Agribank chi nhánh Quảng Nam: Khơi thông tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn

VIỆT NGUYỄN 20/12/2019 10:15

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đánh giá cao các kết quả đạt được của Agribank chi nhánh Quảng Nam trong thực hiện tín dụng có hỗ trợ của Nhà nước (giai đoạn 2013 - 2019) tại buổi làm việc vào hôm qua 19.12.

Nguồn vốn của Agribank chi nhánh Quảng Nam giúp người dân miền núi phát triển kinh tế. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nguồn vốn của Agribank chi nhánh Quảng Nam giúp người dân miền núi phát triển kinh tế. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Động lực phát triển

Quảng Nam có 3 huyện Tây Gang, Phước Sơn và Nam Trà My nằm trong Chương trình cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Sau hơn 6 năm triển khai, đến nay Agribank chi nhánh Quảng Nam đã cho vay 4.412 khách hàng thuộc 3 huyện miền núi nói trên với số vốn gần 266,4 tỷ đồng để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Trong đó, cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp hơn 259,6 tỷ đồng, cho vay trồng rừng sản xuất gần 6,8 tỷ đồng. Bình quân mỗi khách hàng được vay hơn 63,3 triệu đồng, lớn hơn mức bình quân chung trên phạm vi cả nước. Nguồn vốn vay của Agribank giúp người dân có vốn sản xuất, hạn chế tình trạng tín dụng đen, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ông Hà Thạch - Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Nam cho biết, qua kiểm tra, khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả kinh tế, trả nợ ngân hàng đúng hạn. 

“Các khoản nợ cho vay “tàu 67” tiềm ẩn rủi ro cao, xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của khách hàng. Trước khi vay vốn, khách hàng cam kết chuyển doanh thu bán hải sản về tài khoản tại Agribank chi nhánh Quảng Nam nhưng thực tế chủ tàu phá vỡ cam kết”. 

(Ông Hà Thạch - Giám  đốc Agribank Quảng Nam)

Triển khai Chương trình hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, doanh số cho vay của Agribank chi nhánh Quảng Nam đạt hơn 16,7 tỷ đồng. Theo đó, giúp người dân vay xấp xỉ 5,7 tỷ đồng đầu tư máy làm đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, hơn 11,1 tỷ đồng đầu tư các loại máy kéo sử dụng trong nông nghiệp. Ông Phạm Đình Dũng - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Nam cho biết, doanh số thu nợ cho vay theo Quyết định 68 đến nay hơn 15,7 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng cho vay đối với chương trình này rất tốt, không có nợ xấu phát sinh. 

Đối với chính sách tín dụng theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Agribank chi nhánh Quảng Nam hỗ trợ 45 khách hàng tiếp cận vốn vay, đóng mới 46 tàu công suất lớn sản xuất xa bờ với tổng số tiền hơn 495 tỷ đồng (chiếm 67,83% tổng nguồn vốn cho vay đóng “tàu 67” của tỉnh). Ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, con số 83,73% chủ “tàu 67” vay vốn của Agribank chi nhánh Quảng Nam đánh bắt hải sản đạt, có lãi là rất tốt, vượt trội so với các chủ “tàu 67” vay vốn của các ngân hàng thương mại khác. “Agribank chi nhánh Quảng Nam đã thực hiện tốt tín dụng có hỗ trợ của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi” - ông Phan Thái Bình nói. 

Và những khó khăn, thách thức

Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam giải quyết cho 274.771 lượt hộ vay vốn

Chiều 19.12, ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Nguyễn Quang Dũng - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.Đà Nẵng chủ trì buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Nam về thực hiện tín dụng CSXH, tín dụng có hỗ trợ của Nhà nước (giai đoạn 2013 - 2019) và thí điểm xử lý nợ xấu.

Theo báo cáo, tổng nguồn vốn đến nay của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng hơn 1.700 tỷ đồng so với năm 2012. Doanh số cho vay từ năm 2013 đến nay đạt hơn 7.445 tỷ đồng với 274.771 lượt hộ vay vốn. Doanh số thu nợ đạt hơn 5.738 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt hơn 4.565 tỷ đồng. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là hơn 6,3 tỷ đồng (0,14% tổng dư nợ, giảm gần 10 tỷ đồng so với năm 2012). Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đề xuất Quốc hội xem xét, đề nghị Chính phủ giao chỉ tiêu chuyển vốn ngân sách hằng năm qua Ngân hàng CSXH theo tỷ lệ thu ngân sách hằng năm ở từng cấp ngân sách để thực hiện cho vay ưu đãi, giúp người dân giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt các chương trình, nghị quyết Quốc hội, Chính phủ đề ra. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, sẽ chuyển các nội dung đề xuất của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đến Quốc hội trong thời gian đến. ( Q.VIỆT)

Ông Hà Thạch cho rằng, vấn đề bức xúc nhất hiện nay là tình trạng nhiều chủ “tàu 67” không chịu trả nợ ngân hàng dù cho họ có khả năng trả nợ. Do vậy, các khoản nợ cho vay “tàu 67” tiềm ẩn rủi ro cao, xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của khách hàng. Trước khi vay vốn, khách hàng cam kết chuyển doanh thu bán hải sản về tài khoản tại Agribank chi nhánh Quảng Nam, nhưng thực tế chủ tàu phá vỡ cam kết, bán sản phẩm từ ngoài biển, không nộp vào tài khoản ngân hàng. Do vậy, Agribank chi nhánh Quảng Nam không thể kiểm soát dòng tiền từ bán hàng của các chủ tàu để quản lý nợ, thu nợ đúng kế hoạch. “Rất mong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với các cơ quan của tỉnh, các địa phương ven biển để kêu gọi đồng hành cùng ngân hàng trong đôn đốc thu hồi nợ cho vay đóng “tàu 67”, nhất là các chủ tàu sản xuất tốt nhưng chây ỳ trả nợ. Mong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với các cơ quan của Trung ương để trao đổi thực trạng “tàu 67” tại Quảng Nam, qua đó có giải pháp giúp ngư dân sản xuất tốt hơn, trả nợ ngân hàng đúng hạn” - ông Hà Thạch nói.

Theo ông Phạm Đình Dũng, Agribank chi nhánh Quảng Nam đã bố trí nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhân dân theo Nghị quyết 30a của Chính phủ tại 3 huyện Phước Sơn, Tây Giang, Nam Trà My. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có tập quán canh tác sản xuất của nhân dân còn nhỏ lẻ, nhu cầu vay vốn còn hạn chế nên quy mô tín dụng chưa cao như định hướng hoạt động của ngân hàng. Vì vậy kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với UBND tỉnh để chỉ đạo các địa phương được thụ hưởng Chương trình cho vay theo Nghị quyết 30a đẩy mạnh khuyến nông, khuyến lâm, giúp người dân nâng cao kỹ năng sản xuất, qua đó vay vốn để đầu tư các mô hình trồng cây dược liệu, trồng rừng, chăn nuôi... tạo chuyển biến mạnh cho kinh tế khu vực miền núi trong thời gian đến. Vấn đề khác là tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất ở các khu vực miền núi nói trên rất chậm chạp nên ngân hàng mong Đoàn đại biểu Quốc hội làm việc với các ngành cấp tỉnh, huyện có liên quan để giải quyết vướng mắc, giúp ngân hàng mở rộng cho vay.

Ông Phan Thái Bình cho rằng, chủ trương của tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng tây của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bởi vậy, các đề xuất về khơi thông tín dụng theo Nghị quyết 30a của Agribank chi nhánh Quảng Nam là rất đáng biểu dương. Đoàn ghi nhận các kiến nghị và sẽ làm việc với các ngành chức năng của tỉnh, huyện để giải quyết các bất cập, đưa tín dụng ưu đãi đến với người dân miền núi, tạo nguồn lực lớn phát triển kinh tế - xã hội vùng tây của tỉnh. Đối với nợ xấu của “tàu 67”, Agribank chi nhánh Quảng Nam cần phân loại cụ thể, đồng thời đề xuất các giải pháp sát sườn để đoàn làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh và Trung ương, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đối với các chủ “tàu 67” chây ỳ trả nợ thì ngành ngân hàng cần áp dụng biện pháp mạnh để đủ sức răn đe. Ngoài ra, các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp các chủ “tàu 67” nhận thức rõ là Nhà nước và ngân hàng hỗ trợ vốn vay giúp ngư dân đóng tàu để sản xuất nên cần thực hiện nghĩa vụ trả nợ. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Agribank chi nhánh Quảng Nam: Khơi thông tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO