A Xan - xã vùng cao của Tây Giang đã hoàn thành 10/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Hiện địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để đạt chuẩn NTM trước năm 2020.
Trồng cây “giảm nghèo”
Xã A Xan có 8 thôn, tỷ lệ hộ nghèo hiện chiếm 47% và cận nghèo cũng còn rất cao. Theo ông Hồ Văn Nhia - Chủ tịch UBND xã A Xan chia sẻ, để giảm nghèo, chủ trương của địa phương là tập trung mọi nguồn lực từ các chương trình 135, 30a, chương trình NTM và lồng ghép nhiều nguồn khác giúp nhân dân phát triển sản xuất, cụ thể là hỗ trợ cây, con giống cho người dân. Địa phương xác định phát triển vùng dược liệu, đưa cây dược liệu trở thành cây “giảm nghèo” của xã. Nhiều hộ dân các thôn Kanoonh 1, 2, 3 được cấp giống cây táo mèo, thảo quả trải qua 3 năm đã bắt đầu cho trái bói. Từ những hộ đã được cấp giống ban đầu, tiếp tục lấy phần thân để nhân giống cấp thêm cho một số hộ khác trồng nhân rộng. “Hiện 500 hộ trồng cây táo mèo (mỗi hộ trồng 150 cây) và 2ha thảo quả di thực đã cho trái bói. Riêng cây đẳng sâm, tr’din, ba kích bản địa, trong năm 2016, địa phương tiếp tục cấp giống đến người dân, tập trung chủ yếu cho 3 thôn Kanoonh 1, 2, 3. Diện tích đẳng sâm toàn xã lên tới 10ha và đang có hướng nhân rộng. Giống cam Ga Ri bản địa cũng được cấp cho 2 thôn Ganil và Agríh trồng” - ông Hồ Văn Nhia chia sẻ.
Diện mạo A Xan hôm nay. Ảnh: H.L |
Cũng theo ông Hồ Văn Nhia, từ sự chỉ đạo của huyện, địa phương tập trung 3 loại cây dược liệu chính là đẳng sâm, táo mèo, thảo quả, bên cạnh một số cây trồng khác như sả chân, tr’din. Hiện đẳng sâm có giá bán trên thị trường dao động 200 – 300 nghìn đồng/kg, song nguồn cung cấp còn nhỏ lẻ trong dân, chưa tạo sản phẩm hàng hóa được. Hầu hết diện tích đẳng sâm trong dân chỉ đang trong giai đoạn tiếp tục tạo giống chứ chưa có sản phẩm bán ra. Xã và huyện cũng vừa mua 500kg giống đẳng sâm trong dân để tiếp tục cung ứng giống cho hộ nghèo khác trồng nhân rộng. “Chủ trương của huyện là hộ nào trồng từ 1ha cây dược liệu trở lên sẽ được hỗ trợ giống cây trồng và được cấp 5 triệu đồng. Địa phương tuyên truyền, vận động người dân phát triển cây trồng, con vật nuôi tạo sản phẩm hàng hóa. Qua thực tiễn, bà con rất hiểu chủ trương, song khó khăn là đường sá chưa được thuận tiện, đầu ra và sức tiêu thụ của cây dược liệu vẫn còn khó” - ông Nhia nói.
Dốc sức cho nông thôn mới
Năm 2017, A Xan phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng 5 tuổi xuống còn 15%; giảm 7 - 8% tỷ lệ hộ nghèo; đưa 100 thanh niên đi xuất khẩu lao động và tiếp tục đẩy mạnh các tiêu chí NTM chưa đạt. |
Trên hành trình xây dựng NTM, A Xan đối diện với những khó khăn, trở lực lớn. Trước hết, đó là cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, chưa được đầu tư đồng bộ. Nhiều thôn của xã đang trong giai đoạn quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư. Về xây dựng cơ bản, năm 2016, 2 công trình nước sinh hoạt cho thôn Kanoonh 1, 2; công trình tường rào cổng ngõ Trường THCS Lý Tự Trọng sắp sửa hoàn thành. Công trình thủy lợi thôn Ganil, A Rầng 1, Agríh; công trình tường rào, sân Trường Tiểu học A Xan… đang đốc thúc kịp tiến độ. Năm 2017, địa phương sẽ đầu tư đường nội vùng bê tông hóa mặt bằng thôn Kanoonh 2, chiều dài 110m; đường nội vùng gạch nung thôn A Rầng 1 sẽ nghiệm thu. Trạm y tế xã; các tuyến đường bê tông liên thôn từ Kanoonh 2 lên Kanoonh 3, và đường nội vùng mặt bằng thôn A Rầng 3, Kanoonh 1, 3 cần được đầu tư giai đoạn tới; đầu tư công trình thủy lợi A Châm (thôn Kanoonh 2); kéo điện về các thôn Agríh, A Rầng 2 hay sửa chữa, khắc phục một số công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng… Như vậy, nhu cầu xây dựng cơ bản rất lớn, khối lượng công việc đồ sộ, cần nguồn lực đầu tư mạnh mới có thể đạt tiêu chí NTM giai đoạn 2018 - 2020 theo kế hoạch.
Hiện tổng diện tích gieo trồng của xã đạt 3.600ha/năm, trong đó cây lương thực có hạt chiếm 500ha, cây lúa nước hơn 140ha; tổng đàn gia súc của xã là 1.700 con, gia cầm 2.950 con. Để giảm nghèo, chính quyền địa phương xác định phát triển nông - lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng NTM. Chính quyền A Xan nỗ lực nghiên cứu, huy động các nguồn lực 30a, 135, NTM, bên cạnh nguồn vốn vay hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho mục tiêu giảm nghèo. Đó là cấp giống cây trồng, con vật nuôi; khai hoang, cải tạo mặt bằng, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, thâm canh tăng năng suất. Với những diện tích lúa nước 2 vụ/năm, địa phương đang nghiên cứu triển khai trồng 1 vụ lúa nước và trồng 1 vụ cây màu để nâng giá trị, sản lượng. Về cây lâm nghiệp, năm 2017, tiếp tục khai hoang đất rẫy, trồng mới 30ha rừng. Toàn xã đã hình thành 31 nhóm chăn nuôi tập trung khoanh vùng. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, có 22 nhóm hộ được giao khoán bảo vệ rừng trên tổng diện tích 4.851ha, diện tích giao khoán rừng cộng đồng dự án BBC là 120ha. Thôn Kanoonh 2 được vận động trồng cây lát hoa, lim trên diện tích 20ha (dự án BBC hỗ trợ); thôn Ganil trồng 200 cây bạch đàn cao sản… Bên cạnh phát triển kinh tế, việc chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc Cơ Tu cũng hết sức được chú trọng ở xã vùng cao này.
HOÀNG LIÊN