Thời gian qua, kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Hiệp Đức đã có nhiều khởi sắc, trong đó có sự đóng góp rất lớn của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây (xã Bình Lâm). Ít ai ngờ rằng, HTX này do một phụ nữ trẻ lèo lái.
CHỊ Nguyễn Thị Minh Thủy - Chủ nhiệm HTX Sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây vừa bước qua tuổi 30. “Khi mới ra trường, cũng bôn ba đây đó làm việc. Nhà nước có, tư nhân có nhưng đồng lương chẳng nuôi nổi bản thân. Vậy là mình quyết định về quê trồng nấm. Vốn là sinh viên của Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm chuyên ngành trồng nấm nên mọi việc với mình cũng suôn sẻ hơn” - chị Thủy cho biết.
Khởi sự với số vốn ít ỏi đủ mua nguyên liệu, giống, đến nay HTX của Thủy đã mở rộng sản xuất với quy mô lớn, là một trong những điển hình tiên tiến của huyện, tỉnh. Chị kể: “Hồi đó, đến cây tre để làm giàn cũng phải mua chịu của người ta. Gây dựng dần dần rồi cũng được như ngày hôm nay. Khi thấy thị trường tiêu thụ ổn định, nhu cầu của người tiêu dùng về mặt hàng này cao nhưng chưa có nhiều người cung ứng, tôi quyết định mở rộng, thành lập HTX như hiện tại”. Để có vốn mở rộng sản xuất, chị Thủy đã cầm sổ đỏ nhà đất để vay 250 triệu đồng. Đó là một quyết định liều lĩnh nhưng rất đúng đắn để có được thành quả như ngày hôm nay.
Hiện HTX có 9 xã viên góp vốn điều lệ 540 triệu đồng. HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường 3 loại nấm là nấm linh chi, mộc nhĩ và bào ngư. Mỗi năm cơ sở sản xuất được khoảng 15 tấn nấm bào ngư, hơn 1 tấn nấm mộc nhĩ khô và 500kg nấm linh chi (giá nấm linh chi hiện khoảng 650 nghìn đồng/kg, nấm mộc nhĩ 95 nghìn đồng/kg khô, nấm bào ngư 25 nghìn đồng/kg). “Nấm linh chi khoảng 4 tháng thì thu hoạch; nấm mộc nhĩ ngắn hơn, chỉ cần 1,5 tháng là có thể thu hoạch và kéo dài trong 3 tháng. Còn nấm bào ngư cũng khoảng 1,5 tháng là thu hoạch nhưng hầu như ngày nào cũng hái. Nhờ vậy lợi nhuận khá cao và ổn định. Cuộc sống xã viên nhờ đó mà tăng lên…” - anh Nguyễn Trường Sơn, xã viên HTX cho biết. Hiện nay, mỗi tháng xã viên nhận được phần lương cứng khoảng 2,5 triệu đồng, còn lãi sẽ được chia đều sau khi trừ chi phí. “Đối với chúng tôi, làm nghề trồng nấm mang lại hiệu quả cao hơn làm nông nhiều, nhất là đối với phụ nữ. Chúng tôi ít tiền hoặc không có tiền thì góp công, góp sức, lợi nhuận vẫn được chia như nhau nên phấn khởi lắm…” - bà Lê Thị Một, xã viên HTX cho hay.
Ngoài việc trồng nấm, HTX cũng tự sản xuất và bán phôi nấm, nguồn nguyên liệu chủ yếu là bột gỗ cao su có sẵn tại địa phương nên chi phí đầu tư giảm khá nhiều. Theo chị Nguyễn Thị Minh Thủy, từ khi thành lập HTX, tranh thủ được nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam nên đã mở rộng quy mô sản xuất, từ đó HTX nhận bao tiêu đầu ra để người dân an tâm làm nấm. “HTX sẽ sản xuất những phôi nấm rồi bán với giá ưu đãi cho những người có nhu cầu trồng nấm. Khi thu hoạch, HTX sẽ thu mua những sản phẩm đó, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương vừa đảm bảo được nguồn sản phẩm để cung cấp cho thị trường…” - chị Thủy cho biết. Hiện nay, HTX đang là đầu mối chính chuyên cung cấp các loại nấm cho hơn 8 cơ sở tiêu thụ kéo dài từ chợ Việt An (Hiệp Đức) cho đến chợ Nam Phước (Duy Xuyên). Mới đây, Sở Khoa học & công nghệ đã có chuyến khảo sát cơ sở sản xuất nấm của HTX để tiến hành phối hợp cung cấp các giống nấm an toàn. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở Khoa học & công nghệ đánh giá rất cao mô hình này: “Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, các bã nấm sau khi thu hoạch cũng là một loại phân vi sinh hữu cơ rất tốt cho việc trồng lúa, cây cối. Sở đã khảo sát và đang có kế hoạch phối hợp với cơ sở nấm Nhì Tây để sản xuất…”.
NGUYỄN DƯƠNG