Thi thoảng, như hôm nọ ở Khe Sanh, Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) ngồi hầu chuyện với nhân chứng là di dân đời đầu từ dưới xuôi lên làm kinh tế mới từ sau ngày đất nước thống nhất, ghi chép kín sổ tay, vẫn cứ băn khoăn tự hỏi làm sao, sức người, lại có thể biến những cánh rừng bạt ngàn bom đạn năm nào thành những đô thị “vàng” như hôm nay?
Tròn 50 năm, kể từ ngày Khe Sanh giải phóng là cả một đời người. Nhưng 50 năm, có những chuyện kể còn xa hơn cả mấy đời người cộng lại.
Thị trấn Lao Bảo bây giờ nhìn từ trên cao. Ảnh: TƯỜNG MINH |
Ở nơi một đi không trở lại
Ngạc nhiên và thú vị là trong khuôn viên của di tích nhà đày Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) có những cây vông đồng cổ thụ, tuổi đời trên dưới 400 năm. Và chúng có thể coi là những chứng nhân lịch sử của vùng đất này. Bởi cũng tầm đó thời gian, năm 1622, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho lập dinh Ai Lao để trấn giữ một phần bờ cõi phía tây của lãnh thổ Đại Nam. Thực chất, ngoài yếu tố biên cương, đồn trấn ải này còn là một “địa chỉ sân sau” của triều đình. Bởi vùng phên giậu này là nơi khai thác và trao đổi hàng hóa ngược xuôi tấp nập bởi tài nguyên dồi dào của “bên mình” và xứ Ai Lao (Lào) bên kia biên giới. Vậy nên không phải ngẫu nhiên mà ngày chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam, ông đã chọn Ái Tử ở phía hạ du đầu đường 9 ngày nay để làm chốn dừng chân đầu tiên.
Đến năm 1883, vua Minh Mạng hạ chiếu lệnh đắp dinh Ai Lao và đổi tên thành Bảo Trấn Lao với chu vi 90 trượng, cao 6 thước, mở hai cửa có 50 lính đóng quân. Địa điểm lập dinh nằm ngay trên làng Bảo của người Vân Kiều, chỉ vỏn vẹn chục ngôi nhà lụp xụp. Những cây vông đồng mọc tự nhiên bên dinh canh phòng thuở chúa Nguyễn được giữ lại và phát triển thành một “rừng” vông đồng cho đến bây giờ. Và đến năm 1908, người Pháp dựa trên khuôn viên của dinh Bảo Trấn Lao để lập nên nhà tù khét tiếng ở Đông Dương, gọi là nhà đày Lao Bảo. Nhà đày nằm trên khu đất rộng chừng 10ha, biệt lập với các khu vực khác để giam giữ các “Quốc sự phạm” miền Trung – phần lớn là những người yêu nước chống Pháp theo các phong trào Cần vương, Văn thân... Và sau 1929 - 1930, nhà đày được mở rộng để giam tù cộng sản.
Từ những bước chân đầu tiên của đội quân chúa Sãi cho đến khi người Pháp dựng lên đây một nhà đày khét tiếng, Lao Bảo được nhắc đến như một chốn thâm sơn cùng cốc, rừng thiêng nước độc mà con người lỡ đặt chân đến đó thì coi như một đi không trở lại.
Bởi thế, tờ Đông Pháp thời báo số 755 ra ngày 11.8.1928 có bài bàn về “Hai ông Bửu Đình và Hồ Đắc Hiến ở Lao Bảo được dời vô Côn Lôn (Côn Đảo)” của Phan Khôi, trong đó ông cắt nghĩa hai chữ “bị” hay “được”. Theo tác giả Phan Khôi thì “Hai ông Bửu Đình và Hồ Đắc Hiến ở Lao Bảo được dời vô Côn Lôn chứ không phải bị dời vô Côn Lôn”. Bởi vì đày đi Lao Bảo là nơi gần hơn song không có ngày về, còn Côn Lôn là nơi xa hơn nhưng còn có ngày về.
Mọi thứ chỉ bắt đầu thay đổi từ tháng 9 - 10.1977, với việc có hơn 337 hộ/1.740 người dân ở 10 làng thuộc xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong) gồng gánh, dìu dắt nhau lên Lao Bảo lập nghiệp theo chủ trương đi kinh tế mới, hình thành nên xã Tân Phước (thị trấn Lao Bảo bây giờ). “Cả thị trấn Lao Bảo ngày ấy là những cánh rừng bạt ngàn và chỉ có một vài con đường đất. Giao thông thì gần như tách biệt với dưới xuôi” – ông Nguyễn Hữu Ái, 64 tuổi, nguyên phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã Tân Phước ngày ấy (thị trấn Lao Bảo bây giờ), một trong những di dân đầu tiên từ huyện Triệu Phong dưới xuôi đi kinh tế mới lên Lao Bảo nhớ lại.
“Lúc đó ở đây chỉ có vài ngôi nhà của người Vân Kiều sống lẻ loi, lưa thưa trải dài dọc sông Sê Pôn, ít hơn rất nhiều so với những hố bom sau chiến tranh. Khắp nơi bạt ngàn lau lách và cây cổ thụ. Đêm ngủ tạm nhà dân bản còn nghe rất rõ tiếng thú đi ngoài cửa sổ. Thời điểm đó, mỗi gia đình chỉ mang theo một tấm tôn, mấy tấm bạt để che trại, làm lán. Ở như vậy khoảng một tháng, tạm ổn định thì ra rừng chặt tre dựng trại. Và mãi hơn năm sau mới dựng được một cái nhà hai mái lợp tranh dựng phên tre ” – ông Ái kể.
Những cơn ác mộng
Từ một chốn thâm sơn cùng cốc, rừng thiêng nước độc không ai biết đến, bỗng dưng Lao Bảo, chính xác hơn là Khe Sanh bên cạnh trở thành một địa danh toàn cầu đầy ám ảnh qua trận đánh Khe Sanh năm 1968. Trận đánh được ví như “Điện Biên Phủ thứ hai” hay là chốn “địa ngục trần gian” theo cách nghĩ của lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Với truyền thông quốc tế, Khe Sanh còn là một địa danh được nhắc đến trong một vài bài hát Việt Nam và cũng là tựa đề của một bài hát về những đắng cay mà lính Úc đã phải chịu đựng ở khu quân sự này của nhóm nhạc rock Cold Chisel. Thậm chí đến thời điểm 20.1.2009, trong bài diễn văn tại lễ nhậm chức, cựu Tổng thống Mỹ Obama cũng đã làm thế giới ngỡ ngàng khi nhắc đến hai chữ Khe Sanh vì rất nhiều lý do khác nhau.
Những cây vông đồng chứng nhân lịch sử trong khuôn viên nhà đày Lao Bảo. |
Nhưng Khe Sanh nào có mỗi “Điện Biên Phủ thứ hai”. Khe Sanh còn là hành trình tròn 50 năm đầy gian nan, thấm đẫm nước mắt và máu của những “đội quân kinh tế mới” khai hoang mở đất, lập làng… để có được một Hướng Hóa, từ những cánh rừng bạt ngàn hoang vu thành huyện miền núi kiểu mẫu đúng như mong muốn của cố Tổng Bí thứ Lê Duẩn với hai “đô thị vàng” Khe Sanh và Lao Bảo. “Để có những thước đất canh tác đầu tiên, người dân cùng bộ đội, dân quân du kích đã cùng đi “xăm bom”. Mỗi người cầm một chiếc gậy, có đầu nhọn làm bằng kim loại. Cứ thế dàn hàng ngang, vừa đi vừa chọc cây gậy xuống đất. Nếu gặp kim loại thì đánh dấu để đào. Đất vừa xăm xong sẽ giao lại cho các hộ gia đình canh tác...”, ông Trần Giải - một trong những người đi kinh tế mới đầu tiên có mặt ở Lao Bảo năm 1977 nhớ lại.
“Đói, tất nhiên vì mỗi nhân khẩu lên đây nhà nước chỉ cấp đúng 5kg gạo. Nhưng đó chưa phải là vấn đề. Điều khủng khiếp nhất mà dân mình phải chịu đựng lúc đó là sốt rét. Cứ đến mùa mưa là gần như cả làng cùng sốt, người nằm la liệt” – lời ông Nguyễn Hữu Ái. Ông Nguyễn Văn Dĩ, 66 tuổi, một chứng nhân khác bỗng rùng mình khi nghe nhắc đến chuyện sốt rét: “Như những cơn ác mộng. Cơ thể tui suy kiệt vì sốt không ngủ được. Nhưng khủng khiếp nhất là da tui lúc đó dày quá, kim đâm không vô để chích thuốc nên sau một hồi đâm thọc, y tá nói đợi chút rồi xuống suối ngồi mài kim trên đá…”.
“Khó khăn, đói ăn, bệnh tật… đã khiến người dân hoang mang và gần một phần hai di dân lên đây đã trốn chạy về quê cũ hoặc vào nam” - lời ông Ái. Trốn chạy là từ chính xác bởi họ sẽ bị bắt lại nếu chính quyền phát hiện. Nhưng họ vẫn trốn bằng nhiều cách. Ông Nguyễn Văn Dĩ kể chuyện bạn mình, một trong những người bỏ trốn thành công: “Đêm tối đen, hắn ăn cau trầu rồi khạc nhổ, vu lên là mình ho ra máu. Hoảng hồn, trong làng cử ra 3 người thay nhau dùng võng gánh hắn xuống trạm xá điều trị. Đến nơi, hắn trốn về Đông Hà rồi từ Đông Hà trốn vô tận Bình Phước”. Theo thống kê của UBND thị trấn Lao Bảo thì đến năm 1979, còn khoảng hơn 1.000 di dân kiên quyết bám trụ lại Lao Bảo với mong muốn tên xóm, tên làng mà họ mang theo sẽ gắn bó với mảnh đất này.
Sau gần 50 năm, những chàng trai mới ngoài 20 tuổi ngày nào như những ông Ái, ông Dĩ và rất nhiều di dân khác nay đã thành những người tuổi thất thập nói chuyện gần đất xa trời. Nhưng họ vẫn không thể nào hiểu được ngày ấy, điều gì, động cơ nào khiến họ không trốn đi và vượt qua trùng trùng khó khăn gian khổ để có được những “ngày mai” như bây giờ? Cũng như tôi không thể nào hiểu được đến thời điểm này lại còn có những chuyến xe đò chở… nước ngọt được lấy từ vùng Xuân Phiên Hà (3 làng cù lao Dương Xuân, Duy Phiên và Hà Lan) thuộc xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong) quê cũ mang lên đây để phục vụ nhu cầu của người dân Khe Sanh, Lao Bảo…
Chả là hôm ấy ông Dĩ đãi tôi ăn trưa bằng món xáo trâu. Ông bảo “món này đâu cũng có những ở đây ngon không đâu bằng, chú biết vì răng không?”. Tôi chưa kịp trả lời ông Dĩ đã nói luôn: “Là nhờ xáo với nước ngọt được mang lên từ Xuân Phiên Hà xa gần trăm cây số”. Theo ông Dĩ thì việc chở nước như thế này đã có ngay từ những ngày đầu ông lên đây. Nguyên nhân không phải vì đây không có nước ngọt, chỉ là “ăn uống khắp những giếng cùng sông, không hiểu sao ai cũng thấy không thơm ngon bằng dòng nước quê mình…”.
Rời Khe Sanh, tôi nghe hình như mình đã được sống nhiều hơn của những mấy ngày…
Phóng sự của TƯỜNG MINH