Gần một thế kỷ đi qua, Báo Đảng Quảng Nam đã hiện diện trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Có bài học từ hành trình lịch sử còn để lại giá trị lớn lao cho hôm nay và mai sau.
Ghi vào dấu ấn lịch sử báo Đảng ở Quảng Nam là các tờ Lưỡi Cày (1930), Mõ Nhà Pha, Vắt Cơm Bi (1931), Cờ Độc Lập (1942), Chiến Thắng (1946), Quyết Tiến (1950 - 1959), Gung Dứr (Đứng lên - 1959), Pru Dương (Vùng lên - 1960), Giải phóng (1962), Cờ Giải Phóng (1966), Quảng Nam - Đà Nẵng (1976 - 1996), Quảng Nam (1997 đến nay). Đó là những “tờ hịch” tuyên truyền và cổ vũ phong trào cách mạng qua các thời kỳ, in những mốc son chói lọi cùng bao gian khổ hy sinh của đảng bộ và quân dân Quảng Nam trên chặng đường kháng chiến để giải phóng quê hương rồi đắp xây nền hòa bình.
Sống trong lòng dân
Không có dân không có cách mạng.
Đảng không thực hiện được sứ mệnh của mình nếu không có lòng dân ủng hộ, chở che, đùm bọc, nuôi dưỡng.
Bài học lớn này, với riêng những người làm báo chí cách mạng, báo Đảng càng có ý nghĩa thiêng liêng. Lịch sử kháng chiến đi từ đêm đen tới ánh sáng, chính báo Đảng đã góp phần trao truyền ngọn lửa của niềm tin lý tưởng, của khát vọng tranh đấu vì nền độc lập tự do cho Tổ quốc, quê hương.
Hãy đọc Lá thư từ lớp cứu thương, được dân cất giấu trong thùng đạn chôn dưới lòng đất Hội An để hiểu vì sao có một lớp người sẵn sàng chiến đấu hy sinh cho quê hương: “Chúng ta yêu nhau trong lòng đất miền Nam kháng chiến. Anh vào du kích giữ làng, giành lại từng tấc đất, từng người dân, với mái trường làng và tất cả những gì đã mất cho anh, cho mọi người, trong đó có phần hưởng của gia đình và của riêng em nữa… Mới hôm nào đây, em được dịp xem quyển “Thép đã tôi thế đấy”, trong đó có đoạn viết: “Cái quý nhất của con người là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí và để khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng đê tiện hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng tất cả đời ta, tất cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Em nghĩ lời nói ấy là một chân lý định hướng dẫn dắt chúng ta đến một chân trời xán lạn…” (Báo Giải Phóng, 1965).
Bài viết trên trang báo cũ cách đây 55 năm, đọc lại còn thấy ấm nồng tình cảm nhân văn và lý tưởng cách mạng, một thời đã tạo nên sức lay động tâm hồn, lan tỏa, thấm đượm vị đời, cổ vũ thanh niên lên đường cống hiến máu xương giải phóng đất nước khỏi xiềng xích ngoại xâm.
Thấm trong trang đời báo Đảng còn có mối tình đoàn kết gắn bó giữa Nhân Dân với Đảng, giữa miền xuôi và miền núi, giữa đồng bào các dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất này. Chỉ kể ở đây là ngay từ những ngày đen tối của cách mạng miền Nam, vào cuối 1959 đầu 1960, Ban cán sự Đảng miền tây Quảng Nam đã xuất bản tờ Gưng Dưr (Đứng lên) song ngữ Việt - Cơ Tu, và Pru dương (Vùng lên) bằng quốc ngữ phiên âm tiếng Ca Dong. Đó là những ngày xây dựng căn cứ địa kháng chiến dưới rừng già Trường Sơn, mà nếu không có sự chở che của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ không thể nào giữ được lửa cách mạng. Ông Quách Xân (Coonh Axướp) là một trong những cây lau đứng trấn miền biên ải để chỉ đạo làm các tờ tin đó nhằm vận động đồng bào đoàn kết, tăng gia sản xuất, phòng và chữa bệnh, hạn chế các tập tục có hại, xây dựng đời sống văn hóa, phổ biến kiến thức, dạy chữ cho đồng bào dân tộc để họ tin theo cái bụng họ nghĩ: “Đảng đã cắt đoạn ruột của cán bộ cho con em dân tộc”.
Nuôi dưỡng khát vọng
Khát vọng “giải phóng” là xuyên suốt thời kỳ kháng chiến dài mấy mươi năm. Và đó cũng là tên gọi của một tờ báo tồn tại từ năm 1962 cho đến 1975.Bắt đầu từ số 187 ra ngày 11.7.1975 báo Giải phóng đổi tên thành báo Quảng Nam - Đà Nẵng “để phù hợp với nhiệm vụ mới” mở ra một thời kỳ phát triển mới của báo Đảng. Nhiệm vụ mới là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển quê hương, là sứ mệnh của chặng đường báo Đảng chuyển mình từng bước theo đời sống hiện đại hóa.
Từ năm 1997, Quảng Nam và Đà Nẵng lại chia tách, Báo Quảng Nam được thành lập. Với điều kiện ban đầu khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, song Báo Quảng Nam, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, đã vượt qua mọi thách thức trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bám sát tình hình đời sống của các địa phương, nhằm góp phần xây dựng quê hương trong giai đoạn mới. Trải 23 năm qua, tờ báo đã được lãnh đạo tỉnh, nguồn lực nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và phương tiện tác nghiệp ngày càng khang trang hiện đại, được nhân dân trong tỉnh tin yêu, gửi gắm bao kỳ vọng, được cộng đồng giúp sức tổ chức thông tin và hoạt động xã hội. Ngoài tờ báo in phát hành 6 số/tuần (12 trang báo ngày và 16 trang Quảng Nam cuối tuần), còn có tờ báo điện tử cập nhật thông tin đa dạng, phong phú, sản xuất những sản phẩm báo chí đa phương tiện (tích hợp báo viết, báo hình, báo nói). Báo điện tử Quảng Nam cũng là một kênh thông tin đối ngoại chủ lực của tỉnh, có song ngữ Anh - Việt, cùng nhiều phụ trương khác.
Song hành với nhiệm vụ chính trị được mở rộng, đội ngũ Báo Quảng Nam ngày càng trưởng thành nhiều mặt, phát triển Đảng bộ Báo Quảng Nam với 34 đảng viên. Đại hội Đảng bộ Báo Quảng Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định phương hướng của tờ báo là “phát huy dân chủ, đoàn kết và khát vọng phát triển, xây dựng Báo Quảng Nam trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện tỉnh Quảng Nam”. Theo đó, khát vọng mới gắn liền với cuộc cách mạng mới về khoa học công nghệ, cách mạng số, hội nhập trên xa lộ thông tin toàn cầu. Sẽ phải có nhiều cải tiến, tái cơ cấu sản phẩm cho giai đoạn phát triển mới nhằm đưa được “Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam” trung thực, chính xác, đa dạng, kịp thời và hiệu quả.
Vẹn nghĩa tình tri ân quá khứ, thế hệ làm báo hôm nay cần luôn nhắc nhớ về những đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Tỉnh ủy, Tổng biên tập hoặc phụ trách, các nhà báo - chiến sĩ qua các thời kỳ đã đắp bồi nên truyền thống 90 năm Báo Đảng Quảng Nam. Đồng thời nuôi dưỡng khát vọng góp phần xây dựng quê hương xứ Quảng ngày càng phồn vinh hạnh phúc, xã hội công bằng dân chủ, văn minh.
Vẫn phải tắm mình trong đời sống nhân dân và nhân văn để lớn lên!
Tiếp nối cuộc hành trình đi tới cùng đời sống báo chí mới, mỗi ngày mỗi mới!