Tuy đã có sự chỉ đạo, vào cuộc sát sao của Chính phủ và các cơ quan chức năng về nhiệm vụ chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại… nhưng vấn nạn này ngày càng gia tăng đến mức báo động.
Người tiêu dùng Việt dễ dãi
Theo khảo sát của Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho thấy, có tới 95% các mặt hàng thương hiệu đang bị làm giả, làm nhái. Từ đồ gia dụng, quần áo, giày dép đến các mặt hàng hóa, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm đều có thể bị xâm phạm thương hiệu một cách tinh vi. Cục Quản lý thị trường (QLTT) cũng mới đưa ra thống kê, từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý được 57.867 vụ vi phạm hàng hóa. Riêng số vụ vi phạm về gian lận thương mại như sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã chiếm 40.472 vụ; vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm chiếm hơn 9.000 vụ.
Nâng cao ý thức cho người tiêu dùng để không tiếp tay cho kẻ gian cũng hành động thiết thực trong việc ngăn ngừa hàng giả. |
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, Phó ban chỉ đạo chống buôn bán hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại tỉnh, nhận định: “Có thể nói, những mặt hàng vi phạm bản quyền, giả, nhái thương hiệu từ cao cấp đến bình dân, đang len lỏi khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, miền núi làm nhiễu loạn thị trường, gây thiệt hại không nhỏ đến uy tín và sự sống còn của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Thế nên, một số chuyên gia kinh tế trong nước lẫn nước ngoài đã từng nhận định rằng, người Việt Nam chúng ta đã quá dễ dãi khi mua sắm nên vô tình tiếp tay cho nạn hàng giả, nhái, hàng lậu…”.
Nếu như việc nhái mẫu mã, nhãn hiệu, thương hiệu trước đây chỉ được thực hiện trong nước với quy mô nhỏ thì nay đã được kẻ gian thực hiện với quy mô lớn và ngày càng tinh vi hơn. Nhiều sản phẩm thời trang, hàng điện tử, hàng gia dụng… nhái, giả các thương hiệu nổi tiếng được sản xuất ở Trung Quốc, qua đường tiểu ngạch vào Việt Nam tiêu thụ. Một trong những nguyên nhân của tình trạng gia tăng các vụ vi phạm là kẻ gian ngày càng bất chấp các thủ đoạn, thay đổi cách thức hoạt động để qua mặt sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Công nghệ làm giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, nhiều mặt hàng hóa mỹ phẩm được làm giả ruột, còn mẫu mã, bao bì thì giống hàng thật, bằng mắt thường khó có thể phân biệt. Điều này cũng làm khó cho công tác kiểm tra của lực lượng chức năng” - ông Lương Xuân Tịnh - Đội trưởng đội chống buôn bán hàng lậu, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh, chia sẻ.
Doanh nghiệp thờ ơ
Thông thường, giá của các sản phẩm làm giả thường chỉ bằng 1/3 hoặc 1/2 giá trị của hàng thật nhưng với tâm lý “ham của rẻ” nên người tiêu dùng mặc nhiên chấp nhận khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng quyết liệt bảo vệ thương hiệu và nói không với nạn hàng giả. Theo lãnh đạo cơ quan QLTT, thỉnh thoảng, lực lượng cũng có thông tin về sản phẩm bị làm giả nhưng muốn vào cuộc làm việc rốt ráo đòi hỏi phải có sự tham gia của chính doanh nghiệp có thương hiệu bị làm giả. Nhưng doanh nghiệp không mấy mặn mà bởi hoặc họ cố bưng bít thông tin, không phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp viện lý do “không đủ khả năng và kinh phí để ngăn chặn”, không mặn mà với bảo vệ thương hiệu của chính mình.
Theo ông Lê Cần - Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh, nguyên nhân chính của nạn hàng giả, hàng nhái vẫn lộng hành chính là việc quy định xử lý vi phạm quá nhẹ. Một lô hàng gian lận có thể có giá trị hàng hóa vi phạm tới vài tỷ đồng nhưng kẻ chủ mưu sản xuất hàng giả, hàng nhái cũng chỉ bị phạt nhiều nhất là vài chục triệu đồng, con số quá nhỏ so với lợi nhuận thu về nếu lô hàng được đưa ra thị trường trót lọt. Thực tế cũng cho thấy, lực lượng QLTT cũng mới làm tốt ở thành phố, đồng bằng còn các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa đôi khi vẫn bị bỏ ngỏ hoặc do lực lượng mỏng, địa bàn Quảng Nam rộng nên không thể nào quán xuyến triệt để. Trong hai năm trở lại đây, lực lượng QLTT cũng chỉ mới tiếp nhận và phối hợp với vài doanh nghiệp xử lý vi phạm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Năm 2013 có gần trăm chiếc áo thương hiệu Việt Tiến bị làm giả, năm 2014 là hàng trăm chiếc kè chống bão của Công ty sản xuất sắt thép xà gồ Hà Tĩnh…
Được biết, đến nay một vài doanh nghiệp phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh vào cuộc bảo vệ thương hiệu. Như Công ty mỹ phẩm Thanh Nga cũng đã phối hợp với QLTT các tỉnh phát hiện hàng trăm cơ sở sản xuất Aihao giả, nhưng cứ “dập” chỗ này lại mọc lên chỗ khác, thiệt hại đến 80% doanh thu, cuối cùng đành chấp nhận tình trạng cứ hai tháng thay đổi mẫu mã một lần, dù tốn kém vô cùng nhưng để bảo vệ thương hiệu. “Đành rằng luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm còn nhẹ, chức năng thanh tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng còn rối và chưa đồng bộ. Nhưng chính nhận thức hạn chế của người dân về hàng giả, hàng nhái, thái độ thờ ơ, mặc nhiên chấp nhận tiêu thụ hàng giả của người dân cũng tạo điều kiện để hàng giả, hàng nhái phát triển”, ông Lê Cần - Chi cục phó Chi cục QLTT nói.
CHIÊU THỤC ANH