Ai góp tiền cho Quảng Nam?

ĐĂNG QUANG 05/10/2015 08:19

Chuyện “góp tiền” nói ở đây là số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Rất ấn tượng khi UBND tỉnh cho biết 9 tháng đầu năm 2015 thu ngân sách trên địa bàn đã đạt 9.967 tỷ đồng, vượt 9,5% dự toán năm. So sánh với cách đây 5 năm, thì số thu tăng hơn gấp đôi (năm 2010 đạt 4.550 tỷ đồng).

Nhờ đâu mà Quảng Nam tăng thu được ngân sách? Cần phân tích sâu vấn đề này, nhất là trong đại hội sắp tới, để nhận diện những thành tựu đóng góp và hoạch định được chiến lược phát triển cho chặng đường mới. Vì rằng có thành tỉnh giàu được hay không là nhờ kinh tế phát triển, đời sống nhân dân khá lên và theo đó thu ngân sách được nhiều thêm.

Hỏi chung chung là ai góp tiền cho Quảng Nam thì sẽ khó kể đầy đủ, chi tiết. Chỉ biết rằng, nhìn lại chặng đường 5 năm qua, tỉnh khẳng định các doanh nghiệp đóng góp 90%  số thu ngân sách trên địa bàn. Mức đóng góp ngân sách của các doanh nghiệp tăng dần qua các năm, đạt đến hơn 8.330 tỷ đồng, tức gấp khoảng 2,7 lần so với năm 2010.

Doanh nghiệp đóng góp ngân sách tăng vì làm ăn có lãi. Đồng thời tín hiệu vui là số lượng doanh nghiệp mới thành lập cũng tăng. Trong 5 năm đã đăng ký thành lập gần 3.200 doanh nghiệp, chiếm khoảng hơn 60% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Kết quả điều tra doanh nghiệp đến thời điểm 31.12.2014 cả tỉnh có hơn 3.360 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh (742 doanh nghiệp công nghiệp), tăng thêm hơn 1.100 doanh nghiệp so với năm 2010, tổng nguồn vốn kinh doanh hơn 64 nghìn tỷ đồng gấp 1,9 lần so với năm 2010. Trong 9 tháng đầu năm nay, đã có 614 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (so với cùng kỳ năm 2014, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 131 doanh nghiệp) với tổng mức vốn đăng ký gần 3.000 tỷ đồng.

Số lượng doanh nghiệp và tổng lượng vốn đầu tư sản xuất kinh doanh tăng nên trên tổng thể ngành nghề sản xuất kinh doanh được mở rộng thêm, góp phần đáng kể để giải quyết lao động việc làm. Thống kê cho thấy, khoảng 200 nghìn lao động được giải quyết việc làm mới. Nhờ đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, hiện lao động phi nông nghiệp chiếm khoảng 50%.

Cùng với giải quyết lao động, doanh nghiệp là lực lượng chính tạo ra hàng hóa công nghiệp. Một số sản phẩm chủ lực thuộc lĩnh vực công nghiệp tiếp tục phát triển, chiếm tỷ trọng lớn, có thương hiệu trên thị trường như: ô tô, giày da, may mặc, bia, nước giải khát, điện sản xuất; linh kiện điện tử, xi măng, nước giải khát, chế biến nông lâm sản, thủ công mỹ nghệ... đóng góp tích cực vào phát triển chung của tỉnh, trong đó góp sức cho giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,2%.

Một đóng góp khác đáng lưu ý là loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong 5 năm qua, tỉnh đã thu hút và hỗ trợ thành lập 46 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nâng tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài lên 113 dự  án với tổng mức đầu tư hơn 1,7 tỷ USD. Loại hình doanh nghiệp này đóng góp bình quân hàng năm hơn 600 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh; đặc biệt đóng góp gần 70% giá trị xuất khẩu hàng năm (đạt 440/660 triệu USD năm 2014).

Đóng góp tới 9/10 nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, vậy sẽ ứng xử với doanh nghiệp như thế nào? Sự tri ân, quan tâm quyền lợi doanh nghiệp đã xứng đáng chưa? Việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã đáp ứng thế nào để  tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp làm ăn? Những câu hỏi đó cần tiếp tục đặt ra cho Quảng Nam, không chỉ mỗi dịp hướng về kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam, mà còn ở quyết sách chiến lược phát triển sắp tới.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ai góp tiền cho Quảng Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO