Từ nhà tù Phú Quốc, bằng lòng dũng cảm và sự mưu trí, có một cuộc đào thoát trở thành huyền thoại tranh đấu của những người tù cộng sản yêu nước. Chúng tôi may mắn gặp cựu binh Lê Văn Kiệm (SN 1949, ở thôn Tân Thọ, xã Duy Châu, Duy Xuyên), nhân chứng sống của cuộc vượt ngục lịch sử.
Đào hầm trong lòng đại lao
Đào hầm vượt ngục ở Phú Quốc giống như một trận đánh, giáng đòn mạnh vào hệ thống huyệt tù của Mỹ - ngụy. Ngoài sự dũng cảm, đó còn là mưu trí của chiến sĩ cách mạng, tiếp tục góp phần thắp lên ngọn lửa tranh đấu trong lòng trại giam của địch. Đã 50 năm sau dấu son ấy, câu chuyện được cựu tù Lê Văn Kiệm kể lại nhiều lần, nhưng lần nào cũng vẹn nguyên xúc cảm thiêng liêng tình đồng đội.
Ông Lê Văn Kiệm tham gia cách mạng khi mới 14 tuổi. Cha hy sinh khi ông còn đang trong bụng mẹ. Thời niên thiếu, ông đã lên căn cứ Hòn Tàu, được đào tạo lớp y tá cứu thương rồi tham gia hoạt động cách mạng.
Suốt những năm tháng ác liệt của cuộc chiến, ông làm nhiệm vụ cứu thương, tiếp dẫn bộ đội, dân công, sơ cứu biết bao thương binh ở chiến trường. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến sự diễn ra càng ác liệt.
Đầu tháng 1/1969, ông Kiệm bị thương sau một trận bom, bị địch bắt và đưa ra Đà Nẵng để điều trị. Hết 7 ngày nằm viện, ông chỉ nhận là du kích địa phương. Không khai thác được gì, địch đưa ông xuống trại giam Non Nước rồi đưa ra Phú Quốc.
“Vào tù không lâu, tôi được đưa về phân khu A5 của trại giam Cây Dừa (một trong những tên gọi của nhà tù Phú Quốc - PV). Phân khu có sức chứa lên đến 1.000 người.
Anh em bắt đầu củng cố tổ chức đảng, tôi được bầu làm Bí thư Chi bộ ở phòng số 7, trong tổng số 9 phòng giam ở phân khu A5. Trong phòng có gần 100 người, rất chật chội. Mùa lạnh, anh em co ro ôm lấy nhau để ủ ấm. Một ý nghĩ táo bạo được đưa ra: vượt ngục” - ông Kiệm kể lại.
Nhiều phương án được tính đến. Xung quanh nhà lao có đến 10 lớp rào, nhiều bãi mìn bố trí phức tạp, việc lợi dụng đêm tối để băng rào vượt ngục khó khả thi. Anh em lại bàn nhau lợi dụng việc đi lấy củi để đánh quân cảnh, tìm cách trốn vào rừng, song nhiều lần kế hoạch thất bại, địch bắt giữ trở lại, tra tấn dã man. Những đảng viên trung kiên trong tù tính tới phương án khác: đào hầm vượt ngục.
“Đào hầm vượt ngục là việc lâu dài, phức tạp. Nếu thắng lợi, lực lượng trong tù đi ra sẽ đông và an toàn. Chúng tôi lập ban lãnh đạo đào đường hầm gồm anh Thuần (quê Nghệ An làm trưởng ban, anh Thắng là phó ban và 20 đồng chí làm bảo vệ, canh giữ miệng hầm.
Rồi giao anh Ngô Đình Hải (người Điện Bàn) phụ trách tổ đào hầm. Anh em nhượng cơm, nhượng muối cho lực lượng đào hầm để có sức khỏe thực hiện tốt công việc” - ông Kiệm kể.
Sau khi tính toán kỹ lưỡng khoảng cách đường hầm, ban chỉ đạo quyết định chọn một điểm giữa phòng số 7 và phòng số 8 để mở miệng hầm. Trước khi đào, những người tù lấy ván gỗ làm sẵn một cái khuôn, tựa như nắp hầm công sự.
Đầu tháng 1/1971, sau ca điểm danh đầu tiên trong ngày của giám thị trại, nhóm đầu tiên gồm 3 người bắt đầu mở miệng hầm. Từ miệng hầm, phải đào thẳng đứng sâu xuống 2,5m. Sau đó, từ vị trí này đào rộng ra mỗi bề chừng 5m, thời gian dự tính mất chừng 3 tháng.
“Lúc nào cũng phải có người canh giữ. Tổ canh giữ gồm 4 người, phải giữ lời thề chịu trách nhiệm nếu đường hầm bị lộ. Chúng tôi như những kỹ sư, tự nghiên cứu, tự làm. Từ miệng hầm đến khu nhà tắm dài chừng 50m, phải đi qua đó để lấy không khí. Đường hầm sâu chừng 1m đến 1,5m để tránh quân cảnh nghi ngờ, xăm kiếm hầm.
Cứ đào từ 10m đến 15m thì dùng cây sắt bùng nhùng đập thẳng để dùi lỗ thông hơi phía trần hầm. Trên mặt đất, sẽ có người làm dấu và ngụy trang. Lỗ thông hơi này cũng là cơ sở để định hướng đường hầm.
Cứ sau 3 ngày, chúng tôi lại kiểm tra độ thẳng đường hầm một lần. Ở dưới đất khá tối, vậy là anh em đổ nước vào cái ca mang theo xuống hầm, nếu nước nghiêng về phía trước tức là đường hầm đã đi xuống, phải đào chệch lên” - ông Kiệm nhớ lại.
Đào thoát thành công
Điều khó nhất khi đào hầm là tìm cách giấu đất. Nhiệm vụ “khó nhằn” này được giao cho ông Kiệm. Nếu nén, dầm đất thì chỉ giấu được lượng nhỏ. Sau cùng, những người tù nghĩ ra cách giả vờ tổ chức tranh đấu ra yêu sách đề nghị cho khu A5 đào hai hố đất để lấy nước tắm cho tù binh.
Đấu tranh suốt một tuần, yêu sách mới được chấp nhận. Thế là đất đào hầm được đưa đến nhập chung vào đất đào hố lấy nước, lấp vào những hầm nhỏ khác do tù chính trị đào để giấu đàn, giấu sách vở.
“Anh em còn dùng vải nhà binh buộc từng túi đất sau đó giao cho anh em khác tiếp sức đi giấu, phân tán nhiều nơi, bỏ cả vào thùng phuy chứa chất thải. Suốt 5 tháng ròng, đường hầm dài khoảng 120m hoàn thành. Ban chỉ đạo sau khi cân nhắc, quyết định tổ chức vượt ngục cho 28 người tiêu biểu, đủ thành phần, vùng miền” - ông Kiệm kể.
Khoảng 8 giờ tối 12/5/1971, những tù chính trị được chọn vượt ngục chia thành từng nhóm lần lượt xuống hầm. Đến 10 giờ đêm, nhóm đầu tiên gồm ông Kiệm và 3 người của tổ trinh sát đến cuối đường hầm và bắt đầu mở miệng hầm đi lên.
Nhưng điểm này gặp phải một tấm bửng sắt nên phải tốn nhiều công sức nhóm mới thông được miệng hầm chui lên. Đến 12 giờ đêm, toán ông Kiệm mới lên khỏi hầm, nhưng chờ khá lâu vẫn chưa thấy tổ thứ hai lên khỏi hầm.
Sau này, ông Kiệm mới biết do đồng chí Định (người Nam Định) khổ người to lớn lại bị kiệt sức kẹt lại giữa hầm, anh em phải đào cái ngách đưa đồng chí Định lách qua nằm tạm, sau đó từng người một lách qua. Cuối cùng 27 người ra khỏi miệng hầm an toàn, nhưng quần áo, cơm khô và một số thuốc chữa bệnh thông thường bị rớt lại.
Nhóm tù chính trị vượt ngục sau khi qua sông Cầu Sấu, đi đến Suối Đá - Dương Tơ thì bị lạc. Họ băng qua nổng tranh, vượt lên núi Hòn Ninh lúc 6 giờ sáng. Lúc này vụ việc đã bị phát hiện, địch đổ quân dưới chân núi lùng sục, truy tìm, cả đoàn phải trú ẩn trong núi, ăn dâu rừng, quả cây dại, uống nước suối.
Cầm cự suốt 7 ngày, đoàn vượt ngục mới tìm được một rẫy mì của du kích xã Dương Tơ. Quần áo đã rách hết, anh em được phát cho một tấm khăn rằn của du kích, quấn quanh người rồi được du kích đưa về căn cứ đặc khu.
[VIDEO] - Ông Kiệm kể lại quá trình vượt ngục gian nan của mình và đồng đội
“Chúng tôi như trở về từ cõi chết. Về với đặc khu, tôi được tổ chức phân công tại trung đội pháo binh phòng không thuộc Huyện đội Phú Quốc, sau đó làm khẩu đội phó phụ trách đại liên.
Chúng tôi tham gia đánh trận tập kích vào sân bay Dương Đông. Đến đầu năm 1972, Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam cho tàu ra căn cứ đón 120 tù chính trị Phú Quốc vượt ngục (trong nhiều lần, bằng nhiều hình thức) để về đất liền. Tôi được phân công tại Văn phòng Tỉnh ủy Long Châu Hà (tức tỉnh An Giang), cho đến sau giải phóng mới trở về” - ông Kiệm nói.
Trôi qua trong đôi mắt đã hằn dấu thời gian của ông Kiệm là khoảng lặng dài. Hình như, những nổi nênh của cuộc đời sau 50 năm vẫn không thể làm phai nhạt từng chi tiết, từng hình ảnh đã khắc sâu tâm khảm về cuộc vượt ngục huyền thoại của những người tù với ông ngày đó.
Nhiều người đã mất. Ông cũng không còn nhiều dịp gặp lại những đồng đội cùng nằm chung đường hầm, cùng vắt kiệt sức lực và trí não trong cuộc đấu trí, đấu sức suốt gần 5 tháng trời để đào đường hầm ngay giữa lòng trại giam của địch.
Câu chuyện đã được kể đi kể lại nhiều lần, nhưng vẫn vẹn nguyên cảm xúc rưng rưng. Những ngày xa, luôn khắc sâu tiềm thức...
-------------------------
Bài cuối: Hẹn cuộc trùng phùng
Cuộc trùng phùng sau 50 năm được chờ đợi đến nghẹn lòng, mang theo ký ức của ngày chiến thắng.