(QNO) - Ả-rập Xê-út đang nhanh chóng chuyển mình để trở thành trung tâm công nghệ khu vực Trung Đông, nhờ vào làn sóng đầu tư chiến lược và các sáng kiến nổi bật tại vương quốc.
Đầu tư trọng tâm của Ả-rập Xê-út hướng tới thung lũng Silicon tại khu vực là dự án Transcendence - sáng kiến mang tính đột phá trị giá 100 tỷ USD khởi động vào năm 2024. Dự án do quỹ đầu tư công của Chính phủ Ả-rập Xê-út dẫn đầu và hợp tác với Google để xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo (AI) toàn diện tại vương quốc.
Sáng kiến cũng thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ địa phương, tạo cơ hội việc làm và thúc đẩy sự hợp tác với các công ty công nghệ toàn cầu, đưa Ả-rập Xê-út lên vị trí hàng đầu về đổi mới trong khu vực.
Minh chứng, tại hội nghị thượng đỉnh công nghệ toàn cầu diễn ra tại Riyadh, thủ đô của Ả-rập Xê-út vào tháng 2 năm nay thu hút hơn 170 nghìn khách tham quan cùng các khoản đầu tư vượt hơn 14,9 tỷ USD, nhấn mạnh sức hấp dẫn ngày càng tăng của vương quốc như điểm đến công nghệ và đổi mới.
Chiến lược Tầm nhìn 2030 của Ả-rập Xê-út nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc lâu dài vào doanh thu từ dầu mỏ.
Phát biểu với Kênh truyền hình Arab News, ông Noor Al-Nahhas - đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Công ty phần mềm Nybl có trụ sở tại UAE cho biết: "Ả-rập Xê-út đang tạo ra một hệ sinh thái mạnh mẽ để các công ty khởi nghiệp công nghệ phát triển, đồng thời đẩy nhanh đầu tư vào AI và công nghệ sâu - công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của ngành".
Ông Vikas Panchal - Tổng Giám đốc khu vực Trung Đông của Công ty công nghệ đa quốc gia Ấn Độ Tally Solutions nhận định: "Tầm nhìn 2030 của Ả-rập Xê-út đưa công nghệ và số hóa lên hàng đầu trong quá trình đa dạng hóa kinh tế, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được nhìn nhận là liên tục thành công".
Bằng cách trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ các giải pháp công nghệ giá cả phải chăng, dễ sử dụng, Ả-rập Xê-út có thể đạt được nền kinh tế thực sự do công nghệ thúc đẩy.
"Để cạnh tranh trên trường quốc tế đòi hỏi phải thay đổi tư duy. Ả-rập Xê-út không chỉ là người tiêu dùng công nghệ, chúng tôi là những người sáng tạo, thúc đẩy làn sóng đổi mới tiếp theo từ vương quốc này ra thế giới" - ông Noor Al-Nahhas nói.