(Xuân Tân Sửu) - Mùa xuân năm 1471, vua Lê Thánh Tông dẫn đại quân chinh nam. Đại thắng, vua lập nên đạo thừa tuyên với danh xưng Quảng Nam. Gần 20 năm sau đó, ngày mùng 4.4 âm lịch năm 1490 hoàn tất bộ bản đồ Đại Việt - bản đồ Hồng Đức, với 13 thừa tuyên.
Như vậy sau đám cưới Huyền Trân công chúa (1306) gần 200 năm, từ châu Hóa đời Trần tới đời Lê mới đặt định vùng “đất mở rộng về phương Nam” trên bản đồ hành chính. Rồi hành trình mở cõi ấy tiếp diễn đến triều Nguyễn mới xác lập xong địa đồ Việt Nam tương tự ngày nay.
Lịch sử trải qua nhiều dấu ấn võ công mở đất và văn trị giữ nước, thành tựu trao cho hậu thế cả cơ đồ với vô số di sản vật thể và phi vật thể. Điều tiên quyết là tiếp nối tinh thần “phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất một phân núi, một tấc sông” của cha ông để lại cho con cháu, như lời trao truyền của vị minh quân Hoàng đế Lê Thánh Tông.
Hiển hiện từ xứ Quảng là tinh thần ĐẤT MỞ. Tư duy, tầm nhìn mở về chiến lược, khiến vị vua mang đại quân đi Bình Chiêm thấy “cả mối cơ đồ một cõi chung/về Nam địa giới Hải Vân giăng”, còn chúa Tiên Nguyễn Hoàng nắm lấy “đất yết hầu của miền Thuận Quảng” để mở mang cơ nghiệp Đàng Trong. Mở, là tiếp biến để làm giàu thêm giá trị văn hóa của mình. Những tổ phụ vào phương Nam dựng làng lập ấp đã giữ lại các đền đài tháp cổ của tiên nhân, hỗn dung tín ngưỡng thờ thần thờ mẫu, phát triển sâu rộng thêm những ngành nghề nông tang, mỹ nghệ, làm nên “xứ trăm nghề”. Hơn thế là mở ra công cuộc giao thương theo các con đường muối, đường tơ lụa, gốm sứ,… khiến hệ thống trao đổi ven sông, cửa biển ngày càng rầm rộ, tạo nên thương cảng nổi tiếng quốc tế từ xưa.
Tinh thần mở còn thể hiện ở khát vọng canh tân xứ sở. Không dừng ở bước lưu dân lập điền bộ, người Quảng còn góp vào việc mở mang đất học, phát triển phương ngữ, vừa giữ bản sắc vừa dung nạp các tư tưởng tiến bộ để hỗ trợ các phong trào Duy tân, Đông du…
Bóc tách từ phù sa lịch sử tròn 550 năm danh xưng Quảng Nam, để xác lập tâm thế bảo tồn di sản lịch sử, văn hóa, thiên nhiên cho bức dư đồ Tổ quốc, quê hương trường tồn. Đồng thời phát huy giá trị di sản là để làm cho đất đai phồn thịnh, người thêm tiến bộ, bước vào thế giới hội nhập và phát triển.
Tiếp biến và đi tới là câu chuyện làm mới mình và xã hội.
Sau 550 năm, tiếp tục mở cánh cửa vào xuân mới, từ tư duy đến hành động thực tiễn của người Quảng cần khơi lên khát vọng đổi mới và sáng tạo không ngừng để làm cho quê hương hạnh phúc, phồn vinh.
Nguồn sử liệu này gồm: bản đồ, thư tịch cổ, tranh vẽ, hình ảnh…, bằng nhiều thứ văn tự: Hán, Nôm, Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan, La tinh… có niên đại từ thế kỷ 15 đến 19, phản ánh khá toàn diện về: danh xưng Quảng Nam; địa danh, cương vực Quảng Nam trong lịch sử; con người, động - thực vật, các nguồn tài nguyên của xứ Quảng; phong tục, tập quán sinh hoạt của người Quảng Nam xưa; quan hệ thương mại giữa vùng đất Quảng Nam, là thủ phủ kinh tế của xứ Đàng Trong, với nước ngoài, đặc biệt là với các nước như: Nhật Bản, Lưu Cầu, Trung Hoa…
Nhân dịp danh xưng Quảng Nam tròn 550 năm, tôi xin giới thiệu một số sử liệu về Quảng Nam đang được lưu trữ ở một số quốc gia.
Đông Dương văn khố (Toyo Bunko) ở Tokyo là thư viện tư nhân danh giá bậc nhất Nhật Bản. Nơi đây đang lưu trữ bộ Hồng Đức bản đồ được soạn vẽ từ thời Lê Thánh Tông (1442 - 1497). Đây là bản được sao lục vào thế kỷ 16, gồm 1 bản đồ toàn cõi Đại Việt, 1 bản đồ Trung đô (tức Thăng Long) và 13 bản đồ vẽ 13 thừa tuyên của nước ta lúc đó. Trong số đó, có tờ bản đồ số 24 vẽ Quảng Nam thừa tuyên, với hình thế núi sông, cửa biển và các đảo ven bờ, có ghi chú các địa danh chính của 3 phủ 9 huyện thuộc thừa tuyên này. Đây là tờ bản đồ “hành chính” về Quảng Nam được vẽ sớm nhất, ngay sau khi vua Lê Thánh Tông lập ra Quảng Nam thừa tuyên vào năm 1471.
Phần sau của tập Hồng Đức bản đồ có đính kèm toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ do Đỗ Bá, tự là Công Đạo, người Thanh Chương (Nghệ An) vẽ vào cuối thế kỷ 17. Trong tập bản đồ này có tờ bản đồ số 42 vẽ dinh Quảng Nam, miêu tả và định danh các phủ, huyện và những địa danh tiêu biểu của dinh này vào cuối thế kỷ 17. Đặc biệt, trên tờ bản đồ vừa nêu có ghi ba chữ Nôm “Bãi Cát Vàng” để định danh cho một vùng đảo nằm ở ngoài khơi Quảng Nam. Phần chú giải phía trên tờ bản đồ này viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, trong đó có đoạn ghi: “…Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm, đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đây, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đây lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc tiền tệ súng đạn…” (lược dịch - NV). Đây là thư tịch sớm nhất đề cập Bãi Cát Vàng (tức quần đảo Hoàng Sa) trên một tờ bản đồ của nước ta.
Tại Viện Viễn đông bác cổ Pháp ở Paris, có hàng chục tập bản đồ vẽ về nước ta từ các thế kỷ 17 - 19, trong đó có nhiều bản đồ vẽ xứ Quảng Nam. Đáng chú ý là các tập: An Nam hình thắng đồ, Bản quốc hải trình hợp thái, Càn khôn nhất lãm, Đại Nam dư địa toàn đồ, Giáp Ngọ niên bình Nam đồ, Thiên tải nhàn đàm… đều có vẽ hình và thuyết minh về vùng đất Quảng Nam. Đáng chú ý là trên các tờ bản đồ về Quảng Nam thời xưa luôn vẽ hình hoặc ghi chú về địa danh Bãi Cát Vàng/ Hoàng Sa, coi đó là một bộ phận thuộc về Quảng Nam (thừa tuyên, xứ, dinh, tỉnh… tùy theo từng thời kỳ) và miêu tả đường thủy từ đất liền ra quần đảo này, thường bắt đầu từ Đại Chiêm hải khẩu (tức Cửa Đại ở Hội An ngày nay).
Nếu các bản đồ chỉ ghi chú ngắn gọn các phủ, huyện và những địa danh tiêu biểu của Quảng Nam trong các thế kỷ 16 - 19, thì nguồn tư liệu thành văn ở các nước phương Tây viết về vùng đất Quảng Nam trong thời kỳ này khá đầy đủ, bao quát nhiều vấn đề.
Tôi đã sưu tầm được 102 cuốn sách in bằng các ngôn ngữ: Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Hà Lan... Trong số đó có rất nhiều tư liệu viết về lịch sử, địa dư, tài nguyên, con người, phong tục tập quán… xứ Quảng Nam. Nhiều thư tịch còn in kèm hình vẽ miêu tả chi tiết về phong cảnh, trang phục, sinh hoạt của người dân Quảng Nam thời bấy giờ. Đáng chú ý là cuốn A Voyage to Cochinchina (Hành trình đến Đàng Trong) của John Barrow (xuất bản ở Anh năm 1806) ghi chép về chuyến đi Trung Hoa của Bá tước Macartney vào năm 1792 - 1794, có ghé qua Đà Nẵng và Hội An. Trong cuốn sách này có khoảng 10 trang miêu tả về Quảng Nam, về bộ máy hành chính của triều đình Cảnh Thịnh ở nơi đây, đời sống của binh dân xứ Quảng vào cuối thế kỷ 18. Sách này có in kèm bộ tranh do họa sĩ William Alexander, một thành viên trong đoàn, vẽ cảnh buôn bán tấp nập ở Hội An, trang phục của binh sĩ, lễ hội cầu mùa và cảnh hát tuồng ở xứ Quảng.
Trong một số tư liệu khác có những đoạn ghi chép về Cù Lao Chàm, coi đây là một “địa điểm tốt lành” cho tàu bè nước ngoài vào trú tránh bão, bổ sung nước ngọt, lương thực, thực phẩm cho thủy thủ đoàn trong hải trình xuyên qua Biển Đông. Nhiều tài liệu còn mô tả những người dân xứ Quảng là những người đầu tiên đi ra Cù Lao Chàm, và xa hơn là ra quần đảo Paracel (Hoàng Sa) để khai thác yến sào và đánh bắt những loài hải sản quý mang về nộp cho chúa Nguyễn ở Phú Xuân hoặc để bán lại cho các thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa. Những hoạt động kinh tế của người dân Quảng Nam nói riêng và người dân Đàng Trong nói chung đã mở đầu cho quá trình khai chiếm và xác lập chủ quyền của người Việt ở Hoàng Sa - Trường Sa và các vùng biển đảo khác ở Biển Đông.
Một loại hình sử liệu khác là tranh cuộn của Nhật Bản cũng có những phản ánh liên quan đến vùng đất Quảng Nam.
Tôi đã tiếp cận được hai bức tranh cuộn của Nhật Bản, miêu tả hoạt động của thuyền buôn Nhật Bản, từ lúc rời cảng Nagasaki cho đến lúc cập cảng Hội An để giao dịch thương mại với Đàng Trong. Đó là bức Chaya Shinroku Kochi toko zukan, dài 5m, vẽ vào thế kỷ 17, đang lưu giữ tại chùa Jomyo-ji (ở Nagoya), và bức Shuin-sen Kochi toko zukan, dài 11m, vẽ vào thế kỷ 18, đang trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu (ở Fukuoka). Hình vẽ và ghi chú trên hai bức tranh này thể hiện vị trí của Cù Lao Chàm, cửa biển Hội An, phố người Nhật, phố người Hoa, các thương điếm ở Hội An trong các thế kỷ 17-18.
Dựa vào những miêu tả của các nguồn sử liệu và những hình vẽ có trên hai bức tranh này, GS.TS Kikuchi Seichi (Đại học Showa, Nhật Bản) cho rằng tòa công sở trong tranh chính là Dinh trấn Quảng Nam ở Thanh Chiêm và làm rõ thân thế một số nhân vật trong tranh, như: Thế tử Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635), bấy giờ đang giữ chức Tổng trấn Quảng Nam, thương gia người Nhật Araki Sotaro và người vợ Việt Nam của thương gia này là con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, có tên tiếng Nhật là Anio. Hai bức tranh ấy là những tư liệu quý báu để tìm hiểu về Hội An, vùng đất Quảng Nam và quan hệ giao thương giữa Đàng Trong với Nhật Bản trong các thế kỷ 17 - 18.
Tôi cũng tiếp cận một bộ tranh vẽ voi, đang lưu trữ tại Trường Đại học Kansai (ở Osaka). Đây là tranh do các họa sĩ Nhật vẽ vào thời kỳ Edo, phản ánh sự kiện Tướng quân Tokugawa Yoshimune (1684 - 1751) mua hai con voi từ Quảng Nam đưa về Nhật Bản. Hai con voi do Tướng quân Tokugawa Yoshimune đặt mua từ Quảng Nam và thuê thuyền của một thương nhân Trung Quốc là Trịnh Đại Uy chở về Nagasaki vào năm 1728.
Sử liệu Nhật Bản viết về sự kiện này rất nhiều, như: Annan kiryakugo (An Nam kỷ lược cảo), Edo meisho zukai (Giang Hộ danh sở đồ hội), Zoshi (Tượng chí), Eizoshi (Vịnh tượng thi), Kenzoraireki (Hiến tượng lai lịch)… Nhưng thú vị nhất là ba bức tranh vẽ hai con voi Quảng Nam ở Nhật Bản, gồm: tranh Yonoe maki mono (dài 4,87m) do họa sĩ Nhật Bản Ogata Tanko vẽ vào thế kỷ 19 và 2 bức tranh khổ dọc vẽ vào năm 1728, miêu tả hành trình của con voi từ Quảng Nam đến Nagasaki bằng thuyền, rồi từ Nagasaki và đến Kyoto và Edo (Tokyo ngày nay) bằng đường bộ, để “yết kiến” Thiên Hoàng Nakamikado (1701 - 1737) và Pháp Hoàng Reigen (1654 - 1732).
Đây là những bức tranh đẹp, vừa có giá trị mỹ thuật, vừa là nguồn sử liệu quý giúp cho các nhà sử học nghiên cứu thêm về mối quan hệ giao thương giữa Quảng Nam/Đàng Trong với Nhật Bản từ hơn 150 năm trước, đồng thời góp thêm những tư liệu quý về “quê hương Quảng Nam” từ các nguồn sử liệu nước ngoài.
Đất Quảng vốn thuộc về khu vực Âmaravâti của quốc gia Chămpa từ giữa thế kỷ thứ 4, từng có kinh đô Trà Kiệu. Năm 1301, Thượng hoàng Trần Nhân Tông “vân du Chiêm Thành” 9 tháng mới trở về. Sau đó là cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân với vua Chế Mân. Cuộc hôn nhân này bị triều thần nhà Trần không tán thành và các văn sĩ lúc bấy giờ làm thơ châm biếm. Nhưng điều đó không thể thay đổi được quyết định mang tầm chiến lược của vua Trần Nhân Tông. Cuộc hôn nhân Việt - Chăm đã giúp hình thành liên minh hòa hiếu giữa hai đất nước đồng thời mở rộng quốc gia Đại Việt đến sông Thu Bồn, mở ra cuộc Nam tiến của dân tộc.
Năm 1471 vua Lê Thánh Tông đã đặt danh xưng Quảng Nam và lập đạo thừa tuyên Quảng Nam với tư tưởng mở rộng về phương Nam. Còn Chúa Tiên Nguyễn Hoàng nhận thấy “Quảng Nam đất tốt”, nên “thường để ý kinh dinh đất này”, và cho rằng Hải Vân là “đất yết hầu của miền Thuận Quảng”.
Năm 1602, Chúa Tiên đặt dinh Quảng Nam và sai hoàng tử thứ 6 làm trấn thủ (với vai trò tập sự để nối ngôi chúa). Lúc lâm chung, Chúa Tiên di chúc cho phó hoàng tử thứ 6 Nguyễn Phước Nguyên: “Đất Thuận Quảng phía bắc có Hoành Sơn và Linh Giang hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và Thạch Bi sơn vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời”. Trên nền tảng đó, các chúa Nguyễn, vua Nguyễn đã mở rộng cương vực đến mũi Cà Mau, lấy quốc hiệu Việt Nam.
Bia đá địa phương xưng tụng đất Quảng địa linh, có phong thủy đẹp, là “một nơi đô hội của Nam châu”. GS.Trần Quốc Vượng đã nhận xét: “Cái nhìn tổng thể của cặp mắt đại bàng chiến lược sẽ thấy một đất Quảng mênh mông, từ đại ngàn Trường Sơn Đông – Trường Sơn Nam ra tới bát ngát Hoàng Sa, Trường Sa hải đảo xa xôi hùng vĩ… Đất Quảng có đủ các vùng địa hình núi non trùng điệp “thượng du”, đồi gò “trung du”, đồng bằng “hạ du” ven biển và biển cả…” (Việt Nam cái nhìn địa - văn hóa, 1998). Theo lý thuyết phong thủy, đất Quảng có hậu chẩm là dãy Trường Sơn cao ngất phía tây, tiền án là hệ thống đảo, quần đảo trên Biển Đông, tả thanh long là dải Hải Vân “yết hầu”, hữu bạch hổ là núi Thạch Bi “vững bền”, những dòng sông từ tây xuôi đông làm nên “khí huyết lưu thông”.
Vị trí tự nhiên đặc biệt làm cho đất Quảng trở thành tâm điểm trục bắc - nam: “Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng”, “Chồng tôi vô Quảng biết đời nào ra”, “Chồng bà ngoài Quảng kéo buồm theo vô”…; điểm trung chuyển trục đông - tây: “Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”, “Lên non mới biết non cao/ Xuống biển cầm sào mới biết cạn sâu”… Đây là cơ sở để cho đất Quảng ngay từ thời văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa đã có sự giao lưu tiếp xúc khu vực và quốc tế. 550 năm trước, vua Lê Thánh Tông dừng chân tại đất Quảng đã bút họa hình ảnh tấp nập thuyền buôn quốc tế “Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền” (Lộ Hạc chỉ tên nước xưa thuộc Đông Nam Á hải đảo ngày nay). Bức tranh “Đài trấn Hải buồm thuyền như dệt, cầu Lai Viễn xe ngựa thường qua” vẫn quen thuộc cho đến tận ngày nay.
Sự đa dạng điều kiện tự nhiên “Trước sông sau biển rừng kề một bên”, sự phong phú tài nguyên “Bể bạc Đông hải non vàng Bồng Miêu” đã làm nên bách nghệ của đất Quảng: “Sớm mai lên núi đốt than/ Chiều về xuống biển đào hang bắt còng”, “Dời chưn bước xuống ghe buôn”, “Nông: đạp xe lấy nước, bắt trâu để cày”, “Công: lò rèn Phước Kiều, xưởng mộc Kim Bồng”, “Thương: buôn bán bắc - nam; thuyền: Trà Nhiêu, Bàn Thạch”.
Nữ nhi đất Quảng “tuy là những sự tầm thường, cũng được người đời truyền khẩu”, nổi tiếng “tiếng hát trong dâu, được vời vào nội”; “thủ tiết thờ chồng”, “tuổi xuân ở góa” được vua khen ngợi.
Nhân kiệt trong số tứ dân đất Quảng nổi bật nhất là tầng lớp sĩ: “Học trò trong Quảng ra thi”, tiến sĩ văn, tiến sĩ võ đều có đủ. Địa linh đất Quảng hun đúc nên biết bao nhiêu nhân tài cho đất nước qua các đời trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, giáo dục, chiến trận… như Nguyễn Văn Thoại, Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thành Ý, Nguyễn Thuật, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu, Đỗ Đăng Tuyển, Phan Khôi, Võ Chí Công, Nguyễn Thị Bình…
GS.Trần Quốc Vượng đã khái quát nhân kiệt đất Quảng: “Đã có một đất Quảng Phật giáo, Bà la môn giáo từ rất sớm; đã có một đất Quảng trọng sùng Nho học lâu đời, đã có một đất Quảng của phong trào Duy tân và Đông Du, một đất Quảng Tây học, một đất Quảng sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga, một đất Quảng anh dũng chống Pháp, kiên cường chống Mỹ…”.
Đất Quảng là một lựa chọn của tiền nhân mang tầm chiến lược “kế sách muôn đời”. Hậu thế đất Quảng hôm nay tiếp tục phát huy địa linh nhằm tạo nên nhiều giá trị nhân kiệt để tương xứng với danh hiệu “Quảng Nam quốc” mà quốc tế xưng tụng một thời.
Dưới góc nhìn địa - văn hóa, hai địa danh Dinh Chiêm (sau này là Thanh Chiêm), Hội An cùng nằm dọc sông Chợ Củi (Sài Giang) chảy về Cửa Đại (Đại Chiêm hải khẩu), cách nhau không quá 8km cả đường bộ lẫn đường sông và đều là vùng đất chưa thực sự được “khai mở” để trực thuộc Đại Việt sau đám cưới Huyền Trân với vua Chiêm Chế Mân năm 1306.
Tháng 7 năm Nhâm Dần (1602), chúa Tiên Nguyễn Hoàng thành lập Dinh trấn Quảng Nam ban đầu tại xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên sau dời về Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn. Ba năm sau, chúa cho tách huyện Điện Bàn lúc đó thuộc trấn Thuận Hóa, thăng làm phủ lãnh 5 huyện: Tân Phước, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh và Phú Châu. Cũng vào năm này, phủ Hoài Nhân được đổi thành phủ Quy Nhơn, cũng trực thuộc Quảng Nam dinh.
Theo học giả Nguyễn Văn Xuân: “Những tên gọi dinh Chàm, tỉnh Chàm có bởi nguyên do đất Quảng Nam xưa được gọi Chiêm Động. Dinh Chàm - chữ Hán ghi âm “Chiêm”, rồi hóa “Thanh Chiêm” mở rộng về phía biển “bao gồm Hội An” theo hướng tây - đông với các làng Phú Chiêm (trong giấy tờ cũ tôi còn thấy Hội An là thành phố Phú Chiêm)” (Danh xưng Quảng Nam - Kỷ yếu hội thảo - Tam Kỳ 2001).
Các địa danh Thanh Chiếm xứ (nay thuộc phường Thanh Hà - Hội An), các địa danh ở vùng đông Thanh Chiêm có âm gốc Chăm như Trà Quế, Cù Lao Chàm (Hội An), Trà Nhiêu (Duy Xuyên)… chắc chắn có quan hệ với vùng đất Chiêm Động xưa. Mối quan hệ giữa hai địa phương khá gần gũi, như sách “Ô Châu cận lục” do Dương Văn An nhuận sắc (1553) thì trong số 66 xã của huyện Điện Bàn có ghi chép một số xã hiệu nằm ở phía bắc làng Thanh Chiêm như Phong Hồ (nay là phường Điện Nam Bắc), phía đông làng Thanh Chiêm như Lai Nghi (nay thuộc phường Điện Nam Đông - Điện Bàn) và hai làng thuộc Hội An ngày nay như Hoài Phô, Cẩm Phô…
Dinh trấn Thanh Chiêm có vai trò hết sức quan trọng với sự thăng hoa của Hội An phố (Faifo), nơi có Đại Chiêm hải khẩu với chính sách ngoại thương thoáng mở của các chúa Nguyễn như chính sách trú đông, lưu đông hay cho thương nhân nước ngoài cư trú vô thời hạn, được dựng làng, lập phố có chế độ tự quản riêng như trường hợp Phố Hoa, Phố Nhật ở Hội An. Trong khoảng thời gian từ 1604 đến 1634 số lượng thương thuyền Nhật đến Hội An chiếm một phần tư số thương thuyền Nhật cập bến các nước Đông Nam Á.
Trục văn hóa Hội An - Thanh Chiêm thể hiện tư duy thoáng mở của các chúa Nguyễn trong chính sách ngoại thương. Bởi cũng nhờ chính sách lưu trú, trú đông, lưu đông cho các thương nhân nước ngoài nên chính quyền Đàng Trong “không chỉ duy trì hoạt động của các thương cảng Chămpa xưa mà còn khai mở nhiều cảng mới, nắm bắt cơ hội phát triển của thời đại hải thương thế giới để thiết lập thêm nhiều mối quan hệ với các đối tác, bạn hàng châu Á, châu Âu” (Nguyễn Văn Kim - Trung Bộ và Nam Bộ thời Chúa Nguyễn - NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2018, tr.421).
Cùng với chính sách ưu ái thương nhân như vậy, Đà Nẵng và Hội An - Dinh Chiêm trở thành nơi định cư cho các thương nhân vốn là giáo dân Công giáo Nhật Bản sau cuộc cấm đạo 1614 ở Nhật với những nhà thờ Công giáo đầu tiên, mở đường cho Thiên Chúa giáo đến với xứ Đàng Trong. Và ngày 18.1.1615 (ngày ba tu sĩ Dòng Tên là Cha Francesco Buzomi, Cha Diego Carvalho và Tu huynh Antosnio Dias từ Áo Môn (Macao) đến Cửa Hàn, Hội An truyền giáo) được Toà Thánh Vatican chọn là “ngày bắt đầu công cuộc truyền giáo vào Việt Nam” (Lịch Công giáo Giáo phận Đà Nẵng 2013).
Hiện nay mặc dù có nhiều điều còn phải minh định nhưng chữ Quốc ngữ vẫn là phương tiện ích dụng để ghi âm tiếng Việt và chữ Quốc ngữ vẫn giữ nguyên sức sống nâng cao dân trí từ hàng trăm năm trước đến tận ngày nay. Các nhà vận động Duy tân, Đông Du từng cổ súy “chữ Quốc ngữ là hồn trong nước…”. Chữ Quốc ngữ chuyên chở văn chương Việt để chúng ta sớm có sự hội nhập với Tây phương với Thơ Mới, với Tự lực văn đoàn (gắn với tên tuổi 3 anh em dòng họ Nguyễn Tường Hội An)… Kinh sách Phật giáo, nền triết học thâm viễn của phương Đông, phương Tây cũng “phổ cập” nhờ chữ Quốc ngữ…
Hội An - Thanh Chiêm (La Qua) còn là nơi sản sinh ra nhà soạn tuồng hát bội Nguyễn Hiển Dĩnh, nghệ sĩ tuồng Nguyễn Lai và cùng với tầng lớp thị dân của Chợ Củi - với rạp An Quán, Vĩnh Điện, thị dân của Hội An phố - với rạp Bang Chầu, Đồng Lạc, đã tạo nên một lớp công chúng có tri thức, ham mê, nuôi sống và bảo tồn nghệ thuật hát bội thế kỷ 19, 20.
Những năm nửa đầu thế kỷ 20 chúng ta có nền tân nhạc ký âm nhạc theo lối Tây phương với các tác giả tiên phong cư trú ở trục văn hóa Hội An - Thanh Chiêm như La Hối với “Xuân và tuổi trẻ” (lời Thế Lữ) và Lê Trọng Nguyễn với “Nắng chiều”… Và Thanh Chiêm chính là quê hương của nhà “Quảng học” (chữ của nhà sử học Dương Trung Quốc - NV) Nguyễn Văn Xuân.
Cách đây 550 năm, bắt đầu bằng cột mốc lịch sử vào năm 1471, sau cuộc trường chinh bình Chiêm ở phương Nam thắng lợi, vua Lê Thánh Tông ban chỉ dụ lập đạo thừa tuyên Quảng Nam, tổ chức chiêu mộ dân các đạo từ Nghệ An, Thanh Hóa đưa vào khai khẩn đất đai, định cư, sinh sống thì những làng xã mới của người Việt bắt đầu hình thành trên đất Quảng. Kể từ đó, đình làng cũng bắt đầu được dựng nên.
Điểm qua niên đại một số đình làng còn tồn tại đến ngày nay, có thể nhận thấy rõ điều này. Như đình Chiên Đàn (xã Tam An, Phú Ninh) được xây dựng vào khoảng 1471-1473, đình Không Chái (xã Đại An, Đại Lộc) tương truyền được xây dựng vào thời vua Lê Thánh Tông (1471), đình làng Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn) được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 16, đình Ngũ xã Trà Kiệu (Duy Sơn, Duy Xuyên) được xây dựng thời vua Lê Hy Tông - niên hiệu Chánh Hòa (1680), đình Long Xuyên (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) được xây dựng năm 1749, đình Thái Đông (xã Bình Nam, Thăng Bình) được xây dựng năm 1778, đình làng Bồ Mưng (xã Điện Thắng Bắc, Điện Bàn) được dựng vào năm 1760, đình làng Mỹ Thạch (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) được xây dựng năm 1833...
Vùng đất Hội An trước đây từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi tập trung dân cư đông đúc đến lập nghiệp, định cư, lập làng xã để giao thương, buôn bán nên lẽ đương nhiên đây là nơi tập trung nhiều ngôi đình nhất và phần lớn vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Có thể kể đến một số ngôi đình cổ như: đình Cẩm Phô xây dựng vào cuối thế kỷ 15, đình Ông Voi (đình làng Hội An) xây dựng vào thế kỷ 17, đình Xuân Mỹ xây dựng vào thế kỷ 17, đình Sơn Phong xây dựng năm 1715, đình Đế Võng xây dựng vào khoảng nữa cuối thế kỷ 17, đình Sơn Phô xây dựng vào cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19, đình Tiền hiền Tân Hiệp ở Cù Lao Chàm được xây dựng cuối thế kỷ 18...
Trải qua thời gian, do thiên tai và chiến tranh nên nhiều ngôi đình làng không còn. Có những ngôi đình lớn đã từng tồn tại mấy trăm năm gắn với truyền thống, lễ hội và là niềm tự hào của làng nhưng đáng tiếc nay chỉ còn trong ký ức hoặc đã bị sụp đổ như đình làng Diêm Trường (xã Tam Giang, Núi Thành), đình làng Thành Mỹ (xã Tam Phước, Phú Ninh), đình làng Lạc Câu (xã Bình Dương, Thăng Bình), đình làng Trường Xuân (phường Trường Xuân, Tam Kỳ)…
Như mọi miền quê của đất nước, đình làng ở Quảng Nam được xem là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng và là một trong những thiết chế văn hóa truyền thống của làng xã. Do đó, các bậc tiền nhân trước đây xây dựng đình làng thường hướng đến tính bền vững, trường tồn với thời gian bằng việc sử dụng những vật liệu tốt nhất và luôn chú trọng giá trị thẩm mỹ về kỹ thuật kiến trúc, hình thức trang trí cả bên trong và bên ngoài ngôi đình.
Đình làng xứ Quảng thường sử dụng gỗ mít to, lâu năm để xây dựng; kiến trúc mang đậm phong cách điêu khắc trang trí của những thợ mộc tài hoa ở hai làng mộc nổi tiếng xưa kia là Vân Hà (xã Tam Thành, Phú Ninh) và Kim Bồng (xã Cẩm Kim, Hội An). Đa số đình làng ở Quảng Nam vẫn là những ngôi đình mang kiến trúc theo hình chữ Nhất hoặc chữ Đinh. Một số ngôi đình có thêm phần kiến trúc phụ như nhà trù (nơi chuẩn bị đồ lễ cúng), nhà Võ ca (nơi diễn xướng hát hò, biểu diễn võ thuật).
Đặc biệt có những ngôi đình cổ ở Quảng Nam chứa đựng các tác phẩm điêu khắc gỗ tài hoa, tinh tế. Người thợ làm đình chẳng những thành thạo trong việc dựng đình mà còn biết tô điểm cho ngôi đình thêm đẹp. Điêu khắc trang trí trên đình làng ở Quảng Nam mang đậm tính nghệ thuật dân gian truyền thống. Những nhà điêu khắc vô danh xuất thân từ nông dân đã thổi hồn vào đình làng nhiều hình ảnh gần gũi đời sống với một phong cách hết sức độc đáo thể hiện sự sâu lắng và hoài cổ.
Trên kết cấu gỗ của nội thất tùy quan niệm thẩm mỹ mà dân làng có thể chạm trổ chi tiết đầu rồng, đuôi rồng ở đầu đuôi kèo, chạm hoa và đường chỉ xuyên tâm ở thanh xà và đòn tay, chạm trổ trỏng quả có hoặc không có cánh ác ở hai bên, hay chạm trổ cuốn thư, các điển tích dân gian như cá chép trông trăng, hoặc cá bơi dưới nước, diều bay trên trời… Mặt dưới của cây xà cò (đòn đông hạ) thường có khắc dòng chữ Hán ghi lại năm xây dựng hoặc trùng tu ngôi đình...
Kiến trúc bên ngoài đình thường sử dụng hình thức trang trí bằng cách đắp nổi vôi vữa và gắn các mảnh sành sứ lên phần ngoài của kiến trúc. Thường thì ở nóc mái và các đường gờ mái, người ta trang trí đồ án lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long chầu thái cực hoặc tứ linh. Ở hai đầu hồi thường được trang trí hình dơi xòe cánh bằng sành sứ để cầu phúc... Trước mỗi ngôi đình thường có bình phong gắn sành sứ trang trí, trên bình phong thường ghi câu đối với mô-típ như bát quả, tứ quý; ở giữa thường trang trí chữ Phúc, chữ Thọ hoặc hình tứ linh hay hình tượng long mã, hình con hổ...
1. Tất nhiên thi nhân họ Bùi là một “ca” đặc dị từ cổ chí kim trong giới văn nghệ không chỉ của xứ Quảng. Tiểu sử ông, cũng chính là tiểu sử tinh thần cá nhân, rộng hơn là một vùng đất mà mọi thứ đều được đẩy đến những ranh giới cực điểm nhất. Như học giả Nguyễn Văn Xuân từng nhận xét, rằng người Quảng mang “tính cách biên viễn, tiền đồn” từ thời nhận trọng trách mở mang lãnh thổ.
Nhiều lần lên đỉnh Ngũ Hành Sơn, tôi tìm mà không còn thấy đôi dòng thơ đề vào thạch hang “Truy tu trở giá niên tiền sự/ Để ý thần tâm tại thử hồi” của Đông các Đại học sĩ Trương Quang Đản từ ngót hai trăm năm trước. Hai câu trên được cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng dịch rằng “Trở giá chuyện xưa ngồi nhớ lại/ Lòng thành kẻ dưới thấu bề trên”.
Xuất xứ đôi câu thơ trên từ chuyện năm 1836, nho sinh người Duy Xuyên (Quảng Nam) tuổi mới đôi mươi là Nguyễn Thế Lương đã cả gan “trở giá” (ngăn xa giá) vua Minh Mạng để dâng một bản sớ dài, khuyên vua nên thương dân sở tại đang đói kém, mất mùa mà giảm bớt việc ngự du đến Ngũ Hành Sơn, để dân dốc sức vào việc ruộng nương. Nhà vua nổi giận, cho bắt giam chờ chém vì tội khi quân. Sau lại ban lệnh tha chết. Vua Minh Mạng sau này ban “Thập điều” để tự răn mình và giáo hóa dân chúng, trong đó hầu hết nội dung tấu sớ của chàng thư sinh xứ Quảng đã được đưa vào.
Đây không thể xếp vào dòng giai thoại “hay cãi” quen thuộc của người Quảng. Dù tính chất “kình cãi” là khá rõ, kể cả với vua, bất chấp cái chết gần như cầm chắc. Nhưng với bản sớ dài 11 trang (người Pháp thời đó còn lưu lại và dịch sang tiếng Pháp) thấu đạt cả lý lẫn tình, câu chữ khiêm kính mà già dặn, thì hẳn đây là cả một quá trình suy tư chín chắn của chàng thư sinh xứ Quảng khi đó chưa hề có chút danh phận nào. Người Pháp cho rằng bản sớ là “một kiệt tác trong số những điều trần nổi tiếng xưa nay ở đây” (dẫn theo Nguyễn Sinh Duy, “Một thanh niên Quảng Nam đã cán gián vua Minh Mạng như thế nào?”, sách Chào năm 2000, NXB Đà Nẵng, 1999). Nó cho thấy một mặt khác thú vị rất đặc biệt trong tinh thần người Quảng, đó là tinh thần suy tư, mà nếu chỉ nhìn lướt qua, sẽ vẫn ngộ nhận rằng đó vẫn chỉ là... “cãi”. Có điều, với người Quảng, chất “cãi” và chất “suy tư” thường như hình với bóng, hai mà một, nên thường bị/được quy về một mối là “bệnh hay cãi”.
Học giả Nguyễn Văn Xuân có một nhận xét rất đáng lưu ý: “Người Quảng không giống đồng bào ta ở nhiều tỉnh là ít nặng về cảm tính mà nặng về lý tính. Do nặng suy tư muốn tìm ra lẽ phải cuối cùng (mà ít khi đạt được) người Quảng Nam hay bàn luận và thiên về bàn luận có khi đến xô xát, quyết liệt dầu phải dẫn tới mất mát quyền lợi quan trọng nhất đời”. Thầy Xuân ở đây đã nhận chân tiền đề quan trọng của “bệnh cãi” Quảng Nam, đó là “suy tư muốn tìm lẽ phải”, nhưng dường như tôi chưa đọc được bài nào thầy khai triển thấu đáo ý này.
2. Ít ai biết thầy Nguyễn Văn Xuân có thời... làm thơ! Trong bài “Tại sao tôi bỏ làm thơ” (Toàn tập Nguyễn Văn Xuân, tập 7), ông nhớ lại bài “Bến thề” viết thời trẻ, về đôi trai gái yêu nhau phải xa nhau, khi gặp lại “Nhìn nhau rồi nhìn nhau/ Chàng cười nàng không khóc/ Qua một mùa tang tóc/ Nàng đã lạ thương đau”. Vậy là người Quảng đâu cứ phải khăng khăng thủy chung, tiết tháo và bi lụy?
Lại kể về mối tình Phan Châu Trinh với Xuân Lan nữ sĩ ở Huế (được cụ Huỳnh Thúc Kháng kể trong cuốn “Tây Hồ tiên sinh dật sự”). Rằng cụ Phan Tây Hồ và nữ sĩ Xuân Lan - vốn dòng dõi đại thần ở kinh đô Huế quen biết, nảy sinh tình cảm, xướng họa thi ca rất tình tứ. Đã biết ông Phó bảng tân khoa làm Thừa biện ở Bộ Lễ trong triều đã có vợ ở quê, nhưng nàng vẫn nặng lòng yêu, và sẵn lòng vào xứ Quảng làm vợ hai.
Nhưng sau “những phút xao lòng”, khi chàng Phan về quê, gặp vợ đang chân lấm tay bùn coi sóc thợ cấy cày ngoài ruộng, chợt sực tỉnh “cái người trong mắt mình với cái người trong ý mình khác nhau xa lắm, một mai mang người ấy về, biết đặt vào chỗ nào?”. Cụ Huỳnh nhận xét, Tây Hồ tiên sinh không có kiểu “mực thước như bọn hủ đạo đức”, bình sinh rất thoáng mọi thú vui trên đời. “Song đã biết là lụy, thì tức thì gò ngựa, không bước vào nữa”. Phan Tây Hồ tiên sinh sau gửi lại một bài thơ, trong đó mở đầu “Non sông một gánh nặng quanh năm/ Giữ chặt mình ta dám lỗi lầm”, rồi từ quan để khởi xướng canh tân đất nước. Sự sâu sắc, lương tri ấy thật đáng suy ngẫm.
3. Người Quảng như Phan Châu Trinh không suy tư sâu sắc thì không thể nào có được Phong trào Duy tân (Đổi mới) mà đến tận giờ vẫn còn thời sự và cần thiết. Người Quảng như Phạm Phú Thứ không suy tư, không biết dẹp tính tự ái để là người đầu tiên Tây du học hỏi “túi khôn” ở xứ người về giúp thay đổi tư duy trong nước, thì làm sao có được tiền đề cho cuộc Canh tân? Học giả Nguyễn Văn Xuân nhận xét: “Phạm Phú Thứ - người con lớn của Quảng Nam – Đà Nẵng đã không lý sự vô căn cứ nữa. Phạm Phú Thứ đã đánh bại hết các cuộc bàn cãi vu vơ bằng cách công bố ba tập “Như Tây sứ trình” (Tây hành nhật ký) về sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật “chỉ thua trời” của Tây phương”.
Nhưng Phạm Phú Thứ cũng rất tỉnh táo xác quyết, rằng “văn minh phương Tây phải chịu nằm trong đạo đức, văn hóa phương Đông để canh tân, cải tiến, chứ không thể mang một nền văn hóa, đạo lý nào khác đến cho nước này”. Đây cũng chính là quan điểm mà chúng ta còn đang hướng tới. Người Quảng như Trần Cao Vân không suy tư phi phàm thì làm sao khởi thuyết “Trung thiên dịch”, “Trung thiên đạo” lừng danh?
Nên không phải ngẫu nhiên mà đầu thế kỷ 20, có hai đám tang lớn nhất nước, thì đều dành cho hai người con họ Phan của Quảng Nam. Đám tang chí sĩ Phan Châu Trinh (năm 1926) bắt đầu từ Sài Gòn, rồi lan rộng khắp cả nước, dấy lên phong trào làm lễ truy điệu và để tang Phan Châu Trinh. Nguyễn Ái Quốc trong một bài viết, đã ghi nhận: “Người Việt Nam chưa hề được chứng kiến một sự việc to như vậy bao giờ trong lịch sử”. Tới năm 1939, nhà cách mạng Phan Thanh từ trần, đám tang ông cũng trở thành sự kiện lớn nhất Hà Nội. Nguyễn Ái Quốc, trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về tình hình Đông Dương 1936 - 1939, cũng đã viết: “Dân chúng đã tổ chức tang lễ rất trọng thể. Đám tang có 153 vòng hoa, có đại biểu 14 tỉnh về dự và dài 2 cây số. Gia đình anh nhận 110 điện viếng. Chưa bao giờ có một đám tang lớn như thế ở Hà Nội”. Nếu không thu phục được lòng người, bằng tư tưởng lớn thì sao có thể nhận được tình cảm lớn đến vậy?
*
* *
Nhiều trăm năm đã qua đi trên xứ Quảng. Tôi nhiều lúc tự hỏi: Người Quảng có “già dặn” hơn theo thời gian? Rất nhiều, tất nhiên. “Bệnh cãi” dường như cũng thưa dần, “nhẹ” dần. Nhưng phải nói thật, đó là người Quảng hiện đại bây giờ còn thiếu những cuộc “cãi lớn”, “nghĩ lớn”. Những vấn đề quốc kế dân sinh, văn hóa, văn nghệ lớn lao. Ngay như đời sống văn hóa, văn nghệ xứ Quảng hiện có vẻ cũng đang “chìm lắng” nhiều so với ngay chính Huế - mảnh đất Thần kinh vốn được mặc định về sự trầm mặc, khuôn thước.
Người Quảng giờ đang suy tư điều gì?