Đã 50 năm trôi qua (1968-2018), kể từ ngày quân và dân xứ Quảng cùng với toàn miền Nam đồng loạt tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, trong ký ức của những người con đất Quảng kiên trung chưa bao giờ quên dấu ấn lịch sử hào hùng một thời với quyết tâm “Thiệu - Kỳ không đổ, không giỗ, không tết”.
Tượng đài chiến thắng Xuân Mậu Thân tại TP.Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
DỐC TÂM CHO TỔNG KHỞI NGHĨA
Tháng 12.1967, Bộ Chính trị quyết định chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ở miền Nam sang thời kỳ mới, đưa cuộc chiến tranh lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định. Ông Phạm Thanh Ba - nguyên Chánh Văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà cho biết, để bảo đảm thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà cử 2 đồng chí Phó Bí thư, 2 đồng chí Thường vụ vào trực tiếp chỉ đạo ở bên trong Đà Nẵng. Điều đó thể hiện rõ ý chí, quyết tâm rất cao của Thường vụ Đặc khu ủy đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân. Trong khi đó, tại Quảng Nam, Tiểu đoàn 70 được lệnh hành quân về xã Phước Lộc, huyện Tiên Phước, để củng cố, bổ sung quân số, tổ chức huấn luyện chiến đấu. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Lê Hải Lý, nguyên Tỉnh đội trưởng Quảng Nam, lúc bấy giờ là Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn 70 nhớ lại: “Trước thời điểm diễn ra chiến dịch, cấp trên chỉ phổ biến đến cấp chỉ huy tiểu đoàn một số tình hình và nét lớn của nhiệm vụ trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức được rằng chiến dịch này có thể là tổng tiến công nổi dậy để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Do đó, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đều nhập tâm lời thề: Thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, giờ lịch sử đã đến”.
Với quyết tâm “Tất cả cho tổng công kích, tất cả cho tổng khởi nghĩa”, nhân dân Quảng Nam và Quảng Đà thi đua dốc sức người, sức của, tập trung mọi nguồn lực cho tổng tiến công và nổi dậy. Theo kế hoạch của Trung ương, cũng như toàn miền Nam, cuộc tổng tiến công sẽ nổ ra vào đêm 30 rạng ngày 31.1.1968. Nhưng đến ngày 30.1.1968, Đặc khu Quảng Đà và Mặt trận 4 nhận được lệnh hoãn giờ nổ súng, chuyển sang đêm 31.1 rạng ngày 1.2.1968. Do chiến trường chia cắt, thông tin liên lạc không được đảm bảo, Đặc khu ủy chỉ kịp thông báo lệnh hoãn giờ G xuống một số địa phương, đơn vị, do đó cuộc tổng tiến công và nổi dậy của nhiều nơi ở Quảng Đà vẫn nổ ra vào đêm ngày 30 rạng 31.1.1968; còn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cuộc tổng tiến công và nổi dậy diễn ra vào đêm 31.1 rạng ngày 1.2.1968.
Đây là lần đầu tiên quân và dân đất Quảng đồng loạt tiến công vào Đà Nẵng, các thị xã Hội An, Tam Kỳ, hầu hết thị trấn, quận lỵ và cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy trên địa bàn, giành những thắng lợi có ý nghĩa quân sự, chính trị, góp phần cùng toàn miền Nam giáng đòn nặng nề vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. (LÊ NĂNG)
GÒ NỔI NHỮNG NGÀY "ĐỎ LỬA"
Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, nhân dân vùng Gò Nổi (nay là 3 xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong thuộc thị xã Điện Bàn) khẩn trương chuẩn bị nhân tài, vật lực. Tham gia du kích thôn Phú Đông (xã Điện Quang) từ năm 1966, ông Ngô Tri (SN 1940) kể, khoảng thời gian trước tổng tiến công, ghe thuyền của nhân dân được tập trung dọc sông Thu Bồn để đưa đón bộ đội chủ lực về ém quân tại xã. Ông cùng thanh niên địa phương tham gia vận chuyển đạn dược từ Bến Dầu (Đại Lộc) xuống, đưa bằng đò qua Điện Quang rồi tiếp tục hướng ra Điện Hòa. Trên địa bàn 3 xã, các đội thanh niên quyết tử hình thành. Nhân dân và lực lượng vũ trang với hàng nghìn người đăng ký đi đấu tranh giành chính quyền.
Ông Ngô Tri đưa phóng viên tìm lại con đường tải đạn ở Gò Nổi chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân. Ảnh: CÔNG TÚ |
Chiều tối 30 tết, trước giờ nổ súng, cả vùng Gò Nổi nhộn nhịp hội quân (cuộc tổng tiến công đã được dời lại một ngày đêm nhưng do không nhận được lệnh nên vẫn tiến hành theo kế hoạch ban đầu). Cán bộ, du kích mang súng, quần chúng không có súng thì mang theo dao, mác, mõ… Nguyên Trưởng ban an ninh xã Điện Phong - ông Trương Xuân Châu (SN 1935) kể, chiều hôm đó mọi người ăn tết sớm. Bánh tét, bánh rò… chuẩn bị sẵn để mang theo. Người dân tập trung rất đông cùng lên đường, có cả con nít, cụ già cùng đi. Rạng sáng mùng Một Tết Mậu Thân, lực lượng vũ trang quần chúng từ Gò Nổi chia thành 2 mũi. Mũi thứ nhất do Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hồng Thắng chỉ huy vượt qua bến đò Phương Trà (nay là thôn Thi Phương, Điện Phong) tiến ra Vĩnh Điện - trung tâm đầu não của ngụy quyền Điện Bàn. Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thành Phương chỉ huy vượt qua Cẩm Đồng rồi tiến xuống Vĩnh Điện. Lực lượng xung kích quần chúng có 1 đại đội do Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Đức Hiệp làm Đại đội trưởng, Hội trưởng Hội phụ nữ huyện Nguyễn Thị Hồng làm Chính trị viên. Nhân dân các thôn của Điện Minh, Điện Phước… cũng nhập vào các đoàn khởi nghĩa.
Ông Ngô Tri kể lại, lúc đó ông cùng em gái mới 20 tuổi xuống đường cùng vũ trang xã, chia gồm 3 mũi giáp công: đấu tranh chính trị, binh địch vận, lực lượng vũ trang. Còn ông Trương Xuân Châu cho hay, khi các đoàn đến gần sân bóng xã Điện Minh, cách cổng phía nam quận lỵ chừng 500m, quân ngụy đã án ngữ, đặt 3 cây súng đại liên và bắn chỉ thiên. Không hề nao núng, đồng chí Nguyễn Thị Hồng cầm cờ giải phóng xông lên phía trước, kêu gọi lực lượng khởi nghĩa tiến lên. Bọn địch liền hạ thấp nòng súng bắn vào đoàn người. Chị Hồng bị thương gãy một cánh tay, tay kia vẫn cầm cờ xông lên và anh dũng hy sinh. Ngoài ra còn có 11 người hy sinh và 6 người khác bị thương.
Trước diễn biến căng thẳng, Thường vụ Huyện ủy Điện Bàn nhận định vũ trang ta không chiếm được chi khu quận lỵ, địch tập trung phản kích gây thương vong cho lực lượng khởi nghĩa. Nếu tiếp tục tiến lên, nhất định sẽ bị tổn thất lớn nên quyết định rút về Gò Nổi để trú quân củng cố, sinh hoạt rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho đợt chiến đấu tiếp theo. “Tuy thất bại nhưng lại thành công, bởi vì đây là phong trào nổi dậy của toàn dân. Từ đó, chúng ta tiếp tục phát động toàn dân tham gia đánh giặc” - ông Ngô Tri nói. (TRẦN CÔNG TÚ)
DẤU ẤN ĐỘI QUÂN TÓC DÀI
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, phụ nữ Quảng Nam, Quảng Đà đã tham gia xuống đường với khí thế vô cùng sôi động và quyết liệt. Trực tiếp tham gia chỉ huy và dẫn đầu lực lượng đấu tranh chính trị huyện Nam Tam Kỳ lúc bấy giờ, bà Hồ Thị Kim Thanh (hiện sống tại TP.Đà Nẵng) nhớ lại: “Cuối năm 1967, tôi là Thường vụ Hội Phụ nữ tỉnh, được phân công chuẩn bị cho cuộc tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở thị xã Tam Kỳ và quận lỵ Lý Tín. Tôi được phân công cùng với Thường vụ Huyện ủy Nam Tam Kỳ chỉ huy mũi chính với 3.000 người bao gồm thanh niên, phụ nữ, du kích và quần chúng nhân dân của 2 xã Kỳ Khương, Kỳ Sanh kéo về quận lỵ Lý Tín”.
Bà Hồ Thị Kim Thanh (thứ tư từ trái sang) trong lần gặp gỡ mẹ chị tham gia đội quân tóc dài thời chiến. Ảnh: Lê Năng Đông |
Cũng theo lời bà Thanh, trong những ngày diễn ra cuộc nổi dậy, hàng vạn chị em Đặc khu Quảng Đà và tỉnh Quảng Nam đã phối hợp cùng lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh với băng cờ khẩu hiệu rầm rập xuống đường tiến vào các thị xã, thị trấn, quận lỵ để đấu tranh chính trị, binh địch vận. Tại Đặc khu Quảng Đà, đêm 30 rạng ngày 31.1.1968, hơn 2.000 phụ nữ và quần chúng huyện Điện Bàn do chị Nguyễn Thị Hồng chỉ huy tiến vào thị trấn Vĩnh Điện, bị địch xả súng bắn vào đội hình của đoàn biểu tình làm hàng chục người chết và bị thương. Chị Nguyễn Thị Hồng bị thương gãy một cánh tay, nhưng chị quyết không rời hàng ngũ, tiếp tục chỉ huy cuộc đấu tranh, hô hào động viên quần chúng tiến lên, chị trúng đạn lần thứ hai và anh dũng hy sinh…
Diễn ra sau Đặc khu Quảng Đà một ngày, không khí tham gia cuộc nổi dậy của đội quân tóc dài trên địa bàn Quảng Nam cũng vô cùng sôi nổi, quyết liệt. Bà Hồ Thị Kim Thanh kể: “Tại huyện Nam Tam Kỳ, 5 giờ sáng 1.2.1968, khi đoàn người kéo đến gần quận lỵ thì bị địch bao vây. Ban chỉ đạo đấu tranh họp khẩn cấp và quyết định cử tôi ở lại đấu tranh hợp pháp, các đồng chí còn lại tỏa ra đánh địch. Tôi cởi bỏ dép su, khăn quấn cổ, cải trang thành dân thường để đấu tranh hợp pháp. Sau đó có lệnh lực lượng vũ trang rút lui, nhưng chúng tôi không nhận được lệnh nên quyết tâm dù hy sinh cũng không rời trận địa… Cuối cùng, lực lượng đấu tranh chính trị của ta bị địch bao vây, tôi và khoảng 200 người khác bị bắt”. Trong trận chiến đấu này còn có nhiều tấm gương kiên trung bất khuất của phụ nữ, tiêu biểu như mẹ Thuận ở Hội An dẫn đầu đoàn quân khởi nghĩa tiến vào quận lỵ Hiếu Nhơn, địch đàn áp, mẹ động viên mọi người tiến lên và mẹ đã hy sinh anh dũng; em Võ Thị Liễu ở xã Cẩm Hà (Hội An) tay cầm tối hậu thư, dẫn đầu đoàn biểu tình vào bót giặc, địch đàn áp, em hy sinh oanh liệt… “Dù các cuộc nổi dậy bị đàn áp, sau đó phải rút lui, nhưng tinh thần, sức mạnh của quần chúng đã khiến địch một phen hoảng sợ. Trong đó, những chiến công, tấm gương hy sinh của đội quân tóc dài xứ Quảng đã góp phần làm rạng rỡ phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam Trung hậu, đảm đang” - bà Thanh xúc động nói. (LÊ NĂNG ĐÔNG)
NHỚ VỀ ĐỒNG ĐỘI
Nhớ về xuân Mậu Thân 1968, ông Phạm Thanh Ba, lúc đó là Chánh Văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà kể:
4 giờ chiều 30 Tết, trong căn hầm làm việc ở sở chỉ huy tiền phương của Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, anh Hai Chơn (Mai Đăng Chơn - NV) gặp tôi, nói: “Chú ở lại, tối nay cố gắng cho người đi liên hệ với cơ sở ở Điện Thọ xin một ít bánh tết về cho anh em đón giao thừa. Còn tôi, Thường vụ Đặc khu ủy vừa cử tôi và anh Đức (Nguyễn Hữu Đức - Đinh Châu) đi cùng với R20 (Tiểu đoàn 1) tiến đánh sở chỉ huy Quân đoàn 1”. Nói đến đó, đôi mắt anh hạ xuống, rồi tiếp: “Chú giữ hộ tôi đồ dùng cá nhân này. Nếu tôi không về, chiếc võng dù và mấy bộ quần áo này chú cho đồng chí nào thiếu quần áo, thiếu võng nằm”.
Trước đó mặc dù sức khỏe của Mai Đăng Chơn rất yếu, nhưng khi nghe lực lượng ta sắp tổng tấn công vào Đà Nẵng mà Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà phân công ở nhà trực chiến, ông kiên quyết đòi phải có mặt. Ông đã nói với Bí thư Đặc khu ủy Hồ Nghinh: “Đồng chí nên ở ngoài chỉ đạo, tôi là người địa phương nên thông thạo địa hình, biết rõ các ngõ ngách ở vùng ven và thành phố. Tôi xin đồng chí cho tôi đi sẽ thuận lợi hơn”. Mai Đăng Chơn xin được đi với Tiểu đoàn 1 anh hùng (R.20) - đứa con đầu lòng mà ông là một trong những người có công thành lập và làm Phó Chính ủy.
Sau khi Trung đội 1 thuộc Đại đội 1 của Tiểu đoàn 1 vượt sông tiến đánh vào sở chỉ huy Quân đoàn 1 Mỹ - ngụy. Trong trận chiến không cân sức này, hầu hết cán bộ chiến sĩ của ta hy sinh. Đồng chí Mai Đăng Chơn - Ủy viên Đặc khu ủy Quảng Đà và đồng chí Nguyễn Hữu Đức - Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 4 cũng đã anh dũng hy sinh. Trong cuộc họp giao ban sáng mùng 3 Tết, chúng tôi dành một phút mặc niệm tiếc thương những người anh, người đồng chí đã lăn lộn với phong trào, những cán bộ kiên cường, dũng cảm, luôn nhận phần khó về mình. Tên tuổi của các anh, các đồng chí sẽ mãi mãi đi vào lịch sử cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân Quảng Đà. LÊ ĐÔNG (ghi)
KHÁT VỌNG HÒA BÌNH
Trong số hiện vật lịch sử cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà Bảo tàng Quảng Nam sưu tầm được trên địa bàn tỉnh có lá cờ mang hình “chim bồ câu trắng”. Đây là lá cờ đã xuất hiện trong những ngày Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân do đoàn người biểu tình của xã Kỳ Anh (Tam Kỳ) mang theo trên đường tiến về tỉnh đường Quảng Tín.
Hiện vật lá cờ mang hình “chim bồ câu trắng” do đoàn người biểu tình của xã Kỳ Anh mang theo trên đường tiến về tỉnh đường Quảng Tín trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Ảnh: VĂN BÍNH |
Theo các nguồn tư liệu, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, tại xã Kỳ Anh, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ và sự tích cực vận động của các đoàn thể, lực lượng chính trị được huy động và biên chế thành những tiểu đội, trung đội và chia thành nhiều hướng, do đồng chí Lê Quang - Chủ tịch UBND Cách mạng kiêm Trưởng ban đấu tranh chính trị xã phụ trách. Đúng giờ G, các hướng tiến công vào Tam Kỳ bắt đầu xông lên, chiếm lĩnh thế trận. Cán bộ, chiến sĩ với sự quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Hòa chung khí thế ấy, các xã vùng đông, trong đó có Kỳ Anh, thuộc cánh quân đông bắc (gồm Kỳ Anh, Kỳ Lý và 6 xã vùng đông Thăng Bình), do đồng chí Nguyễn Thành - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ huy với gần 4.000 quần chúng xuất phát từ Kỳ Anh, vượt sông Bàn Thạch tiến lên Tam Kỳ. Khi đoàn người tiến lên đến Đồng Rạ, Kỳ Hương (nay thuộc phường Tân Thạnh) thì bị quân địch cho lính dàn hàng ngang chặn lại. Tuy vậy, quần chúng vẫn hiên ngang tiến lên, liền bị địch xả súng bắn vào đám người biểu tình. Đoàn người biểu tình phải dừng lại để giải quyết thương binh và tử sĩ. Đúng 15 giờ cùng ngày, theo lệnh trên, đoàn người biểu tình rút về lại địa phương.
Điều đáng chú ý, đoàn người biểu tình của quần chúng Kỳ Anh, ngoài việc giương cao biểu ngữ, cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, còn có một lá cờ mang hình “chim bồ câu trắng” được xã Kỳ Anh chuẩn bị từ trước. Điều đó thể hiện ước nguyện hòa bình của nhân dân ta, thể hiện rõ đường lối của Đảng ta là đấu tranh cho hòa bình của dân tộc Việt Nam. Và lá cờ mang hình “chim bồ câu trắng” ấy sẽ mãi là hiện vật minh chứng cho ước vọng hòa bình của người dân Kỳ Anh, nhân dân Việt Nam trong mọi thời đại. (PHẠM VĂN BÍNH)