Ai nuôi câu lạc bộ văn nghệ?

TRUNG PHƯỚC 29/03/2014 14:31

Cả tỉnh hiện có hơn 50 câu lạc bộ (CLB) văn nghệ, chưa tính những đội, nhóm do người dân tự thành lập, đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân đất Quảng. Tuy nhiên, việc duy trì các CLB hoạt động có hiệu quả lại là một “thách thức” không nhỏ đối với những người có tâm huyết ở cơ sở. Theo ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh, hầu như huyện nào cũng có 2 - 3 CLB sân khấu, ca nhạc, thơ... Các CLB này “sống” được, chủ yếu vẫn là tự thân vận động từ nguồn xã hội hóa.

Nghệ thuật tuồng, dân ca ở Quế Sơn phát triển mạnh nhờ các câu lạc bộ ở cơ sở. TRONG ẢNH: Liên hoan nghệ thuật tuồng, dân ca huyện Quế Sơn lần thứ VII năm 2013.
Nghệ thuật tuồng, dân ca ở Quế Sơn phát triển mạnh nhờ các câu lạc bộ ở cơ sở. TRONG ẢNH: Liên hoan nghệ thuật tuồng, dân ca huyện Quế Sơn lần thứ VII năm 2013.

“Tỉnh vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ các CLB này, sự liên đới giữa Hội VH-NT và các CLB vẫn còn  chưa mạnh. Trong chương trình mục tiêu hoạt động của Trung ương có việc gầy dựng quỹ hỗ trợ sáng tác, nhưng lại không có đề mục hỗ trợ các CLB ở cơ sở” - ông Bích nói. Do vậy, các CLB ở cơ sở hoạt động ra sao lại không nằm trong sự quản lý của Hội VH-NT tỉnh. Ở những vùng quê xa xôi, nơi ít có các hoạt động văn hóa giải trí, các CLB là “hạt nhân” phong trào văn nghệ ở địa phương. Tất nhiên, những CLB có sự quan tâm của chính quyền. CLB Âm nhạc Tiên Phước hay CLB thơ Sông Tranh là những “hội” may mắn nhận được sự ưu ái từ phía chính quyền. Còn đa số những “hội” thơ, “hội” nhạc đều phải tự mình làm nên những cuộc chơi. Có nghĩa là sự tồn tại của CLB hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn xã hội hóa và các nhà hảo tâm yêu thích văn nghệ.

Ông Nguyễn Hoàng Bích chia sẻ, Đại hội Hội VH-NT lần thứ VIII sắp tới, ông sẽ đề nghị có cơ chế để xin kinh phí từ ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các CLB cơ sở. Bởi sự tồn tại của các CLB ở các địa phương sẽ tạo môi trường văn hóa lành mạnh, là hạt nhân thúc đẩy những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống tồn tại vững bền. Sự thụ hưởng văn hóa vì thế cũng sẽ sâu rộng tới toàn dân” - ông Bích nói. Hiện nay, phần lớn các CLB trực thuộc Phòng Văn hóa hoặc UBND huyện, thành phố, nên kinh phí nếu có cũng chỉ là kinh phí thuộc dạng xã hội hóa của các địa phương. Hoạt động văn hóa, nếu thực sự muốn đi vào đời sống người dân, ắt hẳn cần phải có những CLB, đội nhóm văn nghệ ở từng địa phương. Bởi một khi tự họ vận động và đi đến những hoạt động, nghĩa là nhu cầu về đời sống tinh thần đã lên đến một đỉnh điểm, cần phải có động thái quan tâm từ chính quyền thì phong trào văn nghệ mới phát triển và tạo nên những “sân chơi” lành mạnh, bổ ích.

Không có ai “nuôi” nên các CLB nhỏ ở cơ sở đang loay hoay tìm cách tồn tại, dù rằng hoạt động của các CLB đã làm cho đời sống tinh thần của người dân ở những nơi xa xôi khuất nẻo trở nên tươi mới hơn. Và đó là điều mà chính quyền các cấp và các nhà quản lý hoạt động văn hóa văn nghệ cần quan tâm nhằm “trợ sức” cho các CLB tồn tại, không phải “chết yểu” như một số CLB trong thời gian gần đây.

TRUNG PHƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ai nuôi câu lạc bộ văn nghệ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO