Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 11.4, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo ADB, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trong 2018 và 2019. Ảnh: Reuters |
Theo dự báo của ADB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ đạt 7,1%, so với 6,8% của năm ngoái, trước khi giảm xuống 6,9% vào năm 2019. Trước đó vào ngày 10.4, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I.2018. Mặc dù còn nhiều rủi ro và thách thức, nhưng mức tăng trưởng trong quý I.2018 của kinh tế Việt Nam rất ấn tượng, đạt 7,38% và tốt nhất trong vòng 10 năm qua. Dù vậy, kim ngạch thương mại hàng năm của Việt Nam hiện vượt mức 185% GDP, khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam - ông Eric Sidgwick phân tích các chỉ dẫn của kinh tế Việt Nam hiện nay. Đó là nhờ vào yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất, gia tăng tiêu thụ nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) và doanh nghiệp trong nước, lĩnh vực nông nghiệp được cải thiện. Trong đó, môi trường đầu tư Việt Nam được đánh giá cởi mở, kinh tế chính trị ổn định, giá nhân công rẻ và những lợi ích từ các hiệp định thương mại được ký kết, trở thành điểm hấp dẫn nhà đầu tư… Báo cáo của ADB cũng đưa ra mức dự báo lạm phát trung bình của kinh tế Việt Nam năm nay là 3,7%, tăng lên so với mức 3,5% của năm ngoái và đạt 4% trong năm 2019, do sự gia tăng cầu nội địa và giá cả hàng hóa toàn cầu.
Bên cạnh tiềm năng, ADB chỉ ra những rủi ro chính có thể tác động đến kinh tế Việt Nam, bao gồm sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch thương mại toàn cầu. Gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới là Mỹ và Trung Quốc - hai đối tác kinh tế thương mại lớn của Việt Nam cũng có thể dẫn tới tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế nước ta. Trưởng đại diện ABD tại Việt Nam cho biết, mặc dù Việt Nam có thể huy động nguồn cung lớn nhân lực trẻ nhưng khoảng cách giữa trình độ người lao động và yêu cầu của doanh nghiệp ngày càng tăng. Nếu vấn đề này không được giải quyết, có thể trở thành trở ngại lớn cho khát vọng phát triển của Việt Nam trong thập kỷ tới. Do đó, chuyên gia cao cấp của ADB - ông Aaron Batten cho hay, Việt Nam cần phải kiểm soát lạm phát, giải quyết vấn đề thiếu lao động có kỹ năng, trình độ cao để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.
Confidential Research, bộ phận nghiên cứu của tờ Financial Times vừa thực hiện một cuộc khảo sát về niềm tin tiêu dùng ở một số nước Đông Nam Á. Theo đó, chi tiêu của người tiêu dùng ở Việt Nam tăng lên trong bối cảnh nền kinh tế đất nước tăng trưởng, thu nhập hộ gia đình cải thiện rõ rệt. Theo nghiên cứu, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đang ở mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Thống kê cho thấy, doanh thu bán lẻ ở Việt Nam tăng gần 11% trong năm 2017 lên 129 tỷ USD, doanh thu mua sắm trực tuyến tăng 25%. Tuy nhiên, Financial Times nhận định, những thách thức mà Chính phủ Việt Nam phải đối mặt để duy trì tăng trưởng kinh tế cũng rất đáng quan tâm khi nợ công tăng cao và ngân sách eo hẹp.
QUỐC HƯNG