Năm học 2023 - 2024 là năm thứ hai các trường THPT trên địa bàn tỉnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên việc triển khai của các trường phần nào bớt lúng túng.
Bớt lúng túng thôi, chứ khó thì vẫn ngổn ngang. Những bất cập trong quá trình dạy và học đã được báo Quảng Nam đề cập nhiều, nhưng chuyện gỡ khó, vốn không chỉ là chuyện đầu tư kinh phí.
Khó khăn đến từ điều tưởng đơn giản là sách giáo khoa. Một giáo viên trường THPT nói, nhiều môn thậm chí không có sách để phục vụ cho dạy và học. Chương trình mới quá nên việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt tài liệu không theo kịp, chưa kể là chất lượng các tài liệu giáo dục địa phương còn hạn chế. Với môn này, dạy cái gì, dạy như thế nào cứ loay hoay cho các giáo viên được phân công giảng dạy.
Đối với cấp THPT, cả năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024 này, tại nhiều trường, lúc đăng ký tổ hợp (môn lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn) khi nộp hồ sơ nhập học, rất nhiều học sinh đăng ký tổ hợp này nhưng nhận thông báo trúng tuyển lại bị xếp vào tổ hợp khác. Điều này gây không ít xáo trộn.
Nhiều môn học mới thiếu giáo viên nên không thể triển khai tổ hợp hoặc môn học theo kế hoạch tuyển sinh. Mặc dù trước đó, việc lựa chọn tổ hợp đều do các trường cân nhắc dựa trên thực tiễn con người và cơ sở vật chất của mình.
Đối với cấp THCS, nhiều phụ huynh vẫn chưa thôi băn khoăn như môn khoa học tự nhiên, tích hợp 3 môn trong 1 môn nhưng phải có đến 2 - 3 giáo viên dạy, giáo viên rối mà học sinh cũng rối.
Một hiệu trưởng trường THCS tếu táo, trước vốn đã nhiều cái thiếu, bây giờ thì cái gì cũng thiếu. Những môn mới, việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cũng khó vì thiếu kinh phí. Thế nên cứ chắp vá từ giáo viên cho tới cơ sở vật chất.
Đối với đội ngũ dạy môn tích hợp, nhiều giáo viên cho rằng, dù đã có tập huấn, bồi dưỡng nhưng khó để đảm bảo chất lượng và khó để phụ huynh yên tâm khi giáo viên dạy môn này đi dạy môn khác.
Thầy giáo này chia sẻ, họ đã không tính tới chuyện đào tạo giáo viên trước khi đưa ra môn học. Kiểu vừa chạy vừa xếp hàng, làm tới đâu rút kinh nghiệm tới đó. Nếu tính trước, thì phải có lộ trình để các trường sư phạm mở mã ngành và đào tạo giáo viên tích hợp. Cho nên sẽ không tránh khỏi bất cập trong việc chọn đưa tổ hợp trả lời được câu hỏi thực chất vì học sinh, lấy học sinh làm trung tâm hay vì điều kiện của nhà trường.
Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương là các môn bắt buộc. Ngoài ra là các môn tổ hợp lựa chọn, như một “combo”, muốn môn ngoài tổ hợp thì đành chịu. Vì những môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông cũ không còn.
Với cách học này, con trai tôi (vừa vào lớp 10) vừa thích vì không phải học môn Vật lý (vốn bị điểm kém khi còn ở lớp 9) nhưng lại vừa tiếc rẻ vì tổ hợp được xếp không có môn Tin học. Với môn Giáo dục địa phương không có sách, con nói “thầy cứ mở máy tính lên rồi nói về lịch sử địa lý kinh tế đất đai con người Quảng Nam. Con hơi lo nhưng nghĩ cứ đọc báo Quảng Nam nhiều chút là dư qua cầu”.
Tôi thì tiếc kiểu khác, sao không có môn Giáo dục công dân (hay Đạo đức) như ngày xưa trong các môn bắt buộc? Lại lẩn thẩn nghĩ tới Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035 với nguồn kinh phí hơn 350 nghìn tỷ đồng do Bộ VH-TT&DL đề xuất trình Chính phủ đang gây bão dư luận trong mấy ngày cuối tuần qua. Rồi tự hỏi, sao không xây dựng con người Việt Nam một cách căn bản từ điều nhỏ nhất, như môn Đạo đức?
Hôm qua, nhiều trường đã triển khai họp phụ huynh đầu năm để lắng nghe và chia sẻ. Lắng nghe và chia khó với nhà trường, nhưng chợt nhớ tới mấy lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong một hội nghị khi đề cập đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018: “chỉ nhìn về phía trước và chỉ được phép thành công”. Đường dài quá, không biết rồi ai chia khó với ai đây?