"Ách tắc" trên đường cao tốc - Bài cuối: Gỡ "nút thắt"

Phóng sự: HỮU PHÚC – CÔNG TÚ 28/05/2015 08:07

Trong ngổn ngang khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB), nhiều địa phương theo kịp tiến độ thời gian, vào cuộc đồng bộ nên không để phát sinh “điểm nóng”.

  • "Ách tắc" trên đường cao tốc - Bài 3: Vất vả thu hồi đất
  • "Ách tắc" trên đường cao tốc - Bài 2: Phập phồng an cư
  • "Ách tắc" trên đường cao tốc - Bài 1: Vướng mặt bằng

Minh bạch, công bằng

Từ thực tiễn giải quyết vướng mắc mặt bằng trong dự án mở rộng quốc lộ 1, một số địa phương đã vận dụng khéo léo, nhất quán trong thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước về thu hồi đất, GPMB, bồi thường (BT), hỗ trợ (HT). Có thể nói, trở ngại lớn trong áp dụng đơn giá thay thế của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ở chỗ thấp hơn giá đất năm 2015 của UBND tỉnh ban hành nên có đôi lúc, đôi nơi người dân so bì quyền lợi. Chính quyền các huyện Quế Sơn, Duy Xuyên đã phân công cán bộ am hiểu chuyên môn đưa về cơ sở giúp địa phương trong thu hồi đất, GPMB. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, vận động đã được quan tâm đúng mức nên tạo đồng thuận cao từ phía người dân. Tiền khuyến khích các hộ dân chấp hành chủ trương, bàn giao mặt bằng sớm, hỗ trợ tiền thuê mặt bằng kịp thời tạo hiệu ứng tích cực. Điển hình là nhiều gia đình thuộc các xã Tam Xuân 1, Tam Hiệp, Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam (Núi Thành), hay địa bàn Quế Sơn đã tự nguyện tháo dỡ nhà ở, vật kiến trúc bàn giao mặt bằng theo yêu cầu của chủ đầu tư và tự đi tìm mua suất đầu tư hạ tầng, giảm áp lực đáng kể cho Nhà nước phải bố trí đất TĐC. Vì sao người dân ở các nơi này đồng thuận cao với chủ trương chung? Câu trả lời đơn giản, trong vùng giải tỏa, chính quyền đã huy động cả hệ thống chính trị, trong đó lấy cán bộ làm công tác BT-HT và tái định cư làm lực lượng nòng cốt. Từng khâu kiểm kê, đo đạc, áp giá BT… đều phải thực hiện minh bạch, dân chủ, công bằng.

Hạng mục cầu trên đường cao tốc đang thi công. Ảnh: C.T
Hạng mục cầu trên đường cao tốc đang thi công. Ảnh: C.T

Điểm sáng trong bàn giao mặt bằng 100% cho chủ đầu tư vào thời điểm cuối năm 2014, kể đến là huyện Quế Sơn. Bài học thành công mà địa phương rút ra là công khai tất cả văn bản về chính sách BT-HT, quy định về trích đo và cách áp giá BT cho nhân dân biết. Ông Trần Văn Noa – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn chia sẻ: “Chúng tôi in sao lại các văn bản nói trên trao tận tay các bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các hội đoàn thể nắm bắt cụ thể để tiện việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Và cốt yếu, chính quyền nắm được hồ sơ pháp lý về đất đai từng hộ nên áp giá nhanh, chính xác để hạn chế thấp nhất việc phân bua, đòi hỏi quá đáng”.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 139,2km. Trong đó, địa bàn Quảng Nam có chiều dài 91,2km với 27 xã thuộc 7 huyện, thành phố bị ảnh hưởng.  Đến thời điểm này, Quảng Nam còn 17km chưa bàn giao mặt bằng với 715 hộ bị ảnh hưởng nhà cửa, đất đai. Đặc biệt có 253 hộ thuộc diện đất ở cần bố trí tái định cư. Tổng số tiền BT-HT cho các hộ dân đến nay hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo một số địa phương, nhiều vướng mắc ở cơ sở liên quan đến đất đai được giải quyết nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào thời gian phê duyệt kết quả trích đo địa chính của Sở Tài nguyên môi trường. Lãnh đạo một huyện có đường cao tốc đi qua tiết lộ rằng, đã xảy ra tình trạng người dân bàn giao mặt bằng song không cho thi công hoặc đã nhận tiền mà chưa chịu bàn giao mặt bằng vì muốn chính quyền phải có trách nhiệm sớm công nhận quyền sử dụng đất đối với lô đất tái định cư  đã bố trí cho mình. Ông Hà Phước Lộc, Phó Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở GT- VT) cho biết, nguyện vọng chính đáng của người dân nếu được đáp ứng kịp thời thì sẽ không có chuyện dây dưa mặt bằng. “Địa phương cần yêu cầu người dân có cam kết sau khi nắm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đi thuê nhà trong khi chờ xây dựng nhà ở mới. Đồng thời chuẩn bị kỹ mọi phương án đối phó nếu ai “kéo cưa” như quay lại đòi hỏi hỗ trợ thêm, xem ngày giờ di chuyển hoặc bị kẻ xấu kích động” – ông Lộc chia sẻ.

Không ép buộc vào khu tái định cư

BỒI THƯỜNG NHÀ CỬA BỊ NỨT DO THI CÔNG:
Phải bồi thường theo giá Nhà nước quy định
Xung quanh tình trạng quá trình thi công gây nứt 110 ngôi nhà thuộc thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên), giữa các bên liên quan lùng bùng chưa thống nhất giá bồi thường. Theo Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam), Ban điều hành gói thầu số 4 đã yêu cầu Xí nghiệp Sông Đà 10.3, Xí nghiệp Sông Đà 10.7 đã phối hợp với Công ty Bảo hiểm PVI Đà Nẵng, chính quyền địa phương tổ chức giám định, tính toán lại giá trị đền bù trên tinh thần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Đến ngày 22.5, các bên đã thực hiện giám định được 57/110 hộ. Các hộ đều đồng thuận với mức độ giám định và thống nhất cho nhà thầu tiếp tục thi công. Hiện việc giám định vẫn tiếp tục triển khai.
Chiều 25.5, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, địa phương yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu áp giá đơn giá bồi thường theo quy định của Nhà nước và thông báo cho người dân, chứ không theo giá của phía công ty bảo hiểm. Khi nào dân đồng tình thì mới thi công trở lại, dự kiến đến cuối tháng 5 sẽ giải quyết dứt điểm việc bồi thường. Cũng theo ông Dũng, vì trước đây chủ đầu tư, nhà thầu và công ty bảo hiểm không thông qua các ngành chức năng của huyện mà tự định giá bồi thường quá thấp, khiến người dân không đồng tình.(HỮU PHÚC)

Bí thư Huyện ủy Quế Sơn - ông Hà Phước Trinh tỏ ra lo lắng về “hậu cao tốc”. Theo ông Trinh, đường xây cao chia cắt việc đi lại, sản xuất hàng ngày của người dân, đẩy không ít diện tích canh tác bị cô lập. “Cho nên cần phải xem xét, bố trí đường gom cho hợp lý, vừa đảm bảo thoát nước lại vừa tiện lợi cho bà con lưu thông an toàn” – ông Trinh đề xuất. Tại các buổi làm việc với các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chỉ đạo, chính quyền phải nhập cuộc, giải quyết công việc theo hình thức “cuốn chiếu”, không để dây dưa. Vào thời điểm thời tiết khô ráo này, người dân có điều kiện thuận lợi để xây nhà ở nên chính quyền sớm xác định vị trí đất và cam kết  giao đất rõ ràng để người dân an tâm. Cán bộ làm công tác vận động, tuyên truyền phải phân tích ưu thế của việc nhận suất đầu tư hạ tầng so với vào khu tái định cư. “Chính quyền các huyện cần tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân nhận suất đầu tư hạ tầng, chứ không thể vì tiếc công sức, tiền của mình đang xây dựng khu tái định cư mà ép buộc người dân vào ở bằng mọi giá. Nếu đã làm khu tái định cư, địa phương cứ để đất đó, tỉnh sẽ cân đối kinh phí trả lại tiền cho chủ đầu tư” – Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nêu cách giải quyết. Về hướng xử lý đất công ích 5% đang tranh chấp giữa chính quyền và người dân một số nơi, lãnh đạo tỉnh đề nghị đừng lấy tiền về cho UBND xã mà phải chuyển hết cho người dân. Riêng với huyện Duy Xuyên, cần tập trung tổng hợp trường hợp đất nằm ngoài vạch để giải quyết BT dứt điểm, chuyển sang hình thức hạn chế sử dụng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nêu giải pháp hạn chế sự phá hoại hạ tầng giao thông khi thi công đường cao tốc. Thứ trưởng cho rằng, trước mắt sẽ chỉ đạo các nhà thầu đứng ra cam kết, ký hợp đồng với đơn vị chuyên trách để khảo sát gia cố cầu cống, đường hư đâu sửa đó trước khi kết thúc dự án. Trong trường hợp thi công hay vận chuyển gây nứt nhà dân thì phải kiểm đếm, quay phim, chụp hình và cam kết để sau này có đơn vị kiểm định độc lập vào kiểm tra, xác định mức độ thiệt hại mà BT cho bà con. Tư vấn phải giám sát các nhà thầu không sử dụng vật liệu trôi nổi, vừa không đảm bảo chất lượng mà còn vi phạm pháp luật. Bộ GTVT sẽ thành lập đoàn riêng và mời chuyên gia vào rà soát lại cao độ, bố trí tổ chức giao thông, thủy văn để xem khẩu độ thoát nước của công trình có cần điều chỉnh nữa không. Nhằm siết chặt các “xe tải dù”, Sở GTVT đã đặt biển báo quản lý, kiểm soát tải trọng phương tiện lưu thông. Để hạn chế người dân cản trở nhà thầu thi công, theo ông Nguyễn Công Dũng – Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, chính quyền cơ sở và các nhà thầu cần hợp tác, cam kết rõ ràng nếu trong quá trình thi công phát sinh gây ảnh hưởng đướng sá, nhà cửa của người dân thì phải bồi thường thỏa đáng.

Phóng sự: HỮU PHÚC – CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Ách tắc" trên đường cao tốc - Bài cuối: Gỡ "nút thắt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO