Rất nhiều tập thể, quan chức, doanh nghiệp và nhà báo đã bị bắt, thi hành kỷ luật, ở tù vì vi phạm pháp luật trong năm 2023 và đầu năm 2024. Chuyện sai, đúng, xử tới đâu, để lại hậu quả như thế nào từ những việc làm của họ, thiên hạ đã biết.
Nhưng điều đáng nói, là khi vụ việc xảy ra, nổi lên hội chứng “lên đồng tập thể” rất rõ. Nếu ở án kinh tế, Nhà nước đã quy định không được hình sự hóa các quan hệ kinh tế, thì ở đây, chuyện lôi anh em bà con họ hàng đồng nghiệp tập thể người ta vào một giuộc, rồi mạ lỵ, lên án kết tội tất cả...
Hễ có ai bị tù, bị bắt, thế là vạch lá tìm sâu theo kiểu tam đoạn luận, rằng ông bà đó sai nên những ai thân cận cũng sai, gia đình, họ hàng, anh em sai hết.
Những người cố cựu, nhận thức không cao, thiếu thông tin, trống vắng khả năng minh định vấn đề mắc chứng này đã đành; ngay cả lớp trẻ, học hành cao, vẫn bị. Ném đá tập thể. Chửi tập thể. Kết tội tập thể, theo kiểu “Ông đó bị kỷ luật, tập thể đó bị kỷ luật, thì những ai xung quanh lâu nay qua lại với ổng, tốt lành chi?”.
Lên mạng nói kiểu đó, rần rần, nói sướng miệng mà không bị phanh, bị nhắc nhở, xử lý. Nói bất cần chứng cứ, đó là bệnh ăn theo nói leo, khi bị hỏi dồn tới thì ấm ớ, là nghe nói vậy!
Phải thẳng thắn với nhau rằng: Ai làm nấy chịu, ai sai xử người nấy, đừng lôi những người có liên quan (hoặc nghi ngờ có liên quan - nghi ngờ lắm khi cảm tính) vào một giỏ khi không có chứng cứ.
Phải biết đằng sau họ là gia đình, là cơ quan, tập thể, là các mối quan hệ. Trên bàn rượu anh có quyền không uống với họ, nhưng khi anh phát ngôn, hành văn, thì anh đã mặc định trách nhiệm.
Có một người làm việc tại một cơ quan mà sếp vừa bị bắt, nói trổng không mà chua chát: “Tôi làm công ăn lương, có dính dáng chi tới sai phạm, mà đi đâu họ cũng nói tôi làm chỗ đó. Tôi không thấy nhục, chỉ buồn nhiều!”.
Chừng nào quyền và trách nhiệm cá nhân được đề cao thực sự, thì may ra hội chứng một người làm trăm người chịu, mới dứt.