50 năm Đặc khu ủy Quảng Đà: Dấu son để lại (kỳ 1)

THÀNH CÔNG 16/10/2017 09:41

Nửa thế kỷ trước, đặc khu Quảng Đà ra đời, gắn liền với hoạt động của Đặc khu ủy Quảng Đà trên dãy núi Hòn Tàu những năm tháng sau đó. Giữa cam go của cuộc chiến, bao mệnh lệnh được phát đi từ căn cứ này đã góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử đưa quê hương đi đến ngày giải phóng.

 Nhà bia khu căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà trên núi Hòn Tàu. Ảnh: T.C
Nhà bia khu căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà trên núi Hòn Tàu. Ảnh: T.C

KỲ 1: VỚI HÒN TÀU HUYỀN THOẠI

Tháng 10.1967, Khu ủy 5 quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và TP.Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Việc thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà là vấn đề có tính chiến lược nhằm kết hợp chặt chẽ, phát huy cao độ sự hỗ trợ của 3 vùng chiến lược, giữa 3 thứ quân và 3 mũi giáp công.

Lựa chọn lịch sử

Nửa thế kỷ trôi qua như chớp mắt. Thời gian lấy đi sức khỏe của biết bao người cán bộ, chiến sĩ thời ấy. Nhưng phần ký ức về địa danh Hòn Tàu, lạ thay, lại như một báu vật được gìn giữ khá vẹn nguyên trong trí nhớ của không ít người trong số họ. Tôi tìm gặp Đại tá Lê Công Thạnh - nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà. Trong căn nhà nằm trên đường Phan Bội Châu, TP.Đà Nẵng, ông kể cho tôi nghe về Hòn Tàu, say mê như một người kể về quê hương nơi mình lớn lên. Không cần tài liệu, sách vở, những mốc thời gian như đóng đinh trong đầu, cứ thế lần lượt bật ra theo dòng hồi ức. “Đặc khu Quảng Đà là đặc khu thứ hai thời đó, sau Gia Định (Sài Gòn). Sự ra đời của đặc khu và những lãnh đạo, chỉ đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà quyết định đến tình hình cách mạng ở địa phương thời đó. Kết hợp 3 vùng chiến lược, 3 mũi giáp công, cùng với những lợi thế của địa hình, là điều kiện không thể thích hợp hơn để chọn Hòn Tàu làm nơi đóng chân. Mà không chỉ đặc khu ủy, đó còn là chỗ dung trú cho biết bao đơn vị, lực lượng trong suốt những năm tháng ác liệt cuối cùng của cuộc kháng chiến giành độc lập” - ông Thạnh hồi tưởng.

“Từ Hòn Tàu, một niềm tin được gieo xuống trong lòng dân. Suốt những năm tháng ấy, dân một lòng ủng hộ, chở che, giúp đỡ cho cách mạng. Dù qua nhiều lần di chuyển khắp Hòn Tàu, nhưng nơi đóng chân của Đặc khu ủy Quảng Đà luôn giữ bí mật tuyệt đối, nhờ dân, nhờ sự trung thành của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng”. (Đại tá Lê Công Thạnh - nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà)

Nhắc đến Hòn Tàu, với ông Trần Thận - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà - như nhắc về mái nhà xưa. Nơi đó, có những dấu mốc thời gian không phai mờ. Năm 1967, Đặc khu ủy Quảng Đà thành lập, ông Trần Thận là Phó Bí thư Đặc khu ủy. Đến năm 1971, khi cách mạng liên tiếp giành nhiều thắng lợi trên các chiến trường, hội nghị Đặc khu ủy đã quyết định chuyển cơ quan, đơn vị của đặc khu xuống Hòn Tàu. Đây cũng là giai đoạn ông Thận giữ chức Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà. Dãy núi chỉ chừng 100 cây số vuông, nhưng với đặc thù về địa hình, địa chất, đã trở thành một cứ địa đặc biệt vững chắc. “Có thời điểm, Hòn Tàu chứa gần 10.000 người, bao gồm các đơn vị, lực lượng bộ đội đóng chân, là nơi sinh hoạt, hội họp cho các cán bộ chủ chốt của đặc khu. Từ Hòn Tàu, có thể xuôi xuống Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, hay ngược lên Hiệp Đức, Đại Lộc, qua Hòa Vang..., là căn cứ gần Đà Nẵng nhất, sẵn sàng theo dõi, nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo, tổ chức các hoạt động đấu tranh. Địch biết, thậm chí biết rõ căn cứ Đặc khu ủy ở nơi này, nhưng suốt bao nhiêu năm đánh phá, tìm đủ mọi cách từ pháo kích, ném bom, thả biệt kích càn… căn cứ vẫn vững vàng” - ông Trần Thận kể. Trong căn phòng nhỏ ở Bệnh viện C Đà Nẵng, nơi ông đang chữa bệnh tuổi già, những hồi ức được lần giở qua từng cái tên thân thuộc: Mặt Rạng, đồi Lon, Cù Hang… - cũng là nơi mà bao người đồng chí, đồng đội của ông đã cùng tựa vai nhau chia sẻ những gian khó, hiểm nguy giữa cuộc chiến, nuôi ý chí và niềm tin thắng lợi…

Cứ địa của niềm tin

Phục dựng khu di tích lịch sử Đặc khu ủy Quảng Đà

Năm 2012, Di tích lịch sử văn hóa Đặc khu ủy Quảng Đà (căn cứ Hòn Tàu), đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Năm 2015, chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã thống nhất dự án trùng tu, bảo tồn và phục dựng Khu di tích Hòn Tàu. Dự án bảo tồn Khu di tích lịch sử Đặc khu ủy Quảng Đà tại khu vực núi Hòn Tàu được triển khai xây dựng vào cuối năm 2015 với tổng kinh phí xấp xỉ 50 tỷ đồng, do ngân sách tỉnh Quảng Nam đầu tư và UBND TP.Đà Nẵng hỗ trợ một phần. Dự án gồm các hợp phần chính như mở rộng, bê tông hóa tuyến đường đấu nối với tuyến ĐH8 của huyện Duy Xuyên vào khu di tích; nhà bia tưởng niệm; nhà đón tiếp, trưng bày; phục dựng nhà ở, nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà và nhiều hạng mục quan trọng khác. Hiện tại, dự án đã hoàn thành nhiều hạng mục cơ bản, sẵn sàng phục vụ khách tham quan vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà (1967-2017) sắp tới.

Đại tá Lê Công Thạnh nói, hơn hết, Hòn Tàu chính là một căn cứ của niềm tin. Bởi, sự vững chắc của Đặc khu ủy trong suốt thời gian chiến đấu, hoạt động ở Hòn Tàu đã tiếp sức cho bao thắng lợi khắp quê hương Quảng Đà ngày ấy. Không phải chỉ đơn thuần là nơi ẩn nấp, Hòn Tàu cũng là cứ địa để nuôi dưỡng, tích lũy lực lượng cách mạng, từ đó kiên trì đấu tranh. “Sự kỳ diệu của Hòn Tàu đúng như một câu trong thơ Tố Hữu: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Bao lần địch rải chất độc hóa học, ném bom, núi đồi vẫn xanh, Đặc khu ủy, các lực lượng vẫn an toàn trong hang núi mặc cho địch đánh phá dữ dội. Nhưng quan trọng hơn cả, là từ Hòn Tàu, một niềm tin được gieo xuống trong lòng dân, nhất là người dân ở vùng lân cận. Suốt những năm tháng ấy, dân một lòng ủng hộ, chở che, giúp đỡ cho cách mạng. Bao tuyến đường huyết mạch, đường liên lạc, vận chuyển lương thực được giữ. Dù qua nhiều lần di chuyển khắp Hòn Tàu, nhưng nơi đóng chân của Đặc khu ủy luôn giữ bí mật tuyệt đối, nhờ dân, nhờ sự trung thành của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng” - Đại tá Lê Công Thạnh nhấn mạnh.
Từ căn cứ Hòn Tàu, nhiều cuộc đấu tranh được lãnh đạo, chỉ đạo giành thắng lợi lớn. Vị trí đắc địa của nơi này giúp cho hoạt động chỉ đạo từ Đặc khu ủy kịp thời, chính xác, bám sát tình hình địa phương. Đồng thời cơ sở cách mạng dễ dàng tiếp cận, xin ý kiến chỉ đạo của thường vụ Đặc khu ủy trong những trường hợp kíp cần. Đặc biệt, từ Hòn Tàu, Đặc khu ủy cũng giữ vững liên lạc với Khu ủy 5, từ đó tổ chức tốt phong trào đấu tranh. Ông Phạm Thanh Ba - nguyên Chánh văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà chia sẻ, với địa thế tích hợp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Hòn Tàu là nơi đóng chân lâu nhất của Tỉnh ủy và Đặc khu ủy trong kháng chiến. “Từ Hòn Tàu, hai sự kiện quan trọng được Đặc khu ủy lãnh đạo đấu tranh giành thắng lợi. Đó là cuộc chiến đấu giữ đất, giành dân, tập trung xây dựng lực lượng đánh bại âm mưu bình định lấn chiếm của địch, xây dựng vùng giải phóng thành hậu cứ vững chắc để chuyển qua thế tiến công chiến lược. Chiến thắng Thượng Đức năm 1974 là dấu mốc quan trọng của cách mạng, góp phần làm xoay chuyển cục diện đấu tranh. Đặc biệt, từ Hòn Tàu, Đặc khu ủy đã họp quán triệt mệnh lệnh của Khu ủy 5, đồng thời thảo luận kế hoạch tấn công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng. Ngày 28.3.1975, toàn bộ cơ quan của Đặc khu ủy và các ban, ngành tiến về Đà Nẵng, và chỉ một ngày sau, thành phố hoàn toàn được giải phóng” - ông Phạm Thanh Ba nhớ lại.

Chặng đường giành thắng lợi ghi dấu không ít hy sinh. Đã có bao người cán bộ, chiến sĩ ngã xuống trên núi Hòn Tàu sau bao cuộc đánh phá ác liệt của địch. Nhưng căn cứ vẫn vững. Vững lực lượng, vững bí mật, vững niềm tin. Từ đó, ngọn lửa chiến đấu vẫn cháy, lan tỏa bằng bao chiến thắng rực rỡ của quân và dân Quảng Đà suốt những năm tháng đạn bom để đi đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.

-------------------
Kỳ 2: Dìu dắt lực  lượng an ninh

THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
50 năm Đặc khu ủy Quảng Đà: Dấu son để lại (kỳ 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO