Tình trạng thiếu đất tái định cư (TĐC),“khủng hoảng” trong quy hoạch khu cải táng mồ mả cho người chết đã gây áp lực không nhỏ trong giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các địa phương. Trong khi đó, quá trình thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.
|
Chờ đất ở
Hai hộ ông Phan Quang Trung và Trần Thị Khánh (thôn Phong Thử, xã Điện Thọ, Điện Bàn) nhận tiền bồi thường (BT) song chưa bàn giao mặt bằng vì Nhà nước chưa có đất TĐC. Khi đơn vị thi công đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian chờ nhận lô đất mới thì các hộ dân này lo lắng vì cho rằng không thể an tâm khi không biết bao giờ Nhà nước mới xây xong khu TĐC. Ông Phạm Văn Lực (thôn Phong Thử 2, xã Điện Thọ) cho rằng, ngoài việc so sánh thiệt hơn về giá trị BT, ông còn băn khoăn không biết gia đình có được bốc lô đất nằm trên trục đường chính của khu TĐC Phong Thử 1 hay không. Ông Lực thắc mắc nhiều hộ TĐC yêu cầu đơn vị thi công phải bóc lớp đất nền với bề dày tối thiểu 0,5m tại khu đang xây dựng vì biết rằng nơi đây có nhiều mồ mả, rất tiếc chưa được chính quyền, chủ đầu tư đáp ứng một cách thỏa đáng.
Đường cao tốc đang thi công tại xã Tam Đại (Phú Ninh). Ảnh: H.P |
Tại xã Tam Nghĩa (Núi Thành), Nhà nước còn nợ hơn 30 lô đất TĐC bố trí cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng nhà ở. Chính quyền chỉ mới “ngắm” được địa điểm bố trí TĐC nằm trong khu dân cư An Thiện. Muốn đưa dân về an cư, ít ra nơi đây phải đảm bảo hạ tầng tối thiểu như điện – đường – trường – trạm. Phần lớn mỗi người dân được BT nhà ở bình quân trên dưới 150 nghìn đồng, tuy nhiên theo khái toán ban đầu của chính quyền xã Tam Nghĩa thì mỗi suất đầu tư hạ tầng tối thiểu 100 triệu đồng, người dân chỉ đủ tiền mua đất chứ không đủ tiền xây nhà ở trên vùng đất mới. Tương tự, 19 hộ dân thôn Đa Phú 2 (xã Tam Mỹ Đông, Núi Thành) thuộc diện được Nhà nước bố trí TĐC đã có phương án BT-HT, hầu hết các hộ đã đăng ký nhận suất đầu tư hạ tầng, nhưng vẫn không rời xa chỗ ở cũ do địa phương chưa tìm ra địa điểm bố trí cho dân.
Đường cao tốc cắt qua nhiều ngôi nhà ở của người dân thuộc các thôn của xã Tam Đại, Tam Thái (Phú Ninh) phải dừng thi công nhiều tháng nay vì các hộ kiên quyết không tháo dỡ nhà dời đi. Các hộ thuộc diện bố trí TĐC thôn 5 (xã Tam Thái) cho rằng, không phải người dân làm khó đơn vị thi công dây dưa bàn giao mặt bằng, mà cái chính nếu thuê nhà ở tuy họ có chỗ sinh hoạt, nhưng trâu bò, heo gà chẳng biết ở đâu. “Chính sách đã quy định rõ, Nhà nước bắt buộc lo bố trí TĐC trước khi giải tỏa nhà cửa, nhưng dự án đường cao tốc thì khác. TĐC đến sau khi GPMB đã gây xáo trộn sinh hoạt, sản xuất cho chúng tôi” – một người dân thôn 5, xã Tam Thái phân trần. Ở xã Tam Đại, khu TĐC tập trung mới dang dở các hạng mục không biết đến bao giờ mới hoàn thành để sắp xếp 18 hộ dân của địa phương vào an cư. Đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cho biết, hiện Phú Ninh còn 137 lô chưa bố trí đất TĐC do đang đầu tư kết cấu hạ tầng.
Dự án đường cao tốc có 886 hộ thuộc diện TĐC với 1.280 lô đất nhưng hiện mới bố trí được 700 lô. Trong số 19 khu TĐC để bố trí thì đến nay mới xây dựng được 11 khu TĐC. Một số nơi hoàn thiện, nhưng người dân không muốn đến ở vì xa nơi sản xuất, không đảm bảo hạ tầng tối thiểu. |
Ròng rã 3 tháng nay, chính quyền xã Tam Xuân 1 (Núi Thành) vẫn chưa tìm ra được địa điểm xây dựng khu cải táng tập trung cho gần 90 ngôi mộ bị ảnh hưởng. Một số địa phương tìm được địa điểm bố trí khu cải táng thì người dân lại không ưng ý, vướng các thủ tục pháp lý liên quan. Như ở xã Tam Nghĩa còn 460 ngôi mộ chờ di dời đến địa điểm cải táng mới ở thôn Long Phú và Hòa Vân đang lập thủ tục hồ sơ san ủi mặt bằng. Tuy nhiên, 2 khu này đến nay chưa động thổ vì cần phải có thời gian đánh giá tác động môi trường.
Xáo trộn dân sinh
Ở khu vực GPMB xong, có tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn và bụi bặm. Một người dân trú ở xã Điện Hồng (Điện Bàn) nói: “Từ khi các gói thầu dự án cao tốc triển khai, bà con sinh sống dọc 2 bên đường hoặc lưu thông trên các tuyến đường tiếp cận công trình bị ảnh hưởng bởi khói bụi thi công”. Có mặt trên các tuyến ĐT605, ĐT609, chúng tôi chứng kiến vào giờ cao điểm mỗi ngày có hàng chục xe chở quá tải nối đuôi nhau chạy về phía công trường. Tài xế đua nhau phóng nhanh vượt ẩu trên tỉnh lộ, huyện lộ. Hậu quả nhãn tiền là một số đoạn trên tuyến ĐT605, ĐT609, ĐT609B hư hỏng nhanh, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng.
Cần khuyến khích tái định cư tự do Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít địa phương còn nặng tâm lý ưu tiên xây dựng khu TĐC tập trung, trong khi lại không mấy lưu tâm đến chính sách khuyến khích người dân vùng dự án nhận suất đầu tư hạ tầng để tự lo đi tìm nơi ở mới theo nguyện vọng của bản thân và phù hợp với quy hoạch nông thôn mới. Thực tế một số nơi ở Núi Thành, Điện Bàn dù có đất TĐC nhưng người dân vẫn không mặn mà đăng ký vào xây nhà ở, trong khi họ mong muốn nhận suất đầu tư hạ tầng hơn. Điều này xảy ra nghịch lý nơi thừa, chỗ thiếu đất TĐC. Trong khi đó, thời gian qua, việc xây dựng khu TĐC tập trung nhiều nơi đã nảy sinh tiêu cực trong quá trình đấu thầu, thi công công trình. |
Ở xã Điện Thọ, dự án đường cao tốc đi qua địa bàn dài 9km. Theo ông Nguyễn Đình Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Thọ, thực tế cho thấy việc lập hồ sơ bản vẽ thi công của nhà thầu gói số 2 có một số vị trí thiết kế chưa hợp lý, ảnh hưởng đi lại, sản xuất của người dân. Khi thi công dự án, một số diện tích đất nông nghiệp bị ngập úng do không có cống thoát nước và mương tiêu. UBND xã mời các các ngành hữu quan, nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu, đại diện nhân dân các thôn để bàn bạc, thống nhất thay đổi một số vị trí cống chui, cống tiêu, đường gom dân sinh bất cập. Tương tự, khi thi công qua ruộng sản xuất của người dân thuộc các huyện Phú Ninh, TP.Tam Kỳ, đơn vị tư vấn thiết kế đã không tính toán phù hợp với thực tế, buộc người dân phải cản trở thi công, yêu cầu xây thêm các hệ thống thoát nước, thoát lũ phù hợp. Một số khu vực, do thiết kế đường chưa tính toán đến yếu tố ngập lụt nên ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân vào mùa mưa. Đơn cử như cống chui tại km92+190 qua đường vào đập thủy lợi Hóc Cỏ (huyện Núi Thành), theo thiết kế khẩu độ 3x3m là quá nhỏ nên Sở GTVT đề nghị tăng khẩu độ và tĩnh không thành 6x4,5m để đảm bảo xe máy, thiết bị phục vụ vận hành, bảo trì và khắc phục lưu thông nếu công trình đập xảy ra sự cố. Lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, đơn vị tư vấn thiết kế chưa lường hết những phát sinh trong thực tế nên cần điều chỉnh sớm về kỹ thuật xây dựng, chống ngập lụt lâu dài. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân ở Điện Thọ bày tỏ lo ngại về đường cao tốc là “nhân bản” lá chắn nước của đường tránh Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) hay đường sắt Bắc – Nam sẽ gây ra tác động xấu đến đời sống dân sinh.
Phóng sự: HỮU PHÚC – CÔNG TÚ
Bài 3: Vất vả thu hồi đất
Sự chậm trễ trong tiến độ thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có nguyên nhân lúng túng xác định nguồn gốc, thu hồi đất của chính quyền địa phương, thiếu thống nhất trong chính sách áp giá bồi thường hỗ trợ…