Ai ơi! Đừng bỏ ruộng hoang...

HÀ AN 08/03/2013 08:50

Mấy năm trở lại đây, ở huyện miền núi Hiệp Đức, cây cao su, cây keo, cây dó... phát triển mạnh, đem lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều hộ dân. Vì thế, họ không còn mặn mà với công việc đồng áng nên không ít đồng ruộng bị bỏ hoang...

Ruộng bỏ hoang ở Hiệp Đức.  Ảnh: H.A
Ruộng bỏ hoang ở Hiệp Đức. Ảnh: H.A

Vụ đông xuân năm nay, cánh đồng Nà Sư, Ruộng Đỉa, Hố Môn... ở thôn Già Ban, xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức, đáng lẽ vào thời điểm này, lúa đã lên xanh, nhưng cả cánh đồng chỉ lác đác vài đám ruộng lúa, còn lại đều bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Trước đây, công việc đồng áng được người dân coi trọng, còn bây giờ họ cho rằng “tiền giống, tiền công, tiền thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu... tăng cao; thời tiết lại thay đổi thất thường; chuột và sâu bọ phá hại gần như mất trắng nên thà bỏ hoang còn hơn là vất vả gieo trồng để cuối cùng cũng không thu được gì”. Mặt khác, ngày công lao động làm phụ hồ xây dựng, lột vỏ keo, cạo mủ cao su... cũng cao hơn làm ruộng, lại nhận “tiền tươi” nên sau khi “hạch toán kinh tế” nhiều người đã bỏ ruộng hoang. Ở huyện Hiệp Đức, công việc cạo mủ cao su, lột vỏ keo, một ngày công lao động nữ khoảng 150.000 đồng, còn ngày công lao động nam cao hơn một chút. Trong khi đó giá gạo loại bình thường cỡ 11.000 đồng/kg, tính ra  một ngày lao động cũng mua được hơn 10kg gạo.
Đấy là nguyên do khiến nhiều người dân còn không thiết tha với đồng ruộng. Tuy chưa có một con số thống kê chính xác, nhưng thực tế cho thấy, mấy năm trở lại đây, ở huyện Hiệp Đức cũng như các huyện miền núi khác như Đông Giang, Bắc Trà My, Tây Giang... nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Một già làng ở huyện Tây Giang cho biết, bây giờ người dân ở bản ông cũng không còn ai mặn mà đến việc làm ruộng, làm rẫy. Họ đi làm thuê, kể cả đi đào đãi vàng, bứt mây... kiếm tiền khỏe hơn. Ông Vũ Cao Quyền, Trưởng thôn Già Ban, xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức cho biết: “Thấy ruộng đồng bỏ hoang, tôi và nhiều bà con cũng xót lắm. Nhưng với tình hình giá cả thị trường như hiện nay, cho dù phải bỏ công sức, tiền của vào mà không đem lại kết quả gì thì chính quyền địa phương vận động bao nhiêu cũng vô ích. Ruộng đất bỏ hoang,  chuột bọ ngày càng nhiều. Nếu những năm tới, giá lúa vẫn thấp, sản xuất hoa màu thu không đủ bù chi, thì tình trạng ruộng bị bỏ hoang vẫn sẽ tiếp diễn”.

Trước đây, mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC) được các gia đình ở nông thôn tự động nhân rộng ra đại trà và qua đó đảm bảo được nguồn thu nhập cũng như sự ổn định của đời sống kinh tế cho gia đinh. Thế nhưng, giờ đây mô hình này không còn được nhiều hộ dân “mặn mà”. Mô hình kinh tế VAC rất quan trọng đối với người nông dân, bởi từ cây lúa và hoa màu, người ta lấy rơm rạ nuôi trâu bò lấy phân bón ruộng, làm ra hạt thóc, củ khoai... Nhưng khi để ruộng đồng hoang hóa thì vòng “tuần hoàn” ấy bị ngưng trệ và cuộc sống của người nông dân luôn bấp bênh, không ổn định. Chia sẻ với những khó khăn với người nông dân để ổn định sản xuất, hằng năm ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ các loại cây giống, con vật nuôi, phân bón và hạt giống cho bà con nông dân. Nhưng diện tích đất bỏ hoang ngày càng nhiều là thực trạng rất đáng báo động, vì nó không chỉ gây lãng phí, mà còn ảnh hưởng tới an toàn lương thực của cộng đồng dân cư ở từng khu vực, địa phương.

Chính vì vậy, các cấp các ngành cần có những chính sách thiết thực để vận động người nông dân gắn bó với ruộng đồng, với “tấc đất, tấc vàng” để có một cuộc sống ấm no bền vững từ sản xuất nông nghiệp.

HÀ AN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ai ơi! Đừng bỏ ruộng hoang...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO