Ách tắc mặt bằng đường giao thông

CÔNG TÚ 03/04/2018 14:32

Nỗi lo “vỡ trận” về đích theo hạn lệnh ở một số công trình hạ tầng do Sở GTVT làm chủ đầu tư đã hiện hữu, khi ách tắc giải phóng mặt bằng (GPMB) tồn tại dai dẳng nhiều tháng qua.

Ách tắc mặt bằng dai dẳng tại vị trí nút giao quốc lộ 14E với ngã ba Cây Cốc. Ảnh: C.TÚ
Ách tắc mặt bằng dai dẳng tại vị trí nút giao quốc lộ 14E với ngã ba Cây Cốc. Ảnh: C.TÚ

Ách tắc dai dẳng

Rắc rối đeo bám công trường dự án nâng cấp, mở rộng tuyến tỉnh lộ (ĐT) 607, đoạn km11+900 - km14+565,62 qua thị xã Điện Bàn. Gói thầu thi công xây dựng này khởi động đầu năm 2015, đến cuối năm hoàn thành, trừ lý trình km14+279,79 - km14+565,62 (dài 285,83m) vệt bên phải chưa thực hiện do vướng mặt bằng. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (đại diện chủ đầu tư), địa phương vận động, giải thích, đến tháng 10.2017 mới khơi thông xong 2 “điểm nghẽn” ông Đặng Hữu Đức và bà Võ Thị Cân, bố trí đất tái định cư (TĐC) bổ sung cho các hộ vào khu TĐC mở rộng phường Điện Nam Trung. Nhưng đến lúc nhà thầu làm, hộ ông Võ Như Ái và khoảng 13 hộ dân nằm ven đoạn km14+200 - km14+421 cản trở không cho thi công, mặc dù họ đã nhận tiền và có bản cam kết bàn giao mặt bằng. Cũng trên tuyến ĐT607, dự án mở rộng đoạn km14+565 - km18+00 (dài 3.430m) bắt đầu xây dựng ngày 3.11.2016. Để triển khai công trình, tháng 3.2016, công tác GPMB được tiến hành. Đến nay, Điện Bàn bàn giao được tổng cộng 3,3km chiều dài. Ách tắc còn lại thuộc đoạn nút giao Thương Tín (Điện Bàn - Hội An) dài 130m. Tuy nhiên, xen kẽ giữa công địa bàn giao vẫn gặp nhiều trở ngại khi một số hộ chưa đồng ý nhận tiền hoặc đã nhận song “đủng đỉnh” chờ thời.

Năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu trước ngày 30.4.2018 phải hoàn thành dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến quốc lộ 1 (tại ngã ba Cây Cốc, huyện Thăng Bình). Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam - ông Trần Cảnh Hà cho biết, chiều dài toàn tuyến là 6,671km nhưng đến cuối tháng 3 địa phương mới bàn giao được tổng cộng 5,88km. Hiện tuyến đường thi công còn vướng 33 điểm, khó khăn nhất là việc giải quyết bồi thường cho 17 trường hợp TĐC tại xã Bình Đào và một số vị trí tại nút giao ngã ba Cây Cốc với quốc lộ 1. Những “điểm nghẽn” vừa nêu không dễ khai thông ngay, đồng nghĩa với hạn lệnh về đích cuối tháng 4 bị “vỡ trận”. Dự án đường nối từ quốc lộ 1 (tại ngã ba Cây Cốc, Thăng Bình) đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với quốc lộ 14E cũng chỉ bàn giao cho nhà thầu được 3,2/3,8km chiều dài mặt bằng. Khối lượng tồn tại dai dẳng chủ yếu tập trung hai đoạn trùng với quốc lộ 14E (thị trấn Hà Lam 0,5km và xã Bình Quý 0,1km). Thống kê của đại diện chủ đầu tư, đoạn qua thị trấn Hà Lam vướng 52 hộ, 12 hộ khác thuộc địa bàn xã Bình Quý. Thực trạng khiến cho liên danh nhà thầu là Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam và Công ty CP Xây dựng giao thông Quảng Nam “kêu trời”, bởi vì máy móc thiết bị tập kết thường xuyên rơi vào cảnh “đắp chiếu”.

Tập trung tháo gỡ

Những dự án giao thông nêu trên có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các trục giao thông chính và kết nối liên vùng. Công trình đưa vào sử dụng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế  - xã hội, giải quyết bài toán ùn tắc lưu thông. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tập trung hoàn thành GPMB để thi công kịp tiến độ. Về tháo gỡ ách tắc dự án ĐT607, UBND tỉnh giao UBND thị xã Điện Bàn chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan (mời Công an thị xã tham gia) rà soát lại hồ sơ, thủ tục hộ ông Võ Như Ái và 13 hộ đoạn km14+200 - km14+421, để hoàn chỉnh hồ sơ và xây dựng phương án cưỡng chế hoặc bảo vệ thi công. Trên cơ sở đó, phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị có sự hỗ trợ, triển khai hoàn thành trước ngày 10.4. Với đoạn tuyến km14+565 - km18+00, UBND thị xã chủ trì, cùng với đơn vị liên quan và 2  phường Điện Nam Trung, Điện Nam Đông làm việc cụ thể với hộ chưa đồng ý hoặc đã nhận tiền song chưa bàn giao mặt bằng vẫn còn thắc mắc, kiến nghị để điều chỉnh, bổ sung hồ sơ (nếu có sai sót), giải thích rõ các quy định, chính sách pháp luật và vận động họ bàn giao mặt bằng trước ngày 15.4. Nếu hồ sơ, thủ tục đảm bảo quy định và đã giải thích, vận động nhưng người dân không chấp hành, thị xã bảo vệ thi công hoặc ban hành quyết định cưỡng chế, thực hiện hoàn thành trong tháng 4.

Trên dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến quốc lộ 1, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất Thăng Bình phối hợp với UBND xã Bình Đào yêu cầu hộ bà Trương Thị Lan khẩn trương di dời 10 ngôi mộ vào khu nghĩa trang Bình Đào theo nguyện vọng của gia đình, trước ngày 15.4 phải bàn giao thực địa. Cạnh đó, đơn vị này phối hợp với xã Bình Đào hoàn thành rà soát hộ được bố trí TĐC của dự án có nhu cầu nhận đất ở tại khu TĐC Bình Đào và xác định số lô chính, lô phụ theo đúng quy định của UBND tỉnh. Nếu thiếu đất ở để bố trí lô phụ, UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho Thăng Bình mở rộng thêm diện tích khu TĐC. Đoạn qua thị trấn Hà Lam, huyện đối thoại lần cuối, mời cơ quan chuyên môn của tỉnh về giải thích và yêu cầu chấp hành. Nếu không đồng thuận, địa phương rà soát, củng cố hồ sơ và ban hành quyết định cưỡng chế để làm xong trong tháng 4. Riêng dự án đường nối từ quốc lộ 1 đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với quốc lộ 14E, Trung tâm Phát triển quỹ đất Thăng Bình phải hoàn chỉnh phương án GPMB cho trường hợp liên quan đến đất hành lang giao thông theo chủ trương của UBND tỉnh, trình UBND huyện thẩm định, phê duyệt. Hộ nào còn thắc mắc, kiến nghị, huyện chỉ đạo kiểm tra, điều chỉnh (nếu có sai sót), giải thích rõ và vận động, yêu cầu bàn giao mặt bằng trước ngày 15.4. Sau thời gian này, ai không tuân thủ, UBND huyện chỉ đạo rà soát, củng cố hồ sơ, thủ tục để bảo vệ thi công, bàn giao dứt điểm mặt bằng trong tháng 4.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ách tắc mặt bằng đường giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO