Ách tắc mặt bằng cầu Giao Thủy: Người dân lại khiếu nại

CÔNG TÚ 01/08/2016 08:33

Có 12/17 hộ dân tạm trú tại khu tập thể Xí nghiệp (XN) ươm tơ Giao Thủy cũ (xã Đại Hòa, Đại Lộc) - trong phạm vi giải phóng mặt bằng thi công cầu Giao Thủy, đã gửi đơn đòi công nhận nhà ở và đất ở thuộc quyền sở hữu và sử dụng của họ.

Mố phía bắc cầu Giao Thủy chưa kết nối được với đường dẫn do vướng mặt bằng. Ảnh: CÔNG TÚ
Mố phía bắc cầu Giao Thủy chưa kết nối được với đường dẫn do vướng mặt bằng. Ảnh: CÔNG TÚ

Đòi công nhận quyền sử dụng

Ông Nguyễn Quang Hạo - Phó Giám đốc chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đại Lộc cho biết, sau nhiều lần đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện giải phóng mặt bằng dự án thi công cầu Giao Thủy gửi giấy mời, mới có tổng cộng 7/17 hộ dân sinh sống tại XN ươm tơ Giao Thủy cũ đồng thuận nhận tiền. Tuy nhiên, 2 hộ dân đã nhận tiền là bà Nguyễn Thị Ngọc Liên và ông Bùi Văn Quang lại bất ngờ đổi ý và cùng với 10 hộ còn lại gửi đơn khiếu nại tập thể đến Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc. Các hộ dân kể trên cho rằng, năm 1994, XN không thể hoạt động và bàn giao văn phòng làm việc cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), còn nhà ở và đất ở của công nhân không bàn giao mà vẫn tiếp tục giao cho các gia đình họ quản lý, sử dụng; kinh phí để xây dựng nhà ở không phải từ nguồn ngân sách nhà nước nên họ không bàn giao. Do vậy, 12 gia đình đã tiếp tục quản lý, sử dụng nhà ở từ năm 1979 đến nay và không được cơ quan nhà nước nào quản lý về nhà ở cũng như đất ở. Những hộ này cũng liệt kê hàng loạt quy định trong Luật Đất đai 2013, các nghị định, quyết định liên quan và cho rằng xác định nhà ở và đất ở nêu trên thuộc quyền sở hữu của họ theo diện tích chưa có giấy tờ hoặc thất lạc giấy tờ, nhưng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thỏa đáng.

Thời gian qua, UBND tỉnh và UBND huyện Đại Lộc liên tục vận dụng mọi chính sách hiện hành để hỗ trợ cho 17 hộ tạm trú tại XN ươm tơ Giao Thủy cũ. Theo thống kê, Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Đại Lộc đã 3 lần mời nhận tiền song chỉ có 1 hộ đến nhận. Các hộ còn lại kiến nghị hỗ trợ thêm phần cơi nới (không phép) và bố trí xen cư, vì gia cảnh nghèo khó, không có chỗ an cư nên mới “bám trụ” lại. Nguyện vọng trên cũng đã được giải quyết. Song, ở đợt mới nhất thì chỉ 7/17 hộ đồng thuận nhận tiền, sau đó có 2 hộ “đổi ý”.  

Trong khi đó, điểm tái định cư cho 17 hộ đã xong phần san nền (tổ đoàn kết số 1, thôn Hòa Thạch, Đại Hòa). Xã Đại Hòa cũng hoàn thành 100m đường (thuộc tuyến đường liên thôn trong quy hoạch nông thôn mới) chạy ngang phía trước, đảm bảo lưu thông cho điểm tái định cư này.

Trước đó, ngày 4.6, các hộ này làm đơn gửi UBND tỉnh, UBND huyện Đại Lộc, UBND xã Đại Hòa và ban lãnh đạo cũ của XN ươm tơ Giao Thủy xin xác nhận họ là công nhân, thuộc diện được cấp nhà ở tập thể và có chi trả tiền khấu hao nhà. Đơn đã được ông Nguyễn Á - nguyên Giám đốc và bà Nguyễn Thị Hội - nguyên Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn XN xác nhận là đúng. Trong biên bản họp với các ngành, địa phương liên quan diễn ra ngày 18.2 vừa qua, ông Á khẳng định, khu tập thể xây dựng từ năm 1978 từ nguồn phúc lợi của XN, việc bố trí chỗ ở do công đoàn quản lý và đề xuất ban giám đốc ra quyết định. Đối tượng được bố trí là công nhân có gia đình và có con nhưng ở xa để tiện tham gia sản xuất. Như vậy, 12 gia đình nói riêng được cấp (tạm thời) như nhiều đồng nghiệp có gia cảnh khó khăn khác, chứ không phải được công đoàn bán hẳn căn nhà thuộc khu tập thể, bởi đất ở thuộc Nhà nước quản lý. Và thực tiễn chứng tỏ, khi XN bàn giao, rồi giải thể thì việc khấu hao không tiếp diễn. Ông Á cũng ký vào biên bản họp có nội dung: các hộ này không phải thuê nhà ở của Nhà nước. Nhưng đơn khiếu nại, những hộ này cho rằng quá trình chuyển đổi, giải thể XN và chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng “đã làm thất lạc hết những giấy tờ liên quan đến việc cấp nhà ở và đất ở cho gia đình chúng tôi. Nguyên nhân khách quan là lịch sử để lại được ông Á và bà Hội xác nhận (có đơn xin xác nhận kèm theo).

Đất đã được bàn giao cho địa phương

Đơn xin xác nhận của 12 hộ dân này vào ngày 4.6 gửi ban lãnh đạo XN cũ lại không hề ghi nội dung: “đã làm thất lạc hết những giấy tờ liên quan đến việc cấp nhà ở và đất ở cho gia đình chúng tôi”. Trao đổi với chúng tôi, ông Á khẳng định đất ở thuộc quyền quản lý của Nhà nước, việc bàn giao là đúng quy định. Còn khi 12 hộ đưa đơn để ông ký xác nhận, họ không có kèm theo đơn khiếu nại nên không rõ nội dung khiếu nại như thế nào. Trong khi đó, ngày 24.10.2000, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3736/QĐ-UB về bàn giao XN may Điện Bàn cho Chi nhánh Tổng Công ty Dệt may Việt Nam tại TP.Đà Nẵng. Quyết định nêu rõ, UBND huyện Đại Lộc tổ chức tiếp nhận cơ sở ươm tơ Giao Thủy (năm 1994 bàn giao cho công ty dâu tằm, năm 1997 bàn giao lại cho XN may Điện Bàn quản lý - PV) để quản lý và có phương án sử dụng mặt bằng, tài sản được giao để tổ chức sản xuất, phục hồi ngành dâu tằm của nhân dân. Như vậy, đất đai và tài sản, kể cả khu nhà tập thể của XN ươm tơ Giao thủy khi ấy đã được UBND tỉnh giao cho UBND huyện Đại Lộc tiếp nhận. Song, khâu giải quyết chế độ nghỉ việc của người lao động kéo dài, cộng thêm một số cá nhân dựa vào yêu sách giải quyết chế độ chính sách đã gây khó khăn cho công tác bàn giao. Năm 2002, Sở Công nghiệp Quảng Nam (nay là Sở Công Thương) chủ trì cuộc họp và kết luận nhiều nội dung quan trọng.

Một số hộ dân tạm trú khu tập thể tiếp tục khiếu nại tập thể.
Một số hộ dân tạm trú khu tập thể tiếp tục khiếu nại tập thể.

Ngày 31.10.2002, các bên liên quan tiến hành kiểm kê hiện trạng XN ươm tơ Giao Thủy và nhận bàn giao tài sản đất đai về UBND huyện Đại Lộc quản lý, sử dụng. Một trong 12 hộ dân viết đơn khiếu nại là ông Trương Phô - nguyên bảo vệ, thủ kho XN có tên nơi biên bản làm việc. Biên bản còn ghi ý kiến của đại diện XN may Điện Bàn - ông Trần Văn Dũng khẳng định: “Về giá trị tài sản còn lại để bàn giao, thống nhất theo giá thời điểm kiểm kê đánh giá năm 1994 của XN ươm tơ cũ. Vì năm 1997, XN may Điện Bàn nhận bàn giao cũng trên cơ sở này và từ năm 1997 đến năm 2002 không sử dụng nên cũng không hấu khao và đánh giá lại”. Theo ý kiến trên, ông Dũng gián tiếp khẳng định đơn vị không nhận tiền khấu hao từ các hộ sinh sống tại khu tập thể. Tiếp đó, ngày 21.11, Phòng Tài chính Đại Lộc (nay là Phòng Tài chính - kế hoạch) bàn giao cho ông Trương Phô số tài sản kiểm kê, kèm theo ổ khóa và chìa khóa để bảo vệ. Cũng trong năm này, XN ươm tơ Giao Thủy chính thức giải thể. Sau khi đã nhận bàn giao, ngày 17.3.2003, UBND huyện Đại Lộc lập biên bản cho ông Nguyễn Á (và bà Hội) mượn đất, nhà cửa vật kiến trúc để sử dụng khôi phục phát triển lại ngành nghề ươm tơ. Ông Á đề nghị địa phương tách riêng khu nhà ở tập thể của công nhân và dãy nhà lầu 2 tầng giao cho UBND xã Đại Hòa quản lý, bên mượn mặt bằng chỉ quản lý khu vực sản xuất. Thế nhưng, kế hoạch khôi phục phát triển ngành nghề ươm tơ thất bại. Ngày 25.5.2007, Đại Lộc bàn giao toàn bộ đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc để xã Đại Hòa sử dụng, bảo vệ. Đến ngày 29.12.2010, UBND huyện tiến hành kiểm kê, định giá lại tài sản XN ươm tơ và bàn giao cho xã Đại Hòa quản lý.

Từ các văn bản trên, có thể khẳng định khu tập thể mà 12 gia đình đang tạm trú đã được bàn giao cho địa phương quản lý. Thế nên, việc các hộ dân cho rằng mình tiếp tục quản lý, sử dụng nhà ở từ năm 1979 đến nay và không được cơ quan nhà nước nào quản lý về nhà ở cũng như đất ở là không có cơ sở.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ách tắc mặt bằng cầu Giao Thủy: Người dân lại khiếu nại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO