Agribank Quảng Nam: Khơi dòng vốn vay

HOÀNG NGUYỄN - BẢO TRÂN 25/03/2018 12:19

Đồng hành với cho vay doanh nghiệp, Agribank Quảng Nam đã và đang hướng đến việc khơi thông hiệu quả dòng vốn cho vay đối với hộ gia đình và cá nhân (HGĐ&CN) nhằm mục tiêu tăng trưởng tín dụng bền vững.

Tàu cá đóng mới tại huyện Duy Xuyên do Agribank Quảng Nam đầu tư vốn cho khách hàng Lê Tuyến với tổng giá trị 16 tỷ đồng.
Tàu cá đóng mới tại huyện Duy Xuyên do Agribank Quảng Nam đầu tư vốn cho khách hàng Lê Tuyến với tổng giá trị 16 tỷ đồng.

Nhiều năm kinh doanh trên địa bàn nông nghiệp nông thôn, với mạng lưới hoạt động “phủ sóng” đến tận các thôn xã trong tỉnh, nên đối tượng khách hàng HGĐ&CN luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu của Agibank Quảng Nam.

Thực tiễn qua 20 năm cho thấy, đầu tư tín dụng đối với khách hàng HGĐ&CN vừa đảm bảo được hiệu quả, phân tán rủi ro, vừa góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho Agribank làm vai trò “bà đỡ” hỗ trợ vốn để phát triển “tam nông”.

Từ thụ động sang chủ động

Trước đây có giai đoạn số lượng khách hàng HGĐ&CN giảm mạnh, từ 43.957 khách hàng năm 2010 xuống 37.770 khách hàng năm 2011 và 36.675 khách hàng năm 2012. Trước thực trạng đó, Agribank Quảng Nam đã phân tích nguyên nhân và xác định phải cấp bách chủ động “tìm đến” khách hàng, khảo sát nhu cầu để cho vay, có như vậy mới khơi thông dòng vốn một cách hữu hiệu. Bước chuyển này đã giúp Agribank Quảng Nam đạt 51.223 khách hàng vào cuối năm 2015, tăng thêm 7.266 khách hàng so với năm 2010. Dư nợ cho vay khách hàng HGĐ&CN tăng từ 5.225 tỷ đồng năm 2010 lên 12.621 tỷ đồng năm 2015, gấp 2,24 lần năm 2010, tăng bình quân hàng năm 19,29%, chiếm 37,2% tổng dư nợ.

Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Agribank Quảng Nam đã ký kết 46 hợp đồng tín dụng hỗ trợ đóng mới 46 tàu (24 tàu sắt, 21 tàu gỗ, 1 tàu vật liệu mới, trong đó 7 chiếc có công suất dưới 800CV và 39 chiếc có công suất từ 800CV trở lên) với tổng số tiền cam kết cho vay 495 tỷ đồng. Kết thúc năm 2017 đã giải ngân số tiền trên, góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ ngư dân nâng cao năng lực khai thác, vươn khơi đánh bắt hải sản, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tổng dư nợ cho vay của Agribank Quảng Nam đến 31.12.2017 đạt 1.650,3 tỷ đồng, tăng 458 tỷ đồng so với năm 2016, chiếm 27,75 % trên tổng dư nợ. Trong đó, cho vay hộ sản xuất kinh doanh 1.417,2 tỷ đồng, chiếm 85,87%.

Chưa thỏa mãn với kết quả đó, Agribank Quảng Nam đã xây dựng và thực thi Đề án “Đầu tư tín dụng  đối với khách hàng HGĐ&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020”. Nhờ đó, đến cuối năm 2017, dư nợ khách hàng HGĐ&CN đạt 6.505 tỷ đồng, tăng 1.643 tỷ đồng so với cuối năm 2016. So với năm 2013, dư nợ khách hàng HGĐ&CN tăng 4.412 tỷ đồng, tỷ lệ tăng gần 211%, gấp 3,1 lần. Số lượng khách hàng HGĐ&CN cuối năm 2017 đạt 58.005 khách hàng, chiếm 98,59 %/tổng số khách hàng quan hệ tín dụng. Đây là mức tăng cao nhất trong hơn 20 năm thành lập và phát triển của Agribank Quảng Nam.

Điều đáng nói thêm là, dù số lượng khách hàng và dư nợ  đều tăng (bình quân dư nợ của một HGĐ&CN tăng từ 88 triệu đồng năm 2016 lên 112 triệu đồng năm 2017) nhưng nợ xấu không đáng kể. Tính đến 31.12. 2017, nợ xấu ở đối tượng khách hàng này là 11 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,17%/tổng dư nợ, dưới mức khống chế của trụ sở chính giao (0,9%). Điều đó cũng minh chứng rằng dòng vốn vay đã phát huy hiệu quả trong việc góp phần phát triển kinh tế hộ tư nhân. Với các hộ làm nông nghiệp, đồng vốn vay từ Agribank giúp để thoát nghèo, cải thiện thu nhập và làm giàu. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank Quảng Nam đến cuối năm 2017 đạt 7.695 tỷ đồng, chiếm 74,55%/tổng dư nợ cho vay.

Bệ phóng mới

Với lợi thế hoạt động trên địa bàn được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để tăng trưởng dư nợ cho vay HGĐ&CN vẫn còn khá lớn, Agribank Quảng Nam xác định mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng đủ lớn để giữ vững và tăng trưởng thị phần tín dụng HGĐ&CN. Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay HGĐ&CN  bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 16,55%/năm, quy mô dư nợ HGĐ&CN năm 2020 đạt 7.200 tỷ đồng, gấp 2,15 lần năm 2015 với số tuyệt đối tăng thêm 3.852 tỷ đồng.

Từ vốn vay của Agribank, bà Trần Thị Tín (thôn 1, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước) đã phát triển mô hình trồng tiêu hiệu quả.
Từ vốn vay của Agribank, bà Trần Thị Tín (thôn 1, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước) đã phát triển mô hình trồng tiêu hiệu quả.

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI đã đề ra phương hướng đầu tư mạnh cho các chương trình “tam nông” thông qua các cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ thoát nghèo bền vững... Gần đây, hưởng ứng Chương trình Quốc gia khởi nghiệp của Chính phủ, Quảng Nam cũng đang xúc tiến hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo. Những định hướng đó đều gắn với kinh tế hộ và mỗi cá nhân, cho nên Agribank sẽ tạo bệ phóng mới bằng cách đẩy mạnh tín dụng cho vay HGĐ&CN. Đơn vị sẽ tiếp tục kiên trì bám trụ mục tiêu ưu tiên đầu tư cho “tam nông”, mà trước tiên là các hộ sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Một trong những giải pháp quan trọng mà Agribank Quảng Nam xác định là tiếp tục mở rộng cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09.06.2015 của Chính phủ về “chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn”, theo hướng mạnh dạn áp dụng hình thức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đến mức tối đa trong phạm vi cơ chế cho phép trên cơ sở chọn lọc khách hàng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.  Bên cạnh đó, các chi nhánh của Agribank Quảng Nam đa dạng hóa các phương thức cho vay với hồ sơ thủ tục được đơn giản hóa;  triển khai thực hiện toàn diện các sản phẩm tín dụng của Agribank liên quan đến tín dụng HGĐ&CN để thu hút khách hàng, đặc biệt là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu vốn, đặc thù sản xuất kinh doanh của đối tượng khách hàng này.

Với việc đầu tư tín dụng HGĐ&CN chuyển dần từ thụ động sang chủ động và tạo bệ phóng mới, Agribank Quảng Nam đã phân tán rủi ro, kiểm soát tốt tình hình nợ xấu phát sinh, duy trì hoạt động tín dụng lành mạnh. Việc mở rộng, chiếm lĩnh thị phần tín dụng HGĐ&CN cũng là hướng đi hiệu quả để Agribank các chi nhánh “lót ổ” thật chặt ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn, tạo lợi thế cạnh tranh trước “làn sóng” các ngân hàng thương mại cổ phần đã và đang mở rộng hoạt động về khu vực nông thôn.

HOÀNG NGUYỄN - BẢO TRÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Agribank Quảng Nam: Khơi dòng vốn vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO