50 năm Đặc khu ủy Quảng Đà: Dấu son để lại (kỳ 2)

QUỐC TUẤN - THÀNH CÔNG 17/10/2017 09:13

KỲ 2: DÌU DẮT LỰC LƯỢNG AN NINH

Từ một lực lượng non trẻ, “sinh sau đẻ muộn”, dưới sự lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà, đội ngũ cán bộ an ninh Quảng Đà đã lập nhiều chiến công xuất sắc và góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương.

Tin liên quan

  • 50 năm Đặc khu ủy Quảng Đà: Dấu son để lại (kỳ 1)
Hội thảo khoa học “Vai trò Đặc khu ủy Quảng Đà đối với phong trào cách mạng Quảng Đà” tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: QUỐC TUẤN
Hội thảo khoa học “Vai trò Đặc khu ủy Quảng Đà đối với phong trào cách mạng Quảng Đà” tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: QUỐC TUẤN

Ra đời năm 1961 trước yêu cầu mới về công tác đánh địch bảo vệ phong trào cách mạng, Ban an ninh Quảng Nam - Đà Nẵng (ban đầu có tên Ban bảo vệ) lúc đó chỉ có 35 cán bộ, chiến sĩ đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ an ninh tỉnh. Đến cuối năm 1967, do tình hình chiến trường miền Nam có nhiều đột biến phức tạp, Khu ủy Khu 5 quyết định sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Đà thành Đặc khu ủy Quảng Đà. Cùng với đó Ban an ninh của hai địa phương cũng được sáp nhập thành Ban an ninh Đặc khu Quảng Đà. Lúc này, Ban an ninh Đặc khu Quảng Đà đã có những bước phát triển mạnh mẽ khi thành lập nhiều bộ phận như văn phòng, cơ yếu điện đài (B1), bảo vệ chính trị (B2), điệp báo (B3), bảo vệ nội bộ (B4), chấp pháp (B5)…

Vừa đánh, vừa học

Thượng tướng Lê Thế Tiệm - nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, xuất thân là cán bộ an ninh Đặc khu Quảng Đà. Trong hồi ức của ông, đội ngũ cán bộ của lực lượng an ninh Đặc khu Quảng Đà thời điểm đó đa số được tuyển lựa từ phong trào cách mạng rất dũng cảm nhưng chưa được trang bị nghiệp vụ. Trong khi đó, lực lượng chi viện từ Bộ Công an lại không thông thạo địa bàn, không am hiểu phong tục tập quán của người dân địa phương dẫn đến lúng túng trong việc bám đất, bám dân. Để khắc phục điểm yếu này, Ban an ninh Đặc khu Quảng Đà đã nghiêm túc quán triệt tinh thần “vừa làm, vừa học; cần gì học nấy” dưới sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà. Kết quả của quyết tâm ấy, là hơn 1.500 lượt cán bộ an ninh cấp cơ sở được bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ với giáo trình tài liệu của Trường Công an Trung ương, Trường An ninh Khu 5 kết hợp với kinh nghiệm thực tế trên chiến trường. Tính riêng từ năm 1967 đến năm 1975, đã có hàng trăm cán bộ chủ chốt của các bộ phận và huyện, thị xã đi dự huấn luyện, bồi dưỡng tại Trường An ninh Khu 5.

Nhiều lần, nhờ sự nhanh trí, dũng cảm của lực lượng an ninh mà cán bộ cấp cao của đặc khu được an toàn, không bị lộ bí mật. Thời đó, ở Quảng Đà, cuộc chiến khốc liệt đến độ ông Hồ Nghinh thường nói vui rằng ai chiến đấu ở trên đất Quảng Đà này đủ 7 ngày là có thể phong anh hùng rồi. Vậy mà anh em đã cùng nhau sát cánh vượt qua mọi khó khăn, kể cả nhiều thời khắc sinh tử, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù”. (Nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà - Trần Thận)

Với khẩu hiệu chỉ đạo “bám sát thắt lưng Mỹ mà đánh, nhảy lên đầu ngụy mà diệt”, “một tấc không đi, một ly không rời” từ các đợt học tập nghị quyết do Đặc khu ủy Quảng Đà tổ chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng an ninh của đặc khu đã thấm nhuần tư tưởng “những lúc khó khăn, cán bộ lãnh đạo phải gần dân để tạo niềm tin cho cán bộ cơ sở và nhân dân”. Các phong trào “tự quản, tự phòng”, “bảo mật phòng gian” được triển khai với mạng lưới cơ sở làm nòng cốt trên toàn đặc khu đã giúp người dân vững tin trong việc bám đất, giữ làng khi trừng trị nhiều thành phần ác ôn, nợ máu với nhân dân và cách mạng.

Đại tá Lê Công Thạnh - nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà kể, trong công tác phòng ngự, giữ vững căn cứ, có không ít công lao của lực lượng an ninh. Địch liên tục sử dụng lực lượng đánh phá nhưng đều bị ta đánh bật lại. Có thời điểm, chúng thay đổi chiến thuật, dùng trực thăng thả biệt kích từ trên đỉnh đồi; cán bộ, chiến sĩ của ta đều nắm được, bám từng mỏm đá mà đánh, giữ vững căn cứ ngay từ vòng ngoài. Mạng lưới cơ sở của cách mạng ở trong dân luôn được duy trì. Riêng các tuyến đường giao thông liên lạc huyết mạch đi các địa bàn trọng điểm như Điện Hồng, Điện Thọ, Hòa Tiến, xuống Hội An, vùng đông Duy Xuyên… đều được giữ. Sự lớn mạnh của lực lượng an ninh cũng từ đó được củng cố, giúp chủ động nắm tình hình, bám dân, phát triển cơ sở cách mạng.

Như một gia đình

Với sự lãnh đạo sát sao của An ninh Khu 5 và sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà, cán bộ chiến sĩ Ban an ninh Quảng Đà đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đặc khu ủy, căn cứ địa cách mạng, thâm nhập vào cơ quan an ninh của địch và giáng cho kẻ thù những đòn đích đáng. Trận chiến khốc liệt và đáng nhớ nhất của lực lượng an ninh Đặc khu Quảng Đà diễn ra ngay tại căn cứ đầu não của Đặc khu ủy Quảng Đà ở Hòn Tàu. Do sự chỉ điểm của một cán bộ sa vào tay địch, tháng 10.1971, quân Mỹ phối hợp với lính Việt Nam cộng hòa đổ quân bằng trực thăng vây kín căn cứ đóng ở Khe Dâu - Cần Kè nhằm triệt tiêu cơ quan đầu não của Đặc khu ủy Quảng Đà. Với quyết tâm bảo vệ bằng được lãnh đạo và căn cứ, hai đại đội an ninh C111 và C113 của Ban an ninh Quảng Đà đã dũng cảm cầm cự trong nhiều giờ liền để chờ trời tối mở đường máu đưa lãnh đạo đặc khu và hàng nghìn cán bộ, người dân lui về nơi an toàn.

Thượng tướng Lê Thế Tiệm - nguyên cán bộ Ban an ninh Đặc khu Quảng Đà chia sẻ kỷ niệm một thời ở đặc khu. Ảnh: Q.TUẤN
Thượng tướng Lê Thế Tiệm - nguyên cán bộ Ban an ninh Đặc khu Quảng Đà chia sẻ kỷ niệm một thời ở đặc khu. Ảnh: Q.TUẤN

Luôn cận kề nhau trong những giờ khắc nguy nan nhất, lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà đã dành cho cán bộ, chiến sĩ Ban an ninh tình cảm đặc biệt, ngược lại cán bộ, chiến sĩ của đơn vị cũng sẵn sàng quyết tử để bảo vệ cán bộ lãnh đạo Đặc khu ủy. Thượng tướng Lê Thế Tiệm hồi tưởng, trong một lần chiến đấu tại xã Điện Hồng (Điện Bàn), do địch càn quét đánh phá quá ác liệt, một số anh em trong Ban an ninh định dỡ mái ngôi nhà để tránh thiệt hại. Thời điểm đó Bí thư Đặc khu ủy Hồ Nghinh đi ngang qua có ý không đồng tình, vì cho rằng làm như thế anh em lấy đâu chỗ trú ẩn dưới trời mưa to để đảm bảo sức khỏe mà chiến đấu. Hay như một câu chuyện khác được ông Trần Thận - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà chia sẻ, trong một lần về công tác ở Điện Bàn, bị địch vây ráp, ông cùng đồng chí Hồ Nghinh và một chiến sĩ cảnh vệ phải nấp xuống hầm bí mật. Địch cho người canh giữ, biết khó có thể thoát ra đường cũ, 3 người bàn nhau moi đất bằng tay, mở ngách hầm thoát ra khỏi vòng vây của địch. Người chiến sĩ cảnh vệ sau đó còn quay ngược trở lại để lấy cho bằng được xấp tài liệu quan trọng bị rớt lại trong hầm.

Những ngày tấn công giải phóng Đà Nẵng, dấu chân của lực lượng an ninh Quảng Đà cũng in đậm trong thời khắc trọng đại của quê hương. Hơn 180 cán bộ, chiến sĩ Ban an ninh cùng sát cánh với các lực lượng chiếm lĩnh nhiều mục tiêu trọng yếu của địch ở Đà Nẵng như đài phát thanh, Nha cảnh sát Vùng 1, tòa thị chính, lãnh sự quán Mỹ… Truyền thống được viết tiếp bằng bao câu chuyện hào hùng của lực lượng an ninh sau khi quê hương giải phóng. Các cơ quan của Khu 5, của Đặc khu Quảng Đà được bảo vệ nghiêm ngặt trong quá trình di dời về vùng giải phóng. Việc nắm tình hình, tiến hành đăng ký khai báo trình diện, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ hàng chục nghìn người dân về quê sản xuất, ổn định cuộc sống trong thời điểm còn rối ren được cấp trên đặt trọng trách cho lực lượng an ninh. Lặng lẽ và cần mẫn, “cánh tay an ninh” của đặc khu vẫn đắc lực phục vụ cho cách mạng, nối dài thêm truyền thống của một lực lượng anh hùng…

____
Kỳ 3: “Biến hóa” trong đấu tranh chính trị

QUỐC TUẤN - THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
50 năm Đặc khu ủy Quảng Đà: Dấu son để lại (kỳ 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO