Trong số hơn 70 hội viên chuyên ngành Văn học trực thuộc Hội VHNT Quảng Nam hiện nay, Lam Hà là người có sách được xuất bản sớm nhất: vào đầu năm 1971, tập truyện ngắn “Tiếng phèng la” của ông - được ký với bút danh Xuân Tùng, được Nhà xuất bản Lá Bối (Sài Gòn) ấn hành.
Duyên nợ văn chương
Đã 93 tuổi, sức khỏe giảm sút nhiều, lại thêm bệnh tim hành hạ nên hầu hết sinh hoạt hằng ngày, nhà văn Lam Hà phải trông cậy vào vợ chồng người con trai thứ - nhạc sĩ Lê Xuân Trúc. Vậy mà, khi nghe nhắc tới tập sách “Tiếng phèng la”, ông như muốn nhổm người dậy. Ông kể, giọng hơi yếu, chậm rãi nhưng sáng rõ, rằng tập sách ấy là một duyên nợ văn chương đặc biệt của ông.
Lúc bấy giờ, ông viết văn như thú vui riêng, thỉnh thoảng cho công bố đôi ba truyện ngắn trên một số tạp chí, chuyên san. Cho đến một ngày, người của Lá Bối tìm đến với một tập bản thảo gồm những truyện ngắn của ông và đặt vấn đề xuất bản. “Hồi đó tôi có hỏi tại sao họ lại muốn in sách cho tôi, bên Nhà xuất bản (NXB) Lá Bối chỉ nói đại khái là duyên nợ văn chương thì không cần lý do. Vậy thôi...” - nhà văn Lam Hà kể.
Nói là vậy nhưng thật ra, Lá Bối có lý do xác đáng để tập hợp và cho in tập truyện ngắn “Tiếng phèng la” của Xuân Tùng (Lam Hà). Ở miền Nam vào những năm 1960 - 1970, mấy ai trong số rất đông những người viết “vô danh” được lọt vào “mắt xanh” của nhà văn Nguyễn Văn Xuân? Nhưng người viết nghiệp dư Xuân Tùng thì được nhà văn “cây đa” ấy để mắt tới, “tiến cử” cho một số đơn vị xuất bản và hơn thế, còn chịu viết lời giới thiệu khi sách được in nữa.
Trong lời giới thiệu in ở đầu tập sách “Tiếng phèng la”, học giả - nhà văn Nguyễn Văn Xuân cho rằng đây là “một trong những cố gắng nhỏ nhoi của văn giới Việt Nam cố chối bỏ tình trạng bi thương, lãng quên nông dân và nông thôn” trong văn học, để từ đó nhận ra, phác dựng một gương mặt làng quê Việt chân thực hơn, gần gũi và giàu bản sắc.
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân khẳng định: “Từng truyện một, Xuân Tùng không làm ta ngạc nhiên, cũng như từng người dân Việt Nam không hề làm ai ngạc nhiên, nhưng đọc xong cả tập, lướt qua các vóc dáng khác nhau, hoạt động của cá nhân hay đoàn thể khác nhau (...), phải nói là Xuân Tùng đã không làm ta thất vọng”.
Quê xứ qua từng trang sách
Với độ lùi thời gian tròn nửa thế kỷ, nhận định ấy của nhà văn Nguyễn Văn Xuân dành cho tập truyện ngắn “Tiếng phèng la” vẫn không cũ, vẫn còn nguyên giá trị. Nói khác hơn, “Tiếng phèng la” không hề cũ, và nó xứng đáng để được nhìn nhận, đánh giá bằng/với những lời lẽ như vậy.
Tập truyện gồm 12 truyện ngắn, viết về những sinh hoạt đời thường, những con người bình dị, những lệ tục vừa lạ vừa quen, những yêu thương buồn vui thường hằng... ở chỉ một vùng đất có tên là Lam Hà. Địa danh Lam Hà với con lạch nhỏ, với hồ sen, với xóm nhà bình dị... có thể chính là Hà Lam với bàu Hà Kiều thơ mộng, với xóm Liễu Trì cũ xưa... của đất Thăng Bình - là sinh quán của tác giả.
Và, Lam Hà cũng có thể là bất kỳ một thôn xóm nào đó. Nhưng điều ấy có hề gì, bởi quan trọng hơn, trong không gian có phần chật hẹp ấy, bằng những góc nhìn tinh tế, sắc sảo, tỉnh táo, quan phương và “cận cảnh”, tác giả “Tiếng phèng la” đã vẽ ra được một bức tranh khái quát về nông thôn Việt Nam nói chung của những năm trước 1970. Đồng thời khéo léo cổ xúy, tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc và cũng hết sức đặc trưng của những vùng quê xứ Quảng. Một số phong tục, nhiều sắc thái tình cảm và không ít nét chấm phá trong bức tranh khái quát về nông thôn được “tả” trong tập sách, đến bây giờ vẫn có thể tìm thấy nơi này, nơi khác.
Hơn 90 tuổi đời, chiếc bút xóa thời gian đã làm cho nhà văn Lam Hà quên nhiều thứ. Nhưng ông vẫn còn nhớ tập truyện đầu tay “Tiếng phèng la” của ông được xuất bản vào một ngày đầu năm 1971, bìa sách màu vàng đất, giá bán 150 đồng, ngoài những bản in thông thường còn có 50 bản đặc biệt dành cho tác giả, thân hữu và nhà xuất bản. Nhưng sau 50 năm dâu bể, tập sách ấy đã lưu lạc tận đẩu đâu. Ngay như tác giả cũng không có một bản để làm kỷ niệm.
Cho đến một ngày mùa hè năm 2007, một “cơ duyên” đã đến: một người cháu của nhà văn Lam Hà, sinh sống và làm việc ở TP.Hồ Chí Minh, đã mang về tặng ông một bản sách “Tiếng phèng la” - được anh mua tại một tiệm sách cũ trước đó mấy năm... Kể xong câu chuyện này, nhà văn Lam Hà nở một nụ cười hạnh phúc.