Đề án khung và danh mục các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 vừa được UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 3277/QĐ-UBND.
Mục tiêu của đề án nhằm bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen sâm Ngọc Linh, quế Trà My, ba kích Tây Giang, trụ lông Đại Bình, tiêu Tiên Phước, song mật, bắp nếp Hội An, lúa rẫy, heo, gà địa phương. Dự kiến kết quả giai đoạn 2014 - 2020 về bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh là xây dựng mô hình cụ thể về bảo tồn các nguồn gen cây trồng, vật nuôi và xác định được đặc tính quý của nguồn gen có giá trị. Trong đó có 4 nguồn gen cây trồng được phục tráng là lúa rẫy, bắp nếp Hội An, tiêu Tiên Phước, trụ lông Đại Bình và 2 nguồn gen vật nuôi được thuần chủng là heo cỏ, gà tre. Về bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cấp nhà nước thực hiện trong giai đoạn này là xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học thủy sinh vật của tỉnh; xây dựng các khu vực trồng chuyên canh, các vườn cây đầu dòng nhằm bảo tồn tại chỗ nguồn gen 5 loài: sâm Ngọc Linh, quế Trà My, ba kích Tây Giang, trụ lông Đại Bình, tiêu Tiên Phước; quy trình sản xuất sinh khối từ rễ sâm Ngọc Linh... Dự kiến kinh phí thực hiện đề án 8 tỷ đồng.
Được biết, Quảng Nam hiện có 1.129 loài thực vật bậc cao thuộc 164 họ đã được định dạng, trong đó 6 loài bị đe dọa toàn cầu; có 50 loài thú lớn, 22 loài dơi, 270 loài chim, 48 loài bò sát, 207 loài bướm đã được xác nhận, trong đó có nhiều loài đang bị đe dọa toàn cầu. Quảng Nam cũng là địa phương có những quần thể voọc chà vá chân xám, sao la có tầm quan trọng toàn cầu và những quần thể vượn, hổ có tầm quan trọng khu vực.
PHÚC LÂM