(Xuân Đinh Dậu) - Mùa khô năm 1966. Mỹ tăng cường ném bom miền Bắc. Ở Quảng Đà, địch càn quét, cày trắng từ Lộc Hưng - Đại Lộc xuống Điện Thái - Điện Bàn; các xã bắc sông Thu Bồn dọc theo đường 100 cũng bị cày trắng trơ. Ngày 17.7.1966, mở đài Hà Nội nghe Bác Hồ đọc lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Lúc này cơ quan Tỉnh ủy đang đóng ở nhà ông Giảng gần cầu ông Nở, đi chừng cây số thì đến chợ Phú Thuận sát bờ sông Thu Bồn. Tôi bảo anh Ngô Xuân Hạ phụ trách Tuyên huấn ghi âm lời kêu gọi của Bác Hồ để làm tài liệu học tập, phát động căm thù giặc Mỹ leo thang chiến tranh. In nhiều khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” phát cho cán bộ và dân vùng giải phóng, cán bộ đeo khẩu hiệu trên ống tay áo, dân treo trước nhà mình…
Lúc bấy giờ di chuyển từ Điện Bàn qua Duy Xuyên căng nhất là qua cầu Kỳ Lam bắc qua sông Thu Bồn, luôn phải cảnh giác đề phòng cối, pháo và máy bay. Ban đêm pháo địch bắn cầm canh dọc các hành lang, nhưng anh chị em của ta vẫn cứ đi; ai cũng phải lo hoàn thành nhiệm vụ, không nghĩ đến cái chết, mà cái chết vì bom, vì pháo thì có thể giáng xuống bất cứ lúc nào. Dịp Tết năm 1967, khoảng hơn 7 giờ tối, chúng tôi chưa bò qua được quốc lộ 1 thì bị Mỹ phục, may không ai chết, phải chạy về bãi bồi ở Điện Phong (Gò Nổi, Điện Bàn). Hôm đó, anh Hồ Nghinh ra Quang Hiện - xã Điện Hòa làm việc với anh Hà Kỳ Ngộ và gặp cơ sở từ thành phố vào. Khi về Gò Nổi, tôi và anh Nghinh đi thăm và chúc Tết bà con. Trên đường thì gặp bà Diệu ở Xuân Đài - Điện Quang. Anh Nghinh chào hỏi bà Diệu: “Tết chúc chị gì đây chị?”. Bà Diệu cười, nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”. Anh Nghinh rất vui, nói với bà Diệu, thắng giặc Mỹ thì nhất định sẽ có độc lập tự do. Chúng tôi đi trong làn pháo cầm canh nghĩ đến những người dân bám trụ bom đạn tơi bời vẫn lạc quan như bà Diệu, nghĩ đến cuộc vận động học tập lời Bác dạy đã thấm vào nhân dân. Một nhân dân không sợ máy chém của luật 10/59. Một nhân dân mặc cho bom xới đạn cày, ruộng vườn bị ủi tan hoang vẫn kiên cường bám trụ. “Một tấc không đi, một ly không rời’’. Một nhân dân sẵn sàng “Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Đánh thắng giặc Mỹ, cực chừ sướng sau”.
Nhân dịp Tết, bên ta tuyên bố lệnh ngừng bắn đến mùng Bảy. Hôm ấy, sáng mùng Ba Tết, nghe tiếng pháo địch, anh Nghinh hỏi: “Hôm nay mới mùng Ba sao bọn hắn bắn pháo?”. Tôi nói, mình tuyên bố ngừng bắn 7 ngày, nhưng bọn Thiệu tuyên bố chỉ ngừng bắn 3 ngày. Chúng tôi nhận định địch bắn pháo xuống là dấu hiệu không bình thường. Đúng như dự đoán, mới mờ sáng anh em báo có một mũi quân địch từ hướng Kiểm Lâm kéo xuống đang lội qua Gò Nổi. Anh em bảo vệ liền đưa chúng tôi ra hầm bí mật. Biết đây là cái hầm anh em đã chuẩn bị trước, đề phòng có rắn rết hoặc lỗ thông hơi lâu ngày bị kẹt lá cát, tôi cầm cái thùng diêm quẹt lên rọi xuống hầm, nhưng hai lần đưa vào trong thì lửa tắt, tôi quyết định không thể rúc xuống hầm này vì không đủ không khí sẽ chết ngạt. Anh Tư liền đưa tôi và anh Nghinh đến một chiếc hầm khác, hình như anh vừa thương lượng với du kích Điện Phong “nhường” cho.
Khoảng 9 giờ sáng thì quân Mỹ càn đến Điện Phong, sở chỉ huy quân càn đóng ngay xóm nhà có hầm bí mật chúng tôi đang rúc. Suốt một ngày mà địch vẫn chưa rút quân. Tối đó, giở nắp hầm nhìn lên thấy bọn chúng đi lại. Ngó quanh hướng nào cũng có địch, bọn chúng còn ở ngay trong cái nhà đặt cơ quan văn phòng Tỉnh ủy. Anh Nghinh chắc rất lo lắng nhưng không nói gì. Anh Tư thì rất lo vì biết trách nhiệm của anh rất lớn nếu cả hai chúng tôi đều rơi vào tay giặc. Nhưng biết làm gì khi bốn hướng đều có địch. Xôi, bánh tét bà con cho, anh Tư mang theo nhưng không ai muốn ăn, chỉ nhấp ngụm nước rồi trải ny lon lên nền đất nằm.
Cả một đêm ngủ thức chập chờn, chợt nhìn thấy khe sáng ở nóc góc hầm, tôi biết trời đã sáng, ngồi dậy chồm lên chỗ vệt sáng mà tôi biết đó là một lỗ thông hơi. Theo quan sát của tôi và anh Tư, phía bắc là vườn cây, có quân Mỹ, vườn cây phía nam cũng có quân Mỹ, phía căn nhà có thể là bọn sĩ quan của sở chỉ huy cuộc càn; chỉ phía tây, nơi có một bụi tre, hướng lỗ thông hơi là không có địch. Dùng ngón tay moi lỗ thông hơi, là đất cát pha rất mềm, tôi thấy có lối thoát nên người phấn chấn lạ. Tôi im lặng mở gùi lấy bánh tết bà con cho ra ăn. Tôi mời nhưng anh Nghinh không buồn ăn, anh Tư chỉ ăn một cái bánh đậu xanh rồi lấy tay moi đất. Anh Nghinh bảo moi nhè nhẹ không thì bọn chúng phát hiện. Tôi nói cứ từ từ moi, moi cả ngày nay, vội chi. Tôi nghĩ, đào thì cứ đào, hy vọng chiều thì bọn Mỹ sẽ rút quân, chỉ tiếc không được nhìn ánh lửa phụt lên trời sáng rực, ánh lửa mà theo kế hoạch đêm đó anh em 557 sẽ bắn đạn ĐKB vào sân bay quân sự Đà Nẵng. Lại nằm thêm một ngày, địch vẫn chưa di chuyển. Đến 8 giờ đêm, tôi và anh Tư đào tăng tốc hơn, anh Nghinh ngồi ở bên phía miệng hầm cứ ba chặp nhắc nghỉ ăn xôi, ăn cái bánh. Đào đến 9 giờ đêm thì anh Tư nói đã móc đụng gốc tre. Đường thoát đã hiện ra!
Rúc lên miệng hầm, bò ra khỏi bụi tre, chúng tôi dự định sẽ bò ra sông qua Điện Thọ hoặc xuống Điện Hòa, nhưng nghĩ nửa đêm tìm đâu ra ghe để qua sông Thu Bồn mênh mông nước. Anh Nghinh dân Xuyên Trường không biết bơi đã đành, anh Tư dân đặc công mà cũng không biết bơi, mấy anh em quyết định đi về cánh Xuyên Trường, cũng phải qua sông, nhưng sông ở đây hẹp, đến đó sẽ tính tiếp. Vừa bám địch vừa đi chừng một tiếng đồng hồ thì đến bờ sông, đoạn nhánh của con sông Thu Bồn bị bồi lấp nên chỉ còn là cái hói. Tôi và anh Nghinh ngồi nghỉ, ăn bánh trên mô cát. Anh Tư lội dọc theo bờ sông một lúc thì quay lại nói thấy có một cái thúng chai, nhưng không có dầm. Tôi biết người ta úp thúng chai bên bờ sông bao giờ cũng giấu cây dầm ở gần đó nên nhanh chóng tìm thấy. Cũng may tôi biết bơi thúng chai, không phải vì lúc nhỏ ở với mẹ bên sông Bàn Thạch mà là thời kỳ ở biển An Hòa, sáng nào ra tắm biển tôi và anh Phiếm người Tam Kỳ cũng kéo cái thúng chai người ta phơi trên bờ xuống biển tập bơi. Anh Phiếm bày tôi cách bơi thúng chai sao cho không bị xoay tròn một chỗ làm chóng mặt nhào đầu… Tôi bảo anh Nghinh leo lên thúng chai, bám miệng thúng ngồi cho vững còn tôi và anh Tư bu cái thúng chai đẩy ra đến nước sâu thì vọt lên, tôi cầm dầm bơi qua sông. Lên bờ, đến bãi cát gần cụp Chiêm Sơn đã mờ sáng, gặp anh em ta đưa về Đông Yên ở lại nhà chị Hai Á - Nguyễn Thị Á, Bí thư Xuyên Trường. Ở nhà chị Hai Á một ngày, hôm sau chờ tối chúng tôi vượt qua đường 104 xuống Mậu Hòa xã Duy Trung vào Quế Trạch xã Quế Xuân ăn Tết với bà con thì được tin Sư 2 đánh diệt một đoàn xe Mỹ trên quốc lộ 1. Hôm sau lại nghe qua đài BBC “giao chiến với Cộng quân, một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ bị tổn thất nặng nề”. Hỏi Tỉnh đội thì biết, bộ đội R20 chặn đánh tiêu diệt một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ ở Xuyên Thanh…
Sau này nghe kể, đến ngày thứ ba, thấy địch đã rút khỏi Gò Nổi, anh em bảo vệ văn phòng Tỉnh ủy ra hầm bí mật đón chúng tôi. Thấy cái hầm bị khui, không biết là do chúng tôi đào tìm đường thoát, một căn hầm bí mật gần đó cũng bị đào xới, anh em òa khóc!
HỒ DUY LỆ
(Ghi theo lời kể của ông Trần Thận - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà)