(QNO) - Quên hoặc không uống thuốc, dùng đồ ăn, thức uống nhiều năng lượng, ít vận động… là những sai lầm thường gặp dễ gây tăng đường huyết.
Tiểu đường loại hai là một bệnh mạn tính. Sống chung với tiểu đường đồng nghĩa bạn cần hiểu tình trạng bệnh, biết cách ăn uống, dùng thuốc và siêng năng vận động. Bên cạnh đó, có một số sai lầm phổ biến mà người bệnh cần chú ý tránh làm đường huyết tăng cao.
Dùng thuốc sai chỉ định
Người bệnh tiểu đường không được quên uống thuốc hoặc tự ý thay đổi liều lượng. Bác sĩ John Morton (Trung tâm y tế Yale Medicine - Mỹ), cho biết, có khoảng 60% người bị bệnh tiểu đường không dùng thuốc đúng theo chỉ định. Đây là vấn đề nghiêm trọng. Người bệnh nên nhờ bác sĩ tư vấn trong trường hợp băn khoăn về thuốc đang sử dụng hoặc bỏ lỡ lịch uống thuốc.
Chọn sai đồ uống
Người bệnh tiểu đường dễ bị mất nước. Lượng đường trong máu sẽ tăng lên nếu cơ thể thiếu nước nhưng một số loại đồ uống có thể làm tăng đường huyết. Bác sĩ Jorge Moreno (chuyên khoa về bệnh béo phì tại Bệnh viện Yale Medicine) cho biết, bệnh nhân tiểu đường được nhắc nhở không nên để cơ thể bị thiếu hụt nước. Một số người chọn nước trái cây để cung cấp nước trong khi nó chứa rất nhiều đường.
Người bệnh cần hạn chế các đồ uống như nước ép trái cây, các loại nước uống tăng lực, nước ngọt, rượu bia. Ngoài ra, có một số thức uống dành riêng cho người bệnh tiểu đường cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Sử dụng thức ăn chứa nhiều năng lượng
Carbohydrate (carbs) là một yếu tố dinh dưỡng đa lượng có được từ thức ăn. Cơ thể phân hủy carbs thành đường đơn (glucose) làm tăng lượng đường trong máu. Mì ống, gạo, bánh ngô khi đưa vào cơ thể sẽ sản sinh rất nhiều glucose làm tăng lượng đường trong máu không thua kẹo ngọt.
Bác sĩ Gail Nunlee-Blandm (Trưởng khoa nội tiết Bệnh viện Đại học Howard - Mỹ), khuyên người bệnh tiều đường không nên ăn quá hai phần trái cây mỗi ngày, đồng thời bổ sung thêm nhiều loại rau củ không chứa tinh bột, ưu tiên những loại rau lá có màu xanh.
Nếu vẫn chưa rõ về việc quản lý năng lượng từ thức ăn, bạn chia sẻ thực đơn mỗi ngày với bác sĩ dinh dưỡng để có lời khuyên phù hợp.
Tập thể dục quá ít
Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm lượng đường trong máu và giúp cơ thể phản ứng với insulin tốt hơn. Các bác sĩ khuyên càng đốt cháy nhiều năng lượng, đường trong cơ thể bạn càng giảm xuống.
Một số hình thức vận động được gợi ý bao gồm đi bộ 15 phút sau bữa ăn, chạy xe đạp, các bài tập giảm cân với dây đàn hồi, cử tạ. Dù chọn hình thức nào, bạn cần thực hiện ít nhất 5-10 phút mỗi lần, trung bình 20-30 phút mỗi ngày và tối thiểu 2 ngày tập luyện nâng cao trong tuần.
Bỏ qua thăm khám định kỳ
Người mắc bệnh tiểu đường sẽ cảm thấy ổn hơn nếu ăn uống đúng cách, uống thuốc và tập thể dục đầy đủ. Tuy nhiên, tâm lý chủ quan có thể khiến người bệnh bỏ qua việc kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Có nhiều vấn đề sức khỏe diễn tiến âm thầm mà bạn chỉ biết được sau mỗi lần gặp bác sĩ hoặc làm xét nghiệm. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn khám định kỳ 3 hoặc 6 tháng mỗi lần trong năm. Các chỉ số cần được chú ý bao gồm huyết áp, cholesterol, thận, kiểm tra bàn chân, mắt, răng và nướu.
Mong chờ thuốc có hiệu quả ngay lập tức
Cần có thời gian để thuốc phát huy tác dụng. Đôi khi thuốc tiểu đường không mang đến kết quả như ý muốn trong vài ngày hay vài tuần đầu tiên. Bác sĩ Zeb I. Saeed (Khoa nội tiết, Đại học Sức khỏe Ấn Độ) chia sẻ, có thể mất nhiều tháng cơ thể thích ứng với thuốc và người bệnh tiểu đường nên có tâm lý tích cực để cảm nhận mọi thứ đang tốt dần lên.
Ngủ không đủ giấc
Ngủ quá ít hoặc ít hơn 7-9 giờ mỗi đêm có thể khiến cơ thể người bệnh tiểu đường gặp vấn đề. Lượng đường trong máu và huyết áp trở nên khó kiểm soát. Hãy thăm khám bác sĩ ngay khi có tình trạng khó ngủ. Bác sĩ sẽ kiểm tra các vấn đề liên quan đến triệu chứng mất ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Quên nghỉ ngơi và thư giãn tinh thần
Nghỉ ngơi và thư giãn tinh thần là một phần trong kế hoạch chăm sóc cho người bệnh tiểu đường. Trầm cảm hoặc căng thẳng có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên.
Khi tình huống căng thẳng xuất hiện, cơ thể sẽ tiết ra hormone kích thích các yếu tố năng lượng để ứng phó, bao gồm cả lượng đường trong máu.
Bạn không thể thoát khỏi căng thẳng nhưng có thể học cách xử lý nó tốt hơn. Nếu bạn chưa biết có thể gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn cụ thể hơn. Ngoài ra, bạn có thể tập yoga, đọc sách, đi dạo, dành thời gian bên người thân... Những gì phù hợp với người khác có thể không phù hợp với bạn. Nhưng bất cứ điều gì bạn cảm thấy thư giãn hãy biến nó thành một thói quen.