đi vì xúc động. Câu chuyện về chiến sĩ Bùi Ngọc Năng như một người anh hùng trong chiến trận vượt qua “bom rải quanh trước mặt, địch đông đặc sau lưng”... “thủy chung là những phút giây hiểm nghèo” dìu bạn mình ra khỏi vòng vây kẻ thù như hiển hiện trước mắt mọi người. Đây là bằng chứng sống động về “lời thề thứ 7” của  người lính trong chiến tranh.

Nghệ sĩ Ngọc Kỳ nghe Đại tá Nguyễn Đức Chuyển hát “Tình đồng chí”.  Ảnh: HỒNG VÂN
Nghệ sĩ Ngọc Kỳ nghe Đại tá Nguyễn Đức Chuyển hát “Tình đồng chí”. Ảnh: HỒNG VÂN

Thời gian đã lâu, không ai rõ Nguyễn Thanh Lùng hiện giờ ở đâu, chỉ biết Bùi Ngọc Năng đã hy sinh ở trận đồi tranh Quang Thạnh năm 1967. Dựa theo lời bài hát: “Cứ theo con nước Trường Giang/ mà tìm hình bóng của Năng trên dòng”, mọi người đoán liệt sĩ Năng quê ở Thăng Bình (Quảng Nam). Vậy là một cuộc điện thoại với Trưởng ban liên lạc CCB ở huyện Thăng Bình đã xác định được liệt sĩ Năng quê ở xã Bình Sa.

Đến thăm nhà ông Bùi Ngọc Hóa, em trai liệt sĩ Bùi Ngọc Năng, hiện trú tại tổ 5, thị trấn Hà Lam, đồng đội bùi ngùi khi biết gia đình liệt sĩ Năng có 9 anh em, vậy mà giờ chỉ còn một em trai, đã có 3 người ngã xuống vì đất nước. Bùi Ngọc Năng chiến đấu dũng cảm, bị thương nặng đưa về trạm phẫu và hy sinh. Đến nay, gia đình nhiều lần tìm kiếm vẫn chưa thấy hài cốt.

Bùi Ngọc Năng là người sống tình cảm và tính cách cương quyết, khó mấy cũng làm cho bằng được nên dễ lý giải vì sao anh không quản thân mình cứu đồng đội. Ông Hóa cho biết, đã nghe bài hát một vài lần sau ngày giải phóng, trong các dịp đi dự gặp mặt CCB đơn vị anh mình. Cũng từ bài hát, ông lên Điện Hồng (Điện Bàn) tìm CCB Nguyễn Thanh Lùng với hy vọng sẽ lần ra manh mối hài cốt anh trai. Nhưng ông Lùng không biết gì, bởi sau khi bị thương, ông được chuyển ngay lên bệnh xá Sư đoàn điều trị đến 6 tháng và sau đó ra Bắc cho đến giải phóng mới về công tác ở một đơn vị khác tận Đắc Lắc.

CCB Nguyễn Thanh Lùng tuổi đã gần 80, mang nhiều trọng bệnh, khiến ông không thể nào đi thăm đồng đội. Nhưng kỷ niệm trận đánh ở Thiên Ấn ông vẫn không thể nào quên. Sau khi đánh trận Ba Gia (5.1965), ông là Đại đội phó được Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 90 Nguyễn Chơn giao đánh ấp Châu Sa. Hôm đó, đúng 1 giờ sáng, dựa vào giao thông hào, bộ đội tấn công. Tuy nhiên, địch huy động rất nhiều lực lượng gồm xe M113 và một tiểu đoàn nghĩa quân bao vây các chiến sĩ. Ra lệnh cho anh em lần lượt rút, chỉ còn ông và chiến sĩ Bùi Ngọc Năng cầm cự đánh chi viện. Không may, ông bị thương bàn chân phải. Xác định, nếu cả hai cố gắng cầm cự tất sẽ cùng hy sinh, ông bảo Năng đi trước để tự mình xoay xở. Nhưng Năng không chịu. Khi thì xốc ông trên vai, lúc dìu qua đoạn giao thông hào, men theo bờ tre và những ruộng mạ, có lúc bò để tránh đạn địch rít trên đầu... Tiếng địch la ó đòi bắt sống léo nhéo, trên trời máy bay trực thăng vần vũ. Hai anh em vừa rút lui vừa đánh trả từ 3 giờ chiều đến 10 giờ đêm mới thoát vòng vây. Sau khi trao Đại đội phó Lùng cho du kích đưa lên bệnh xá, Bùi Ngọc Năng vội vã về đơn vị. Cả hai không gặp lại nhau từ đó.

Đại tá Nguyễn Đức Chuyển tìm đến nhà biên kịch Ngọc Kỳ với suy luận rằng, thế hệ nghệ sĩ tham gia kháng chiến và sáng tác bài chòi thời đó chỉ có thể là Ngọc Kỳ. Quả không sai. Sức khỏe đã yếu, vậy mà khi nghe bài hát của mình, nghệ sĩ Ngọc Kỳ như bừng tỉnh. Bài hát đã lâu, ông chỉ còn nhớ vài câu đầu, bản thảo chép cũng đã mất nhưng câu chuyện thì ông không thể nào quên. Đó là tại hội nghị rút kinh nghiệm và biểu dương công trạng của Trung đoàn 1 sau chiến dịch Ba Gia, ông được mời dự. Khi chiến sĩ Bùi Ngọc Năng lên kể lại trận đánh ở Châu Sa và cuộc rút lui kỳ diệu giữa vòng vây của địch, nghệ sĩ Ngọc Kỳ xúc động lạ lùng. Ngay tại hội nghị, ông viết ngay bài hát như tường thuật một câu chuyện. Với chiếc ghi ta phím lõm, ông ôm đàn và hát giữa hội nghị cho bộ đội nghe. Ngay lập tức bài hát được bộ đội chuyền tay nhau chép. Tấm gương Bùi Ngọc Năng cứu đồng đội đã có sức lan tỏa lớn, thực sự cổ vũ cán bộ, chiến sĩ thêm hăng hái đánh giặc, lập công, tô thắm thêm truyền thống Trung đoàn 1 vinh dự 3 lần được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

HỒNG VÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
48 năm tìm người trong bài hát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO