Mưa liên tục kéo dài, địa hình hiểm trở, khó tiếp cận nên huyện Nam Trà My vẫn còn những điểm sạt lở chưa thể khắc phục ngay, khó khăn nhất vẫn là tuyến đường ĐH8 của huyện.
Tuyến đường dự phòng ĐH8 của huyện Nam Trà My bị ách tắc nghiêm trọng, có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở tại nhiều điểm nếu tiếp tục xảy ra mưa lớn trong thời gian tới, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân; khó khăn hơn nữa là gây trở ngại trong công tác triển khai cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xấu.
Ông Hồ Văn Huyện - Chủ tịch UBND xã Trà Vân cho biết, trên địa bàn xã xảy ra nhiều điểm sạt lở gây ách tắc giao thông cục bộ, riêng tuyến ĐH8 nối với đường Đông Trường Sơn bị sạt lở tới 6 điểm với hàng trăm khối đất đá đổ xuống, người và phương tiện rất chật vật mới có thể di chuyển qua những điểm này.
Tuyến ĐH8 từ xã Trà Vân đi Đông Trường Sơn được xác định là đường dự phòng quan trọng, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, giúp huyện Nam Trà My tránh bị cô lập trong trường hợp quốc lộ 40B bị sạt lở nặng như các năm trước. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì tuyến đường dự phòng này có nguy cơ ách tắc. Từ năm 2017 đến nay, tuyến đường này đã có hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ, đặc biệt là đoạn từ UBND xã Trà Vân đi Khe Chữ đã có tới 4 điểm bị sạt lở nặng khó khắc phục. Đây cũng là tuyến vận chuyển nhu yếu phẩm cho nhân dân vùng sâu vùng xa trong mùa mưa lũ.
Đường ĐH8 từng là tuyến giao thông góp phần giải nguy cho bà con làng Khe Chữ trong sự cố sạt lở năm 2017, đồng thời cũng là một trong hai tuyến đường (bên cạnh tuyến quốc lộ 40B) có thể kết nối huyện Nam Trà My với các huyện trong tỉnh và tỉnh Quảng Ngãi, đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, để đối phó với ảnh hưởng của mưa bão, huyện đã khẩn trương chỉ đạo các địa phương và đơn vị liên quan nghiên cứu phương án khắc phục con đường này càng sớm càng tốt trước khi đợt mưa tiếp theo diễn ra.
“Hiện nay, nhân dân địa phương đã khắc phục tạm thời bằng cách san lấp, tạo rãnh để có thể lưu thông xe máy và đi bộ qua các điểm bị sạt lở, đồng thời huyện đang huy động các phương tiện khẩn trương tiếp cận các điểm sạt lở để khơi thông ách tắc. Tuy nhiên việc khắc phục không thể ngày một ngày hai vì lượng đất đổ xuống rất lớn, bên cạnh đó nền đất không ổn định có thể đe dọa đến sự an toàn của công nhân thi công” - ông Mẫn nói.