545 năm Ngũ xã Trà Kiệu: Tưởng nhớ tiền nhân khai mở đất

BÍCH LIÊN 15/04/2016 08:50

Hàng năm, vào dịp mùng 10 tháng Ba âm lịch, hàng nghìn người dân, con cháu thập phương lại nô nức về trẩy hội tại vùng Ngũ xã Trà Kiệu (Duy Xuyên), dâng hương tưởng niệm, tri ân công đức những bậc tiền nhân đã có công mở đất, lập làng.

Tri ân công đức tiền nhân

Lễ hội Ngũ xã Trà Kiệu diễn ra thường niên, đồng thời định kỳ 5 năm tổ chức với quy mô lớn, thu hút hàng nghìn người là con cháu các chư tộc vùng Ngũ xã sinh sống trên khắp mọi miền tụ hội về tế lễ, dâng hương tưởng niệm tổ tiên. Năm 2016 này, danh xưng Ngũ xã Trà Kiệu tròn 545 năm và cũng là dịp khánh thành công trình trùng tu nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu. Trà Kiệu là danh xưng của một trong 3 ngôi làng lớn của đất Quảng (nhất Trà Kiệu, nhì La Qua, ba Tú Tràng) gắn liền với hành trình mỡ cõi về phương Nam của 13 bậc tiền hiền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thuộc các dòng tộc Lê Đình, Lưu Văn, Nguyễn Thanh (2 tộc), Nguyễn Quang, Nguyễn Đình, Nguyễn Đăng, Đinh Công, Nguyễn Thành, Nguyễn Như, Nguyễn Tá, Lê Quang, Lê Văn. Các vị đã theo vua Lê Thánh Tông vào Nam dẹp giặc, rồi dừng chân bên vùng đất hoang vu, rừng rú rậm rịt nằm ở phía hữu ngạn sông Thu Bồn để khai cơ lập nghiệp. Từ hơn 400 mẫu đất được khai hoang, làng mạc hình thành và xã hiệu Trà Kiệu ra đời (thuộc huyện Hy Giang, phủ Thăng Hoa). Tính đến năm 1661 (triều vua Lê Huyền Tông), đã có 63 tộc phái được khắc tên trong Kim bảng - Bài vị thờ tại tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu. Ruộng đất (công điền, công thổ, tư điền, tư thổ) khoảng 1.525 mẫu, được ghi đầy đủ vào sổ bộ lập từ thời Gia Long, dày đến 840 trang.

Nhà thờ tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu được tu bổ khang trang. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Nhà thờ tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu được tu bổ khang trang. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Lệ xưa, dân làng Ngũ xã đã dùng đất hương hỏa của làng để hương khói, giỗ 13 vị tiền hiền, 4 vị thứ thế tiền hiền, 1 vị khai quốc công thần, 13 vị hậu hiền cùng 7 vị hậu hiền của Trà Kiệu Thượng và 32 vị liệt tổ. Nhà thờ tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu thờ bài vị 70 vị tiền hiền, hậu hiền, thủy tổ của 64 chư tộc phái, đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 2005. Ngôi nhà thờ vẫn còn lưu giữ nhiều bài vị, sắc phong, các ghi chép, điền bộ xưa… được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Cùng với Nhà thờ tiền hiền, vùng Ngũ xã còn có đình làng thờ các vị văn thần, võ chức, các đấng thần linh; còn có chùa Trà Kiệu, nơi để con cháu các chư tộc phái tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tụng kinh niệm Phật. Ngôi nhà thờ tiền hiền chung của làng xã Trà Kiệu tọa lạc tại xứ Hoàn Châu (xã Duy Sơn), tương truyền được xây dựng vào năm 1680, thời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chánh Hòa. Năm Thành Thái thứ 18 (1905), để dễ bề cai quản về hành chính, Trà Kiệu được chia thành 5 xã nhỏ là Trà Kiệu Đông, Trà Kiệu Nam, Trà Kiệu Trung, Trà Kiệu Tây và Trà Kiệu Thượng. Danh xưng Ngũ xã Trà Kiệu có từ đó.

Cụ Nguyễn Quỳnh - Trưởng ban Tổ chức lễ hội Ngũ xã cho biết, qua thời gian, dù phân chia địa giới hành chính nhưng lễ cúng tế tổ tiên vẫn giữ nguyên như lúc chưa chia tách. Lễ hội Ngũ xã Trà Kiệu lần nào cũng diễn ra ấm cúng, trang nghiêm, và không kém phần sôi nổi với phần lễ và phần hội, diễn ra suốt 3 ngày đêm. Phần lễ gồm các nghi thức: tế ngoại đàn, tế lễ túc yết (chưng thường), dâng lễ vật của các ban làng… được tiến hành trang nghiêm theo nghi thức cổ lễ (hiệu lệnh của xướng). Quan trọng của phần lễ có nghi thức hát lễ, kéo dài khoảng 15 - 20 phút, do diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn cùng với nhạc lễ. Tiếp đó là các chương trình: phục vị, điểm trà, lễ tạ tiên linh. Sau phần các thành viên trong ban nghi lễ lạy tiểu khước là phần dâng hương của các đoàn đại biểu, con cháu ngũ xã. Đến phần hội, Ban tổ chức mời đoàn tuồng Sông Thu về biểu diễn tuồng phục vụ bà con. Ngoài ra còn tổ chức một số bộ môn thể thao, trò chơi dân gian, tạo sự cố kết cộng đồng. “Đáng mừng, lễ hội năm nay cũng là dịp khánh thành công trình trùng tu Nhà thờ Ngũ xã từ sự quan tâm của Nhà nước. Khuôn viên nhà thờ đã khang trang, bề thế hơn trước nhiều, lễ an vị đã tiến hành vào ngày Đông chí 2015” - cụ Nguyễn Quỳnh cho biết.

Cố kết cộng đồng

“Năm nay, tôi tuổi đã lớn, sức khỏe không được tốt song vẫn phải cố gắng đảm nhận lễ hội lần này. Lớp người tuổi như tôi nay đã mang nhiều bệnh tật, gần đất xa trời. Nhưng nếu chúng tôi không cố sức làm, không cố sức gieo vào lòng lớp trẻ niềm tự hào, hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử nguồn cội thì sẽ mai một hết. Làm sao để di tích này sống trong lòng cộng đồng, trường tồn mãi với thời gian, đó là mối băn khoăn, bận tâm lớn của lớp người già chúng tôi”.
(Cụ Nguyễn Quỳnh -  Trưởng ban Tổ chức lễ hội Ngũ xã)

Ai cũng biết rằng, để danh xưng Ngũ xã Trà Kiệu trở nên vang danh xa gần, để công trình Nhà thờ tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2005 và khang trang như hiện nay, có công lao rất lớn của ông Nguyễn Quỳnh và một số bô lão vùng Ngũ xã. Họ đã đi khắp nơi, đến Trung tâm Bảo tồn cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Viện Nghiên cứu lịch sử Việt Nam tại Hà Nội, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để tra cứu nguồn gốc của 13 vị Thủy tổ tiền hiền của các dòng tộc. Nhiều cuộc hội thảo khoa học về lịch sử vùng đất và con người Trà Kiệu cũng đã được tổ chức với sự tham gia nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử… Các cụ Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Đình Bình, Nguyễn Trường Mười… (nay tuổi đã hơn 80) nhiều năm qua luôn gắn bó, tâm huyết với lễ hội, làm rạng danh cho vùng đất. Họ là những “cây cao bóng cả”, góp phần khơi dậy truyền thống và niềm tự hào về quê hương trong thế hệ trẻ. Tất tần tật các khâu, từ việc vận động xã hội hóa, lên kịch bản lễ hội, liên hệ mời các đoàn tuồng về biểu diễn, tổ chức nghi thức tế lễ… đều do bậc cao niên đảm trách. Cuốn “Ngũ xã Trà Kiệu - xưa và nay” xuất bản trước đó được xem là tài liệu tham khảo, nguồn tư liệu quý giá về đất và người Trà Kiệu, vùng đất linh thiêng nằm bên hữu ngạn Thu Bồn. “Năm nay, tôi tuổi đã lớn, sức khỏe không được tốt song vẫn phải cố gắng đảm nhận lễ hội lần này. Lớp người tuổi như tôi nay đã mang nhiều bệnh tật, gần đất xa trời. Nhưng nếu chúng tôi không cố sức làm, không cố sức gieo vào lòng lớp trẻ niềm tự hào, hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử nguồn cội thì sẽ mai một hết. Làm sao để di tích này sống trong lòng cộng đồng, trường tồn mãi với thời gian, đó là mối băn khoăn, bận tâm lớn của lớp người già chúng tôi” - cụ Nguyễn Quỳnh tâm sự.

Ông Nguyễn Trường Mười (82 tuổi), thành viên Hội đồng chư tộc phái Ngũ xã cho hay, lễ hội năm nay được tinh gọn so với các lần tổ chức trước, song tinh thần và giá trị lễ hội rất lớn. Không chỉ con dân Ngũ xã mà đại diện các dòng tộc bạn ở các nơi trong nước, tỉnh, huyện đã định cư trên đất Ngũ xã, nhiều đời con cháu từng góp phần xây dựng xóm làng cũng tụ hội về đây dịp này. “Đây là lễ hội giàu tính nhân văn, thể hiện  đạo lý “uống nước nhớ nguồn” xuyên suốt các thế hệ. Những người hành hương về lễ hội, không phân biệt lương - giáo, ai nấy thành tâm quỳ lạy tổ tiên, những người đã có công khai lập làng xã, theo đó mọi khoảng cách, rào cản bị xóa bỏ” - ông Mười nói. Được biết, lần nào cũng vậy, toàn bộ kinh phí tổ chức lễ hội đều được huy động từ nguồn xã hội hóa, từ nguồn đóng góp của con cháu Hội đồng chư tộc phái Ngũ xã và dân làng. Lễ hội Ngũ xã Trà Kiệu là nét đẹp văn hóa, qua đó thể hiện mối dây liên kết tộc họ, làng xóm đã trở thành một truyền thống quý báu, kết tinh qua 545 năm lịch sử đầy biến thiên, dâu bể.

Cứ mùng 10 tháng Ba âm lịch hàng năm, trong không khí cả nước hướng về lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tại Nhà thờ tiền hiền Ngũ xã, con cháu các chư tộc phái và dân làng lại thành tâm tổ chức cúng tế, dâng hương, tưởng niệm công đức tổ tiên. Về với lễ hội là cuộc hành hương đầy ý nghĩa, tiếp thêm lửa truyền thống văn hóa, đoàn kết trong các chư tộc, cộng đồng dân cư, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Nếu ngày xưa đất Ngũ xã được lập nên bởi những bậc tiền hiền đi mở cõi, có đô đốc tướng quân xông pha trận mạc khai quốc công thần thì nay những thế hệ con cháu Ngũ xã luôn biết gìn giữ, hướng về nguồn cội.

BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
545 năm Ngũ xã Trà Kiệu: Tưởng nhớ tiền nhân khai mở đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO