(QNO) - Từng có một công việc với mức lương khá ổn định, nhưng anh Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1990, trú phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) lại rẽ ngang sang nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ, và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nghĩa với mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ. Ảnh: THANH THẮNG |
Anh Nghĩa cho biết, năm 2012 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, anh xin vào làm tại khách sạn Bàn Thạch (TP.Tam Kỳ) với mức lương ổn định. Được một thời gian, anh nhận thấy mình không còn phù hợp công việc hiện tại và muốn tìm một công việc khác do mình làm chủ.
Đầu năm 2016, anh xin nghỉ việc tại khách sạn, về nhà vận động nguồn vốn từ gia đình và vay mượn hơn 400 triệu đồng để mở cơ sở kinh doanh thức ăn thủy sản tại phường Phước Hòa. Chỉ trong vài tháng, anh đã tiếp cận được nhiều thị trường chăn nuôi thủy sản trong tỉnh. Công việc kinh doanh của anh Nghĩa ăn nên làm ra.
“Điều quan trọng trong kinh doanh thức ăn chăn nuôi thủy sản chính là chất lượng sản phẩm mà mình cung ứng cho họ. Bên cạnh đó, không ngừng mở rộng thị trường” - anh Nghĩa chia sẻ.
Trong thời gian này, anh được tiếp xúc với nhiều người chăn nuôi. Những người có kiến thức về chăn nuôi thủy sản truyền lại các kỹ thuật nuôi cá, tôm. Với tính ham học hỏi và chịu khó, anh nghĩ ngay tới việc đầu tư nuôi cá lồng bè như một hình thức kinh doanh mới.
Nghĩ là làm, cuối năm 2016, anh tìm đến dòng sông Tam Kỳ (khu vực phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) để nuôi cá. Nhận thấy vị trí tốt, anh liền đầu tư hơn 300 triệu đồng để làm 10 lồng bè, mua cá diêu hồng giống về nuôi thử nghiệm. Lứa đầu tiên, cá phát triển tương đối tốt, nhưng gần đến kỳ thu hoạch, số lượng cá trong lồng bè dính bệnh rồi chết nhiều. Khi vào thu hoạch giá cá thấp (30 nghìn đồng/kg) khiến anh thua lỗ hơn 100 triệu đồng.
“Do nuôi trúng mùa nắng nóng nên tỷ lệ cá chết rất nhiều, dẫn đến thua lỗ. Ban đầu cứ nghĩ rằng mình có kiến thức, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì rất khó. Thất bại nhưng không nản chí, tôi tiếp tục đầu tư nuôi cá” - anh Nghĩa bộc bạch.
Khu vực nuôi cá lồng bè của anh Nghĩa được nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Ảnh: THANH THẮNG |
Sau thất bại ở lứa cá đầu tiên, anh Nghĩa phải gom các khoản lời từ việc kinh doanh thức ăn thủy sản bù vào. Lấy thất bại làm bài học kinh nghiệm cho riêng mình, anh chỉnh trang lại lồng bè tiếp tục vụ cá mới.
Lứa cá thứ 2, nhờ sự chỉ dạy của cha mình và nắm vững các kỹ thuật cùng với môi trường nuôi ổn định, trải qua 7 tháng chăm sóc, cá diêu hồng lớn nhanh, thương lái tới tận nơi để thu mua với giá cao. Sau đó anh Nghĩa quyết định mở rộng dần số lượng bè cá.
“Khó khăn trong nghề nuôi cá lồng bè dọc tuyến sông Tam Kỳ là thị trường hiện nay chưa ổn định. Chủ yếu là thị trường ngoài tỉnh, giá cả phụ thuộc vào thương lái. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm thị trường ổn định hơn và đầu tư mở rộng diện tích nuôi để cung ứng cho thị trường” - anh Nghĩa nói.
Qua 2 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè, đến nay anh Nghĩa đã mở rộng ra 36 lồng bè dọc tuyến sông Tam Kỳ. Hiện nay, mỗi ký cá diêu hồng có giá 45 nghìn đồng, mỗi vụ (6 - 7 tháng) thu lãi hơn 250 triệu đồng.
Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cho bản thân, mô hình nuôi cá lồng bè của anh Nghĩa còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng.
THANH THẮNG