Sống lâu ngày ở phố, đôi khi em quên mất khoảnh hàng rào nối liền đôi nhà chòm xóm. Bởi bước chân ra ngõ chỉ gặp những tường rào sơn trắng không cảm xúc. Nên bữa xuôi về ngoại thành gặp hàng rào dâm bụt chợt bâng khuâng.
Hai nhà liền kề nối với nhau bằng dãy hàng rào phủ xanh mát mắt. Hàng rào quê đơn giản là cây cối mọc tự nhiên phân chia ranh giới. Trong mắt em hàng rào dâm bụt vẫn thân thuộc, đẹp xinh nhất. Người xuề xòa để cây vươn mọc tự nhiên, cành nhánh đâm lan khắp hướng. Người kỹ tính, cẩn thận hơn đều đặn cắt tỉa, xén lá từ gốc đến ngọn. Cây như cũng thương người dày công chăm chút nên mọc thành hàng thành lối, xanh tươi mỡ màng.
Cái câu “gần nhà xa ngõ” của ông bà xưa quá đúng với tụi nhỏ hai gia đình. Phải chăng vì thế chúng thường í ới gọi nhau qua vách ngăn xanh tươi, nhón chân là nhìn thấy mặt, nụ cười hỉ hả. Chúng thích vạch đôi bờ lá, lèn đám cây kịp chui tọt sang nhà bạn nhanh chóng. Đơn giản, dễ dàng khác hẳn ý nghĩ chạy ra cổng chính nhà mình, vòng qua con đường phía trước, vượt qua cái cổng chẳng hề ngắn của nhà bạn mới có thể gặp gỡ, bàn luận chuyện “vô cùng hệ trọng”. Cái hàng rào bỗng nhiên hóa thân thương, gần gũi.
Góc người lớn gọi là lùm, bụi cùng nỗi lo côn trùng, sâu bọ cắn, gai cào thì với con trẻ lại mở ra một trời mơ mộng, thích thú. Một góc hàng rào được rẽ ra bằng một khoảng trống nho nhỏ vừa vặn người của đứa trẻ. Chúng vun vén gọn gàng chui lọt thật nhanh lúc cần. Chỉ cần chút hiệu lệnh từ nhà bên, bên này phóng sang có mặt ngay. Thêm vài ba chiếc lá chuối, lỗ trống rào giậu hóa ngôi nhà nhỏ trong trí tưởng tượng bay bổng. Che nắng hay ngăn cả những giọt mưa lộp độp rụng rơi. Em và bạn hí hửng nấp dưới tàn lá chuối xem độ kiên cố của “ngôi nhà”.
Hàng rào vẽ chân dung ký ức vụng dại, yêu thương. Hàng rào chân chất mà kéo gần khoảng cách. Mẹ nấu xong nồi chè, hay quả mít vừa chín, ổi vừa thơm hương, bằng vài bước chân có thể chuyền ngay cho xóm giềng qua dãy hàng rào. Người bên này tới chợ trở về, rổn rang câu chuyện bán mua, heo gà, món hàng hời giá với người phụ nữ bên kia bờ giậu vắng buổi chợ nay. Có phải bởi hàng rào mỏng manh mà thâm tình càng thêm đậm sâu? Cái hàng giậu chẳng cầu kỳ nên khoảng cách dễ được kéo gần giữa người với người.
Bây giờ, hàng rào cũng đổi thay theo dòng phát triển của cuộc sống. Cớ chi em cứ luyến tiếc bờ giậu râm bụt, hàng rào tre thô mộc, dây leo vắt nối đôi nhà? Bởi tường rào cao ngút xây bằng xi măng kiên cố, thêm lớp thép gai, mảnh chai chắc chắn nên khoảng cách đôi nhà bỗng hóa xa xôi, chông chênh, e ngại? Tiếng gọi í ới ngày nào, chia sớt món ăn, bánh trái bỗng hụt hơi, rụng rơi theo độ dày, chiều cao hàng rào? Cứ tưởng phá bớt cây cối, nhà càng thêm gần, tình xóm giềng càng thêm ấm?
Chẳng phải nỗi mất mát thân tình tự nhiên biến mất hay tại cái hàng rào thô mộc chẳng còn nên em vương buồn chuyện rào giậu râm bụt ngày xưa đi vắng về đâu?
HUỆ HƯƠNG