A Xan thiếu nước sạch

PHAN VINH 13/08/2016 09:10

(QNO) - Lâu nay, hơn 500 hộ dân Cơ Tu xã A Xan (Tây Giang) phải dùng nguồn nước lấy từ các khe suối ô nhiễm. Mùa nắng sông, suối cạn nước hoặc bị nhiễm phèn; mùa mưa nước có màu vàng đục do lẫn bùn.

Dù lắp đường ống dẫn nước từ suối về nhưng vẫn không ổn định. Ảnh: PHAN VINH
Dù lắp đường ống dẫn nước từ suối về nhưng vẫn không ổn định. Ảnh: PHAN VINH

Kinh tế gia đình khó khăn nên bà Pơloong Dơơnh (70 tuổi, ở tại thôn Arầng 1, xã A Xan) không đủ tiền mua đường ống dẫn nước từ suối về nhà. Bà phải dùng chung đường ống với nhà bên cạnh. Tuy vậy, nguồn nước lại không ổn định và rất ô nhiễm. Hệ thống ống nước bằng chất liệu nhựa mềm dài hơn 1km dẫn từ khe suối về đến khu dân cư thường xuyên bị hư hỏng do sử dụng lâu ngày hoặc bị trâu, bò chăn thả trong rừng dẫm đạp.

“Cứ 3 - 4 ngày hư một lần, phải dò theo đường ống tìm ra chỗ hở rồi sửa lại, ít nhất cũng mất 1 ngày lặn lội trong rừng. Đã vậy, nước còn bị nhiễm phèn vào mùa nắng và có màu đục vào mùa mưa. Biết vậy nhưng cả gia đình đều phải phụ thuộc vào một nguồn nước duy nhất này trong mọi sinh hoạt, ăn uống" - bà Dơơnh nói.

Đó cũng là tình cảnh chung của 536 hộ dân với hơn 2.160 nhân khẩu hiện đang sinh sống tại xã A Xan. Lên đây làm kinh tế từ năm 1989, ông Lê Văn Tiên có điều kiện hơn những người dân địa phương nên đã xây được một giếng nước ở trong rừng và dẫn đường ống về hệ thống bể lắng tại nhà rồi mới sử dụng. Tuy nhiên, việc tìm được nguồn nước ngầm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Tiên phải khoan thăm dò nhiều địa điểm khác nhau, ở độ sâu trung bình từ 10 - 20m mới tìm được một mạch nước ngầm ổn định. Thế nhưng nước lấy về vẫn bị nhiễm phèn nên ông đã xây 2 bể lắng với tổng kinh phí gần 10 triệu đồng để có được nguồn nước dùng trong sinh hoạt, ăn uống.

Có bể lóng nhưng nước nhà ông Tiên vẫn bị đục. Ảnh: PHAN VINH
Có bể lắng nhưng nước nhà ông Tiên vẫn bị đục. Ảnh: PHAN VINH

Ông Tiên cho biết, thời gian trước đây, trong vòng 10 năm ông cũng dùng cách lấy nước như người dân địa phương bây giờ nhưng cứ 2 - 3 ngày là phải đi sửa một lần, nguồn nước lại có mùi phân trâu, bò. Chừng ấy năm, ông đã di chuyển và thay mới đường ống dẫn nước gần 10 lần, như vậy rất tốn kém.

“Bây giờ xây dựng hệ thống bể lắng chỉ là tạm thời, 1 tuần là phải súc bể một lần chứ phèn đọng lại rất nhiều. Mà như vậy cũng chưa dám chắc được nước mình dùng có an toàn hay không. Mùa mưa thì không có bể lắng nào có thể xử lý được hết bùn” - ông Tiên tâm sự.

Theo UBND xã A Xan, tình trạng người dân địa phương phải dùng nguồn nước ô nhiễm lấy từ khe, suối diễn ra từ xưa đến nay. Hai thôn nghiêm trọng nhất là Arầng 1 và Kanoonh 3. Tại khu vực trung tâm xã (Arầng 1) có lượng nước chảy về khá hạn chế nhưng lại tập trung đông dân cư và là điểm đóng quân của Đồn Biên phòng A Xan. Vào mùa nắng, khu vực này thiếu nước nghiêm trọng, trong khi đó, sắp tới sẽ có 3 trường học được xây dựng tại đây. Còn khu vực thôn Kanoonh 3 thiếu nước vì đây là địa điểm nằm ở vị trí cao hơn so với các khe, suối.

Anh Blup Điah (35 tuổi, ở thôn Kanooh 3) chia sẻ: “Mỗi lần đưa nước về phải dùng máy bơm nên rất khó khăn. Nếu muốn đủ nước để sinh hoạt phải dự trữ cho nhiều. Nhưng hiện tại ở thôn chưa có bể nước nào cả nên chỉ dùng những xô, thùng để chứa tạm”.

Công trình bể chứa nước bị bỏ hoang mấy năm nay. Ảnh: PHAN VINH
Công trình bể chứa nước bị bỏ hoang mấy năm nay. Ảnh: PHAN VINH

Theo ông Alăng Sanh - Phó Chủ tịch UBND xã A Xan, vào năm 2000, tại khu vực thôn Arầng 1 đã xây dựng một hệ thống bể chứa nước, tuy nhiên nguồn nước cũng lấy trực tiếp từ các khu vực khe, suối xung quanh. Hoạt động trong thời gian ngắn thì nơi đặt hệ thống lấy nước không cung cấp đủ dung tích của bể chứa. Hơn nữa, đường ống dẫn nước đi ngang qua mảnh đất bên cạnh Đồn Biên phòng A Xan nhưng vào năm 2011, khu vực này đã được xây dựng công trình nhà khách và khu vui chơi nên nguồn nước đưa về bể chứa bị cắt hẳn. Hiện tại, công trình bể chứa nước đã không còn hoạt động và các cơ sở vật chất như thành bể và vòi chảy đã hư hỏng nặng.

“Nhu cầu bức thiết nhất của chính quyền cũng như người dân xã A Xan là mong muốn có một công trình nước sạch an toàn và bền vững. Hiện tại, hầu hết người dân nơi đây đều đang dùng nguồn nước không đảm bảo. Đối với địa hình đồi núi như ở A Xan, tôi nghĩ chỉ có công trình bơm nước từ mạch ngầm rồi sau đó xử lý theo tiêu chuẩn khoa học - kỹ thuật thì mới mong có được nguồn nước an toàn và sạch sẽ” - ông Sanh cho biết thêm.

PHAN VINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
A Xan thiếu nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO