6 bệnh trẻ thường mắc vào mùa đông và cách phòng tránh

V.THU (Theo vnexpress.net) 28/12/2022 20:38

(QNO) - Mùa đông thời tiết lạnh, độ ẩm thấp khiến trẻ dễ mắc các bệnh như hen suyễn, ho mạn tính, khô da, chảy máu cam…

rẻ cần được giữ ấm cơ thể để tránh các bệnh lý vào mùa đông. Ảnh: Freepik
rẻ cần được giữ ấm cơ thể để tránh các bệnh lý vào mùa đông. Ảnh: Freepik

Mùa đông là thời điểm vi khuẩn, virus có điều kiện thuận lợi để phát triển hơn các thời điểm khác trong năm. Trẻ em với hệ hô hấp còn yếu, miễn dịch kém có nguy cơ mắc các bệnh như cảm lạnh, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy... Ngoài ra, trẻ thường một số bệnh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ không khí lạnh khác như hen suyễn, khô da, ho mạn tính, chảy máu cam...

Bệnh hen suyễn: Thay đổi thời tiết và thời tiết lạnh thường gây ra các cơn hen suyễn. Ba mẹ nên chuẩn bị cho con mình đầy đủ các loại thuốc giảm hen suyễn vào mùa đông và chuẩn bị sẵn kế hoạch quản lý bệnh hen suyễn trong trường hợp trẻ bùng phát cơn hen.

Ho mạn tính: Nhiều trẻ bị ho và cúm vào mùa lạnh. Tình trạng ho này có thể kéo dài nhiều tuần liền, thậm chí cả tháng. Nguyên nhân của những trận ho này có thể do kích ứng thời tiết. Nếu bạn thấy con mình ho kéo dài kèm theo các triệu chứng như khó thở, sốt, mệt mỏi... nên cho con đi khám để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

Da khô: Da của trẻ có thể bị khô do thiếu độ ẩm. Chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và trong nhà thường khiến trẻ bị ngứa, khô da trong mùa đông. Các vết nứt, khô da có thể khiến trẻ đau, khó khăn trong các hoạt động thường ngày. Phụ huynh nên thoa kem dưỡng ẩm cho con sau khi rửa tay, tắm, nên thoa thường xuyên, ít nhất 3-4 lần mỗi ngày cho con để đảm bảo độ ẩm.

Viêm họng: Viêm họng, đau họng cũng thường xảy ra vào mùa đông, nguyên nhân chính là do trẻ bị nhiễm virus. Ngoài ra, chênh lệch nhiệt độ cũng có thể ảnh hưởng đến cổ họng của trẻ, gây viêm và đau kéo dài.

Bệnh chàm: Trẻ bị bệnh chàm, da thường đỏ và ngứa quanh năm. Tình trạng này có thể nặng hơn vào mùa đông. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ để có những loại thuốc chuyên dụng phù hợp, giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh chàm.

Chảy máu cam: Chảy máu cam xảy ra khi không khí quá khô, trẻ bị ngạt mũi, ngoáy mũi không đúng cách cũng có thể dẫn đến chảy máu cam bất thường. Người lớn có thể giúp trẻ ngăn ngừa chảy máu cam bằng cách làm ẩm mũi bằng nước muối xịt hoặc gel nhỏ mũi mỗi ngày. Trong trường hợp trẻ bị chảy máu cam thường xuyên, có thể con bạn đã bị nhiễm trùng xoang hoặc dị ứng. Bạn nên đưa con đi khám để sớm xác định nguyên nhân và đưa ra cách điều trị phù hợp.

Phụ huynh có thể giúp con ngăn ngừa mắc bệnh vào mùa đông bằng cách lắp đặt lò sưởi, máy sưởi trong nhà, cho trẻ tránh thuốc lá cũng như các tác nhân kích thích có thể gây ra hen suyễn. Cha mẹ nên giữ ấm cho con mỗi khi ra ngoài, nhất là các bộ phận như cổ, tay, chân và mặt. Máy tạo độ ẩm phun sương mát trong mùa đông cũng là cách giúp trẻ tránh bị chảy máu cam và khô da.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho con tham gia hoạt động thể chất trong mùa đông, ưu tiên các bài tập trong nhà để tránh trẻ bị sốc nhiệt. Ở lớp học, giáo viên nên vệ sinh phòng học, đồ dùng chung thường xuyên, dạy trẻ rửa tay đúng cách với xà phòng. Trẻ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng, tiêm phòng vaccine theo khuyến cáo cũng góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh vào mùa lạnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
6 bệnh trẻ thường mắc vào mùa đông và cách phòng tránh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO