5 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Chuyển biến tích cực

DIỄM LỆ 12/12/2013 08:48

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã thực thi được 5 năm. Dù đây đó vẫn còn những vụ việc đáng lên án, nhưng nhận thức của xã hội bước đầu đã thay đổi. Những vụ BLGĐ giảm dần, nhiều mô hình hiệu quả, nhiều nạn nhân được giúp đỡ, người gây BLGĐ được tư vấn trực tiếp..., là những chuyển biến tích cực trong xã hội.

Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.Ảnh: D.LỆ
Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.Ảnh: D.LỆ

Vào cuộc

Năm 2008, Luật Phòng, chống BLGĐ bắt đầu có hiệu lực thi hành. Quảng Nam vào cuộc với nhiều khó khăn như điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, hộ nghèo cao, phong tục tập quán lạc hậu trong cưới hỏi, hôn nhân, nạn tảo hôn vẫn còn phổ biến ở vùng cao và khu vực nông thôn. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc ngăn chặn BLGĐ mà xem đó là chuyện riêng của nhà, chỉ nên “đóng cửa bảo nhau”; kiến thức về bình đẳng giới còn hạn chế trong các tầng lớp nhân dân. Ông Nguyễn Hoàng Bích - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Để triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 23, Kế hoạch số 3258 về thực hiện đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình giai đoạn 2012 - 2015”. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương đều có chương trình hành động, vào cuộc mạnh mẽ tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ, góp phần chuyển biến nhận thức của mỗi người, mỗi gia đình và xã hội, xem đó là trách nhiệm chung chứ không phải chuyện của mỗi nhà”.

Từ năm 2008 đến hết tháng 11.2013, toàn tỉnh xảy ra 3.620 vụ BLGĐ về thân thể, tinh thần, tình dục, kinh tế. Trong đó, năm 2009 xảy ra 715 vụ, năm 2010 có 663 vụ, năm 2011 tăng lên 955 vụ, năm 2012 giảm xuống 798 vụ và năm 2013 giảm còn 489 vụ. Cùng với các biện pháp xử lý đối với người gây ra BLGĐ, hoạt động can thiệp hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ cũng được quan tâm. Đã có hơn 1.300 nạn nhân được tư vấn tâm lý, 472 nạn nhân được đưa đến địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 70 nạn nhân được các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ giúp đỡ. Cơ quan công an đã phát hiện, điều tra, ngăn chặn và xử lý 42 vụ BLGĐ, trong đó xử lý hành chính 35 vụ và khởi tố 7 vụ, đã kết thúc điều tra chuyển Viện Kiểm sát nhân dân truy tố 4 vụ.

Hình thức tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ được tổ chức khá đa dạng qua khẩu hiệu, băng rôn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, hội thi, hội diễn, trên phương tiện thông tin đại chúng... nhân các ngày Gia đình Việt Nam, ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, và xuyên suốt trong cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa ở từng khu phố, xóm thôn. Hệ thống bộ máy chuyên trách về công tác gia đình được kiện toàn từ cấp tỉnh đến 18 huyện, thành phố; 244 xã, phường đều có cán bộ kiêm nhiệm làm công tác gia đình. Ông Trần Văn Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: “Từ khi Luật Phòng, chống BLGĐ được triển khai sâu rộng, trong mỗi gia đình và xã hội đã có nhận thức đúng đắn hơn đối với nạn BLGĐ. Đó không còn là câu chuyện của mỗi nhà, mà là của xã hội. Hiện nay, 100% số xã, thị trấn của Đại Lộc đã có Ban chỉ đạo Phòng, chống BLGĐ; xây dựng được nhiều mô hình gia đình phát triển bền vững, thành lập các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống BLGĐ”.

Chuyển biến

Theo số liệu từ Sở VH-TT&DL, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, toàn tỉnh đã có 15 xã, phường, thị trấn thành lập được 105 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống BLGĐ, cùng với 246 tổ tư vấn, 131 cơ sở khám chữa bệnh, 29 cơ sở và 236 địa chỉ tin cậy hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, đồng thời có 1.160 lượt người gây BLGĐ được tư vấn. Thành viên các mô hình này đã can thiệp bằng cách góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, áp dụng các biện pháp cấm tiếp xúc, cơ quan chức năng tiến hành xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vụ gây BLGĐ. Đồng thời nạn nhân bị BLGĐ được hỗ trợ kịp thời tại các địa chỉ tin cậy trong cộng đồng. Ông Lưu Hùng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phòng, chống BLGĐ thôn Cẩm An (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) nói: “Những câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ được triển khai với sự tham gia đầy đủ của quân - dân - chính, các đoàn thể ở thôn và các gia đình. Khi tham gia, mọi người được tiếp cận các văn bản luật liên quan, xây dựng gia đình văn hóa, không bạo lực dưới mọi hình thức đối với cả đàn ông, phụ nữ và con cái, cha mẹ. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ gần gũi với mỗi gia đình, nhất là những gia đình trước đó hay có cãi nhau, gây gổ để phân tích cho mỗi thành viên hiểu và thực hiện đúng luật. Nhờ thế mà đời sống văn hóa trong mỗi gia đình được nâng cao hơn rất nhiều”.

Ông Đặng Văn Đào - Phó Giám đốc Sở Tư pháp nhìn nhận: “Theo con số thống kê, các vụ BLGĐ đã giảm dần, đó là điều đáng mừng, chứng tỏ luật đã đi vào cuộc sống và có hiệu lực. Đặc biệt những vụ BLGĐ được các tổ hòa giải cơ sở của ngành tư pháp hòa giải thành rất nhiều, trong đó giải quyết bằng tình cảm là chủ yếu, nói làm sao cho “có tình, có lý” để người trong cuộc nghe và hiểu”. Cũng theo ông Đào, phòng, chống BLGĐ phải được thực hiện bằng nhiều giải pháp, nhưng vẫn phòng ngừa là chính. Mỗi gia đình cần hiểu BLGĐ là phạm luật, và xã hội cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa.

Khởi động Mạng lưới quốc gia phòng, chống BLGĐ

Ngày 10.12, Mạng lưới quốc gia về phòng, chống BLGĐ đã được khởi động nhằm cụ thể hóa dự án “Xây dựng ứng phó quốc gia đối với BLGĐ giai đoạn 2012 - 2016”, do Bộ VH-TT&DL thực hiện với sự hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam. Theo đó, một mạng lưới quốc gia sẽ được thiết lập và vận hành bao gồm các cơ quan, tổ chức liên quan nhằm tăng cường hiệu quả điều phối và phối hợp liên ngành trong phòng chống BLGĐ tại Việt Nam cho đến năm 2016. Hoạt động của mạng lưới trong giai đoạn 2013 - 2016 bao gồm: tổ chức các cuộc họp (định kỳ 6 tháng/lần) nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, kiến thức liên quan đến phòng, chống BLGĐ; xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các thành viên trong mạng lưới. (L.V)

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
5 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Chuyển biến tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO