50 năm Bệnh xá Tam Kỳ

Bs. NGUYỄN VĂN LÝ (Nguyên Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - Đà Nẵng) 24/04/2015 09:04

Phong trào “Tìm ngụy mà đánh, tìm Mỹ mà diệt” bắt nguồn từ trận thắng Mỹ đầu tiên ở Núi Thành, tiêu diệt gọn một đại đội quân Mỹ vào ngày 26.5.1965. Để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp về khám chữa bệnh và nhất là cấp cứu, chữa trị kịp thời vết thương cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta, các bệnh xá cấp huyện, thị khẩn trương được thành lập. Bệnh xá Bắc Tam Kỳ và sau đó là Bệnh xá thị xã Tam Kỳ được ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt đó.

Gặp mặt các nhân viên Bệnh xá Tam Kỳ.
Gặp mặt các nhân viên Bệnh xá Tam Kỳ.

Ngày 25.5, Ban đại diện của Bệnh xá Bắc Tam Kỳ và Bệnh xá thị xã Tam Kỳ tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày “Thành lập bệnh xá Tam Kỳ”. Trong đó, Bệnh xá Bắc Tam Kỳ chính thức thành lập vào năm 1964 và Bệnh xá thị xã Tam Kỳ chính thức thành lập năm 1968 (thời gian trước đó công tác y tế vẫn có hoạt động cứu chữa bệnh nhân, nhưng có tính chất gọn nhẹ, di động, nhỏ lẻ chưa thành quy mô bệnh xá).

Chúng tôi - những người chiến sĩ áo trắng, cũng rất tự hào đã chịu đựng hy sinh gian khổ, sống trong đạn bom máu lửa, không ngừng chiến đấu vì sự nghiệp chung của dân tộc. Sự chiến đấu của chúng tôi là cứu chữa tính mạng cho thương bệnh binh; là chăm sóc nuôi dưỡng bảo vệ người bệnh; là giành giật từng sự sống trong cái chết; là đi theo trận tuyến vào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ lõm trong lòng địch, vùng đông cát trắng của Tam Kỳ, đào hầm trú ẩn bí mật để cất giấu cứu chữa cán bộ, đồng bào trong vùng địch chiếm. Nói đến cứu chữa và nuôi dưỡng thương bệnh binh trên chiến trường quả thật là không đơn giản, mà có cả tấm lòng quả cảm, mồ hôi và nước mắt và có thể hy sinh tính mạng của mình khi làm nhiệm vụ.

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng đội quân áo trắng “Bệnh xá Tam Kỳ” không hề quên những ngày tháng gian khổ. Họ đã tự tổ chức nhiều lần gặp mặt, động viên nhau sống xứng đáng với quá trình hào hùng của dân tộc và chính mình. Đáng mừng nhất là chẳng một ai trong số họ bị “rơi rụng” do tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Rất thiếu sót nếu không nói thêm rằng, bác sĩ Nguyễn Văn Lý - Bệnh xá trưởng là con chim đầu đàn có năng lực chuyên môn, lãnh đạo, quản lý, điều hành các hoạt động hết sức vững vàng, trưởng thành từng bước.
(Trích lời Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lương Văn Hận - nguyên Bí thư huyện Bắc Tam Kỳ)

Hai bệnh xá ấy đứng ở mặt trước chiến trường, luôn bị địch rình rập, lùng sục, đánh phá không lúc nào ngơi. Do đó phải di chuyển nhiều nơi. Bệnh xá Bắc Tam Kỳ đầu tiên đóng ở khu rừng già Núi Chúa, xã Kỳ Long, rồi di chuyển đến thôn 7, xã Kỳ Quế, núi Lớn, núi Lở, Bông Miêu An Lâu, Dương Bùi thuộc dãy Dương Huê, sau đó đến thôn Tư xã Tam Phước (nay là xã Tam Lộc). Nhưng nơi mà Bệnh xá Bắc Tam Kỳ đã trụ bám lâu nhất và cứu chữa được nhiều bệnh nhân nhất là ở thôn 7 xã Kỳ Quế, nay gọi làng Tiểu Tây xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh. Chính nơi này ngày nay, chúng tôi xây dựng khu nhà bia tưởng niệm bệnh xá nhằm tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp của Tổ quốc và sự nghiệp của ngành y tế phục vụ cứu chữa thương bệnh binh.

Bệnh xá thị xã Tam Kỳ cũng là một bệnh xá nằm ở mặt trước chiến trường, nằm giáp ranh giữa ta và địch, cũng là một bệnh xá đứng đầu sóng ngọn gió, chịu đựng nhiều hy sinh gian khổ ác liệt, phục vụ cứu chữa cán bộ, đội công tác và đồng bào sống ở vùng ven. Tuy ra đời sau, bệnh xá chính thức thành lập năm 1968, có 25 giường bệnh, nhiệm vụ chủ yếu của bệnh xá là phục vụ mặt trận thị xã: Do địch đánh phá nên bệnh xá cũng di chuyển đi nhiều nơi như, Kỳ Trà, Kỳ Yên thuộc Nam Tam Kỳ, rồi Dương Yên thuộc Trà My, Kỳ Sơn Bắc Tam Kỳ, nhưng thời gian bệnh xá trụ bám lâu nhất là dưới chân đèo Đá Én thuộc làng Danh Sơn (nay thuộc xã Tam Sơn, huyện Núi Thành). Các đồng chí lãnh đạo bệnh xá thị xã của chiến trường xưa đã để lại cho đồng chí, đồng nghiệp và thương bệnh nhân nhiều tình cảm rất tốt đẹp, đối với các đồng chí bệnh xá trưởng: y sĩ Lê Đình Cư (Bệnh xá trưởng đầu tiên) rồi bác sĩ Nguyên Kim Cúc, y sĩ Vũ Thị Thanh Lan (tất cả đều ở Bắc tình nguyện vào Nam công tác). Đồng chí Nguyễn Minh Thắng, đồng chí Bùi Nhàn thay nhau làm chính trị viên góp phần làm cho bệnh xá vượt khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy chiến trường đã lùi xa 40 năm, nhưng đó là những hình ảnh rất đẹp và đáng nhớ về bệnh xá của chiến trường, bệnh xá thời máu lửa. Nhớ lại để tự hào, nhớ lại để sẻ chia với đồng chí đồng nghiệp, nhớ để tăng thêm sức sống cho hôm nay và mai sau, nhớ để tri ân những đồng nghiệp đã ngã xuống hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp của người thầy thuốc! “Khải hoàn chói sáng hôm nay/ Ai ơi nhớ đến những ngày hôm qua!”.

Bs. NGUYỄN VĂN LÝ
(Nguyên Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - Đà Nẵng)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
50 năm Bệnh xá Tam Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO