KỲ 4: BẺ GÃY Ý ĐỒ BÌNH ĐỊNH CỦA ĐỊCH
Từ sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, chính quyền Việt Nam cộng hòa điên cuồng triển khai các kế hoạch bình định, lấn chiếm với mưu đồ lấn đất, dồn dân triệt tiêu cơ sở vững chắc của cách mạng. Nhưng với sự sáng suốt trong lãnh đạo đấu tranh của Đặc khu ủy Quảng Đà, ý đồ bình định của địch đã bị bẻ gãy.
|
Đường vào khu căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà. Ảnh: T.C |
Chủ động ứng phó
Với các chiến dịch càn quét liên tiếp quy mô lớn và tàn bạo, đến thời điểm cuối năm 1969, trên toàn mặt trận Quảng Đà có 353/441 thôn hoàn toàn bị san bằng, đại bộ phận nhân dân bị dồn trở lại vào vùng địch kiểm soát khiến nhiều vùng giáp ranh, ven đô hầu như mất đất, trắng dân. Trước tình hình nguy cấp trên, tháng 11.1969, Đặc khu ủy Quảng Đà tổ chức Hội nghị lần thứ 5 và ra nghị quyết nhấn mạnh: “Chống bình định là sự nghiệp của quần chúng. Các đảng bộ và cơ quan lãnh đạo các cấp phải tin quần chúng, dựa vào quần chúng, phát huy sức mạnh tiềm tàng và vô địch của quần chúng, tổ chức lãnh đạo quần chúng đoàn kết đấu tranh quyết liệt với địch bằng phương châm “hai chân, ba mũi giáp công” thì mới giành thắng lợi”.
Theo tài liệu nghiên cứu của thạc sĩ Phạm Mạnh Hùng - Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, tình hình ở mặt trận Quảng Đà lúc đó gian nan đến mức vào thời điểm năm 1970 Đặc khu ủy Quảng Đà phải ra chủ trương điều động 20% biên chế ở các cơ quan, đơn vị thành lập bộ phận sản xuất để giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực nghiêm trọng. Qua chủ trương quán triệt của Đặc khu ủy, từ cán bộ, bộ đội đến du kích địa phương lúc này thường xuyên thâm nhập các khu dồn của địch để động viên tư tưởng cho đồng bào đấu tranh về làng cũ làm ăn sản xuất. Đặc khu ủy Quảng Đà còn phát động cán bộ, đảng viên thực hiện “9 ruột” (cha, mẹ, vợ, con, chú, bác, anh, chị, em) về vùng giải phóng, bám trụ làm ăn, tham gia cách mạng để làm gương cho nhân dân vững tâm noi theo.
Đầu tháng 4.1970, Đặc khu ủy Quảng Đà chủ trương mở chiến dịch tiêu diệt ác ôn, bình định nhân thời điểm quân chủ lực của chính quyền Việt Nam cộng hòa sa lầy ở các mặt trận khác. Bên cạnh đẩy mạnh tác chiến vào bên trong Đà Nẵng, Đặc khu ủy Quảng Đà cũng đặc biệt quan tâm đến phong trào ở miền núi để mở rộng và đảm bảo an toàn cho vùng căn cứ cách mạng. Đến năm 1971, chiến dịch xuân hè tiếp tục được mở ra khiến địch thiệt hại nặng giúp lực lượng cách mạng giành lại thế chủ động trên chiến trường mà kết quả rõ nét nhất chính là việc 25 khu dồn dân bị phá vỡ, khoảng 3.000 người dân được về lại vùng giải phóng.
Bẻ gãy sự lật lọng
Sự thắng thế liên tiếp ở mọi phương pháp đấu tranh trên mặt trận Quảng Đà đã khiến địch nao núng và bị động. Hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1.1973 càng giúp tăng thêm niềm tin về việc hòa bình sẽ được lập lại trên quê hương. Tuy nhiên, không lâu sau khi Hiệp định Paris được ký kết, địch ngang nhiên lật lọng phá vỡ hiệp định. Do nhận thấy sự thất thế trong các điều khoản ở hiệp định có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ Việt Nam cộng hòa nên địch đã đề ra âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” hòng lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Một lần nữa, quân và dân Quảng Đà lại phải đối mặt với kế hoạch lấn chiếm, bình định của địch.
Đại tá Lê Công Thạnh - nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà kể về thời gian hoạt động của Đặc khu ủy Quảng Đà ở Hòn Tàu. Ảnh: T.C |
Chỉ trong thời gian ngắn, địch đã lấn chiếm gần hết vùng giải phóng của ta ở nhiều khu vực như vùng B Đại Lộc, các xã vùng A, B Điện Bàn, khu vực Gò Nổi, khu ven biển Hội An, Duy Xuyên… Địch đóng thêm 41 cứ điểm, lập lại các khu dồn, nối lại một số trục giao thông quan trọng. Diễn ra thực trạng trên là bởi một bộ phận cán bộ, chiến sĩ của ta chủ quan tin tưởng địch sẽ nghiêm túc thực thi Hiệp định Paris và không muốn leo thang, gây căng thẳng. Ông Trần Thận - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà kể lại, điều đặc biệt là ở thời điểm này Khu ủy 5 chỉ thị phải rút hết lực lượng cách mạng ra khỏi Cẩm Thanh (Hội An) để bảo toàn lực lượng, nhưng lãnh đạo Đặc khu ủy đã “chấp nhận bị phê bình” để quyết tâm bám trụ đánh địch, quyết không để Hội An thành vùng trắng. Liền theo đó, Ban Thường vụ Đặc khu ủy phát động đợt chỉnh huấn nội bộ để cảnh giác trước các âm mưu của địch, sẵn sàng đánh trả mọi đợt càn quét, lấn chiếm. Nhờ sự chỉnh huấn kịp thời này, đến tháng 5.1973, đã có hơn 3.000 người dân ở thành phố và khu dồn về lại làng cũ, hơn 2.500 gia đình khác ở thành phố chuyển về nông thôn sản xuất chờ thời cơ ra vùng giải phóng.
Sau đại hội Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà lần thứ IV, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 1973-1974 là phải đánh bại âm mưu lấn chiếm, bình định của địch, giành dân, giữ dân. Ở thời điểm này, quân và dân Quảng Đà bước vào giai đoạn quyết định để đánh tan kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” và âm mưu phá hoại Hiệp định Paris của địch bằng việc thu được hàng loạt thắng lợi trên toàn mặt trận Quảng Đà ở cả đấu tranh chính trị và nhất là quân sự. Nhờ vậy, hàng trăm hàng nghìn người dân ở các vùng Điện Bàn, Thượng Đức, Hội An… được đưa ra vùng giải phóng khiến địch co cụm dần về phía đô thị Đà Nẵng. “Từ năm 1973, lực lượng vũ trang của ta đã bắt đầu bám xuống đồng bằng. Mặt khác, căn cứ vẫn hoạt động vững chắc ở Hòn Tàu, vừa sản xuất, vừa là nơi phòng ngự chắc chắn. Đứng trên đồi Lon nhìn xuống TP.Đà Nẵng, anh em hạ quyết tâm củng cố lực lượng, sẵn sàng tiến quân về thành phố. Đó cũng là tiền đề vững chắc để tháng 3.1975, bộ đội chủ lực kết hợp với quân địa phương nhanh chóng đánh đổ hoàn toàn căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất miền Trung của địch” - Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà, chia sẻ.
Dựa vào sức dân Cánh đồng Trà Lý (nay thuộc thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn, Duy Xuyên) là một trong những địa bàn nơi người dân kiên quyết bám trụ, vừa tự sản xuất, vừa chi viện lương thực cho lực lượng cách mạng phía sau. Địch bố ráp, lập các chốt gác theo dõi, dồn dân về khu Trà Kiệu… nhưng bà con vẫn đi về sản xuất ở cánh đồng Trà Lý. Từ đây, việc báo cáo tình hình, thông tin liên lạc được khéo léo duy trì. Cán bộ, chiến sĩ trà trộn vào người dân đi sản xuất để nắm tình hình. Muối, giấy bút, lương thực thực phẩm được cơ sở của ta mua rồi phân chia, tìm cách che giấu, chuyển lên căn cứ.
Ông Phạm Hữu Phước (thôn Phú Nham Tây, xã Duy Sơn) kể lại, bà con giấu từng chút gạo, chút muối ở bìa ruộng. Đêm xuống, du kích địa phương, dân công tìm cách xuống đồng để nhận, chuyển lên trên Hòn Tàu. “Cái khó nhất là đấu tranh chống dồn dân, kiên quyết bám trụ vừa để sản xuất, vừa làm tai mắt bảo vệ cho cán bộ. Không ít gia đình cùng nhau lên vùng chân núi Hòn Tàu ở lại, mặc cho địch dùng mọi thủ đoạn, từ chiêu hồi dụ dỗ đến khủng bố, đàn áp” - ông Phước kể. (THÀNH CÔNG) |
---------------------
Kỳ cuối: Niềm tự hào mãi mãi
QUỐC TUẤN