Nghị định 89 (trước đây là 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được triển khai trên địa bàn tỉnh trong gần 2 năm qua đã phát sinh “điểm nghẽn” trong việc giải ngân vốn cho ngư dân, nên rất cần các bên liên quan, nhất là các tổ chức tín dụng có biện pháp cụ thể để khai thông trong thời gian tới.
Một tàu vỏ sắt của ngư dân Quảng Nam được đóng mới theo Nghị định 89. Ảnh: QUANG VIỆT |
BÀI 1: NGƯ DÂN GẶP KHÓ
Nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh tin tưởng sẽ được ký hợp đồng vay vốn đóng tàu theo Nghị định 89 nên đã bán tàu đang sản xuất làm vốn đối ứng, tuy nhiên do hồ sơ vay vốn bị ách tắc nên gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, phía ngân hàng vẫn chưa “nhiệt tình” trong việc giải quyết nguồn vốn vay cho ngư dân.
Mòn mỏi chờ đợi
Mấy tháng nay là quãng thời gian khó nhọc đối với ngư dân Trần Công Mậu (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) khi không còn tàu cá QNa-94141 có công suất 200CV để sản xuất trên biển. Tháng 2.2016, ông Mậu đã bán tàu của mình được hơn 600 triệu đồng để đối ứng vay vốn theo Nghị định 89 nhưng không được ngân hàng ký hợp đồng. Không chịu được cảnh thất nghiệp, ông Mậu đã phải đi làm tài công cho ông Phạm Thế ở cùng thôn để khai thác hải sản, khi thì theo nghề chụp mực, lúc thì mành mùng hay lưới rê hỗn hợp ở tuyến bờ và tuyến lộng.
Nhiều ngư dân lâm vào cảnh thất nghiệp sau khi đã bán tàu để làm vốn đối ứng theo quy định của Nghị định 89. Như trường hợp của ngư dân Nguyễn Văn Cứ (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình). Sau khi được UBND tỉnh ký quyết định đủ điều kiện vay vốn, ông Cứ đã liên hệ, làm việc với ngân hàng thương mại để thương thảo ký hợp đồng. Tháng 9.2015, ông Cứ đã bán đi con tàu đang sản xuất được hơn 1 tỷ đồng để làm vốn đối ứng. Tuy nhiên ông đã bị phía ngân hàng khước từ vì cho rằng tính khả thi của dự án không cao. Từ đó đến nay, ông Cứ liên tục gửi hồ sơ vay vốn theo Nghị định 89 đến các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Theo đuổi dự án vay vốn đóng tàu nên ông không có thời gian lẫn phương tiện để vươn khơi khai thác hải sản.
Ngư dân Trần Công Mậu chuẩn bị ra khơi làm tài công cho chủ tàu khác.Ảnh: QUANG VIỆT |
Các ngư dân Nguyễn Văn Thành, Lương Xiêm, Phạm Tuấn (cùng thôn 6, xã Bình Dương, Thăng Bình) cũng mòn mỏi chờ đợi được phía ngân hàng ký hợp đồng vay vốn đóng tàu theo Nghị định 89. Họ cũng giống như các ngư dân đã nêu, bán tàu làm vốn đối ứng mà chưa được ký hợp đồng vay vốn. “Tôi đã thất nghiệp từ tháng 2.2016 đến chừ, gần nửa năm đi qua rồi, nóng ruột lắm mà vì chưa được vay vốn đóng tàu. Tiến không được mà lùi cũng không xong. Đi làm thuê thì sợ bỏ lỡ thời cơ được ký hợp đồng đóng tàu mà ở nhà thế này thì làm sao trang trải được cuộc sống” - ông Nguyễn Văn Thành cho biết.
Ngân hàng không mặn mà
Ông Trần Phước Quang - Phó phòng Khách hàng bán lẻ (Vietcombank Quảng Nam) cho biết, đến thời điểm này đã có 8 hồ sơ của ngư dân gửi đến vay vốn đóng tàu. Tuy nhiên, cả 8 ngư dân này sau đó đều đã được Agribank Quảng Nam và BIDV Quảng Nam ký hợp đồng và giải ngân. Khi chúng tôi hỏi trường hợp của ngư dân Nguyễn Văn Cứ gửi hồ sơ vay vốn đóng tàu theo nghị định nhưng vì sao không được ký hợp đồng thì ông Quang cho rằng, phạm vi này thuộc về Vietcombank chi nhánh Thăng Bình quản lý chứ Vietcombank Quảng Nam chưa nắm rõ. Khi được hỏi về trình tự thủ tục hay tính khả thi trong phương án vay vốn của ngư dân gửi đến thì Vietcombank Quảng Nam cho rằng đều đạt, không có trở ngại nào. Nhưng không hiểu vì lý do gì các hồ sơ này vẫn không được phía ngân hàng ký kết. |
Triển khai Nghị định 89, Quảng Nam được Trung ương phân cấp đóng mới 92 tàu cá có công suất lớn. Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã phê duyệt 91 ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng tàu. Trong số đó, có 83 tàu cá khai thác hải sản, 8 tàu cá thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển; 62 tàu vỏ thép và vật liệu mới, 29 tàu vỏ gỗ. Đến nay, đã có 39 ngư dân được các ngân hàng thương mại trên địa bàn ký hợp đồng tín dụng đóng tàu. Trong đó, có 20 vỏ gỗ, 19 tàu vỏ thép với tổng nguồn vốn là 382,8 tỷ đồng, đã giải ngân được 290 tỷ đồng. Trong 39 hợp đồng tín dụng đã ký, BIDV Quảng Nam triển khai 16 tàu, 13 tàu vỏ thép, 3 tàu vỏ gỗ; Agribank Quảng Nam ký 22 tàu, 16 tàu vỏ gỗ, 6 tàu vỏ thép; Vietinbank Quảng Nam ký 1 hợp đồng đóng tàu vỏ gỗ còn Vietcombank Quảng Nam vẫn chưa ký hợp đồng đóng tàu nào.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng theo luật định, ngân hàng thương mại có quyền từ chối cấp tín dụng cho ngư dân nếu thấy họ không đủ điều kiện hay phương án sản xuất thiếu hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước chỉ giữ vai trò hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc chứ không can thiệp được vào quyết định có hay không cho ngư dân vay vốn của ngân hàng thương mại. Ông Phạm Trọng - Trưởng phòng Tổng hợp và kiểm soát nội bộ (Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam) phân tích, đội ngũ cán bộ được Vietcombank và Vietinbank chi nhánh Quảng Nam giao thực hiện giải quyết hồ sơ vay vốn đóng tàu của ngư dân vẫn còn lo ngại trong khi thẩm định nên việc giải ngân vốn cho ngư dân bị ách tắc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong triển khai Nghị định 89, cả Chính phủ lẫn Quảng Nam hiện chưa giao chỉ tiêu cho các ngân hàng thương mại phải ký kết hợp đồng vay vốn với ngư dân, trong khi đó cũng chưa có chuẩn mực hay bên thứ 3 nào đó tham gia để đánh giá tính khả thi trong dự án vay vốn đóng tàu. Vậy nên, có trường hợp ngân hàng thương mại nhận hồ sơ của ngư dân rồi cho rằng phương án sản xuất không hiệu quả và không cho ngư dân vay vốn.
_____________________
Bài cuối: Tìm cách khai thông
NGUYỄN QUANG VIỆT